10:06 - 29/09/2016
Sài Gòn, thời của giới trẻ ‘háo like’
Vì những lượt like ảo, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra đủ thứ quái chiêu hại đời, và cũng có nhiều bạn trẻ vô cảm với mạng người bấm like và thích thú xem người khác… tự xử.
Like cho mày chết!
Là một trong những người like và mong chờ màn trình diện của nam thanh niên tên Nguyễn Tiến thề tẩm xăng tự thiêu trên trang Facebook, cô gái Nguyễn Hoàng An, sinh viên một trường cao đẳng ở quận Tân Phú, đã chia sẻ thật khó tin: “Em like (thích) để còn được xem màn trình diễn ấn tượng, đầy kịch tính miễn phí”.
Em không sợ cậu ấy chết khi like cho đủ theo yêu cầu? “Cậu ta có chết đâu, với lại nghĩ ngợi chi cho mệt, giờ không chỉ có con trai mà con gái cũng “chơi liều” đầy dẫy để câu like, để nổi tiếng đấy thôi. Nhiều khi không có khán giả như em, mấy bạn đó tự tử không chừng”, Hoàng An lạnh lùng đúc kết.
Ngồi cùng với Hoàng An là Hùng Nguyên, bạn trai học cùng trường với An, còn chia sẻ rằng mình là người đã like quyết liệt nhất cuộc hẹn hò thanh toán nhau của hai cô gái tại phố đi bộ Nguyễn Huệ hồi tháng 3/2015.
“Không có gì sướng hơn khi được theo dõi cuộc chiến của các bạn nữ trên Facebook. Họ sống vậy mới thực, chứ nhiều cô gái cứ giả đò này nọ trước mặt bạn trai nhưng quay lưng đi là sỉ vả, là nói xấu”, Nguyên không ngại ngần chia sẻ lối nghĩ thích “đánh nhau” của giới trẻ.
Có lẽ vì những suy nghĩ như vậy mà trên mạng xã hội, ai cũng dễ dàng đọc thấy những bài viết thách thức kiểu như đạt được số lượt like nhất định thì nhân vật chính sẽ cởi đồ nhảy nhót, sẽ uống nước mắm, sẽ tự rạch tay, sẽ “nuy”, sẽ “sô”, sẽ…
Theo cô Nguyễn Hoàng Thuỳ, giáo viên dạy tâm lý học, điều kinh khủng nhất hiện nay đối với các bậc phụ huynh là lời thách thức càng quái, càng nguy hiểm thì càng nhanh chóng đạt chỉ tiêu like và càng được nhiều người chia sẻ, để biến nó thành hiện thực.
Lỗi này tại ai?
Hậu quả của việc câu like của Nguyễn Tiến đòi tự thiêu ở kênh Tân Hóa là phỏng, là bị công an mời về đồn. Hậu quả của hai cô gái đòi xử nhau trên phố đi bộ Nguyễn Huệ là bị xử phạt hành chính.
Nói chung, tuy hậu quả câu like đến giờ này chưa đáng kể, nhưng hậu quả mà xã hội hiện tại phải gánh cho những việc làm ngu xuẩn trên rất nặng nề, không khéo giới trẻ thành phố sẽ nguy trước thực trạng này, nếu không tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Cô Thuỳ đặt câu hỏi và tự trả lời, đúng là không thể không nói đến yếu tố gia đình là phải uốn nắn con em mình từ nhỏ.
Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất là thuộc về các em – đa phần đã lớn và biết suy nghĩ. Nếu không có hàng chục ngàn người vô tâm xem việc like cho Nguyễn Tiến đủ số lượng like để thực hiện cam kết, thì làm sao cậu ấy làm liều như vậy.
“Dù người tự thiêu không chết, nhưng rõ ràng đã có hàng trăm bạn trẻ nhìn người đồng trang lứa mình tự tìm đến cái chết thì rõ là quá nguy”, cô Thuỳ nhấn mạnh.
Còn chú Trương Văn Hoá, cựu cán bộ ngành giáo dục, cho rằng cũng cần phải trách nhà trường và các cơ quan chuyên về hoạt động đoàn thể.
Bởi theo chú Hoá, nhà trường PTTH và đại học hiện nay thực tế chỉ chăm chăm vào tỷ lệ đậu, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chứ ít khi để ý đến việc tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích lôi kéo học sinh, sinh viên; nếu có thì cũng chỉ chạy theo thành tích và làm cho có, chứ chưa thực sự quan tâm đến cảm nhận và suy nghĩ của các em.
Chính quyền thì chỉ lo làm dự án này nọ chứ không cần quan tâm đến việc dự án đó có phù hợp với giới trẻ hay không…
Theo chú Hoá, khi phát hiện con em mình có những cá tính lệch lạc, quá khích thì bạn bè, gia đình, nhà trường cũng cần lưu tâm để giải quyết, tránh những tình trạng đáng tiếc xảy ra.
“Tại sao chúng ta không ban hành những quy phạm pháp luật xử phạt đám đông hiếu kỳ tụ tập xem người ta tự thiêu, đánh nhau; rồi xử phạt thật nặng những kẻ gây rối xã hội như những cá nhân đòi tự thiêu, đòi chém giết trên mạng…”, ông Hoá đặt vấn đề.
Giang Thanh – Đằng Giang
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này