
10:30 - 12/10/2016
Người Việt ăn gì – uống gì
GDP chừng khoảng 200 tỷ USD, cái ăn cái uống của người Việt đang chiếm rất nhiều trong đó.

Năm 2015, người Việt uống khoảng 3,5 tỷ lít bia. Trong 3,5 tỷ lít đó, người nông thôn uống hết 2 tỷ lít.
Người Việt ăn gì?
Ở trong nước, người Việt ăn 6,5 triệu tấn gạo. Người Việt cũng xuất khẩu chừng đó, thu về khoảng 2,8 tỷ USD năm 2015. Tính tròm trèm, gạo có giá trị từ 5 – 6 tỷ USD.
Gần đây, nhiều lô gạo xuất khẩu bị trả về vì dư lượng hoá chất, thuốc trừ sâu. Những hạt gạo đó sẽ thành cơm chui vào bụng người Việt, cùng với các loại kháng sinh, thuốc sâu, hoá chất…
Còn gạo ở ta thì cứ ăn thoải mái, mỗi năm, để ăn chừng đó gạo, ta ăn luôn hàng trăm ngàn tấn thuốc trừ sâu, ăn luôn 12 triệu tấn phân bón. Ăn chừng đó gạo, ta “ăn” luôn 12 triệu tấn phân hoá học, 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật…
Đâu chỉ có gạo, người Việt đang ăn rất nhiều hoá chất độc hại khác. Bữa ăn của người Việt 90% ăn cơm – gạo hàng ngày, 80% có thịt – cá, còn rau xanh thì không thể thiếu.
Thị trường đạm thực vật cho 92 triệu dân mỗi năm cũng tròm trèm 20 tỷ USD, tức 10% GDP. Ấy là nói theo ngôn ngữ ngành, còn nói nôm na đó là thịt cá, trứng…
Để có ngần ấy thịt thà ăn, các loại heo gà bò… hay cá, tôm cũng ăn vào khoảng 10 tỷ USD thức ăn chăn nuôi nữa.
Tất nhiên, một phần trong số đó là xuất khẩu, như thuỷ sản chẳng hạn. Còn các loại thịt thì ta chả xuất được đi đâu, vì dính chất cấm nhiều, nên người Việt ta cho vào bếp, lên bàn ăn, chui vô bụng hết.
Mà thức ăn chăn nuôi thì đầy các kháng sinh, còn chăn nuôi cũng sử dụng đủ chất này chất nọ… Ta còn ăn thêm 5,3 tỷ gói mì tôm, mà phần đa cũng các chất này chất nọ.
Người Việt uống gì?
Năm 2015, người Việt uống khoảng 3,5 tỷ lít bia. Trong 3,5 tỷ lít đó, người nông thôn uống hết 2 tỷ lít. Nếu bạn cho rằng do người nông thôn đông, chiếm tới 68% dân số, nên uống nhiều, thì cũng đúng.
Nhưng nên nhớ, ở nông thôn, quán nhậu không nhiều, hầu hết là mua về nhà uống. Tính ra, người nông thôn đang uống bia gần bằng người thành thị, nơi quán nhậu mọc ra đến tận trong ngõ sâu, hẻm hút.
Mỗi năm, ta cũng uống chừng 70 triệu lít rượu, chẳng thua kém anh hào nước nào. Ấy mới chỉ là con số thống kê rượu công nghiệp, còn rượu phi công nghiệp, nhà nấu, không thống kê được.
Tính ra thì phải hơn trăm triệu lít. Cả bia lẫn rượu, tức thức uống có cồn, mỗi năm ta uống cũng chừng 4 tỉ USD.
Ta uống thêm chừng hơn 4 tỷ USD, có khi đến 5 tỷ, nước giải khát không cồn khác, từ sữa, nước trái cây, nước ngọt có gas, trà không độ. Vậy có gì trong các loại đó?
Ngoại trừ sữa được cho là bổ dưỡng, các loại khác cũng đáng bàn. Mới xảy ra chuyện con ruồi trong chai Dr Thanh chưa lâu thì lại đến chuyện C2 của URC đầy chì, phải thu hồi.
Các ngành, hội đoàn, từ rượu, bia, thuốc lá, thuốc trừ sâu, đều đề ra các mục tiêu, “phấn đấu năm sau cao hơn năm trước”.
Uống nhiều, ăn nhiều mà ta đọc ít. Coi những con số này, ngành xuất bản sách thấy mình nhỏ bé: hơn 90 triệu dân, mỗi năm chỉ chi chừng 100 triệu USD đọc sách. Thế cũng đã là may.
Càphê ta uống 17 tỷ ly, 50% trong đó là càphê hoá chất, trộn này trộn nọ.
Ngoài uống ra, mỗi năm, người Việt đốt thêm không ít tiền vào khói thuốc. Khoảng 15,6 triệu người trong tổng số hơn 90 triệu dân hút thuốc, mỗi năm đốt 4 – 5 tỷ bao, tương đương…
Ấy là thêm chừng 4,1 triệu người cả quê lẫn phố hút thuốc lào nữa. Thêm người hít phải khói thuốc khoảng 35 triệu người nữa.
Thuốc lá có khoảng 7.000 độc tố, trong đó khoảng 70 chất gây ung thư, lấy đi sinh mạng của 40.000 người mỗi năm. Chỉ riêng thuốc lá, người Việt đốt mỗi năm chừng 1,5 tỷ USD.
Ăn chừng đó, uống chừng đó, hút chừng đó, vậy mà mỗi năm chỉ tốn 4 tỷ USD tiền thuốc, kể cũng lạ. Thêm những vấn nạn môi trường, bệnh càng thêm bệnh…
Ăn uống như thế cho nên, ung thư là một điều không thể tránh khỏi. Mỗi ngày ta chứng kiến 200 người ra đi vì bệnh ung thư, nghĩa là mỗi tháng tới 6.000 người, một năm độ chừng hơn 70.000 chết vì căn bệnh này.
Ấy là thời điểm hiện tại, chứ còn trong tương lai, con số sẽ còn tăng hơn nữa. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, ít thì nói rằng, số ca mắc bệnh ung thư mỗi năm là 130.000 người.
Số khác thì cho biết con số thật là 200.000 người.
Thế mà ta vẫn có tiền để xài smartphone, mua sắm hàng hiệu. Tài thật!
Trần Hoàng Phi
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này