09:41 - 08/12/2016
Khi con cái sống vì giấc mơ của cha mẹ
“Một số cha mẹ nhìn con cái như những phiên bản nối dài của mình, thay vì đó là những cá thể độc lập cũng có những hy vọng và giấc mơ của riêng chúng. Những người cha mẹ này thường muốn con cái thực hiện những giấc mơ mà họ chưa hoàn thành”, Brad Bushman, giáo sư tâm lý đại học bang Ohio (Hoa Kỳ), nói.
Cha mẹ muốn thay con cái
Qua một người quen giới thiệu, cuối cùng tôi cũng gặp được ông H., 62 tuổi, chủ một cửa hàng vi tính lớn tại quận 3, TPHCM, người vừa xuất viện sau một tháng nằm viện vì đột quỵ tim.
Ông tâm sự: “Tôi đột quỵ vì chuyện thằng con đang học ở Úc. Năm 16 tuổi, tôi cho nó đi du học vì muốn nó sau này thành kiến trúc sư, giấc mơ mà cả đời tôi chưa làm được. Nó không thích ngành này, chỉ muốn học marketing, nhưng tôi vẫn muốn nó học. Gần mười năm trời, tốn bao nhiêu tiền của, học không xong. Tháng qua tôi với nó cãi nhau một trận long trời và sau đó tôi lên cơn đau tim phải nhập viện”.
Cũng hoàn cảnh như ông H., nhưng bác sĩ V., 55 tuổi, có một kết cục bi thảm hơn. Cách đây năm năm, ông bắt L., đứa con trai lớn 17 tuổi qua Mỹ du học với mong muốn nó học ngành y, thành công hơn ông, để làm vẻ vang gia đình. Cậu bé không muốn sống ở nước ngoài, nhưng cha mẹ ép, nó phải nghe theo.
Ba năm sống ở Mỹ, không hoà nhập được cuộc sống nơi xứ người, L. nhiều lần đòi về nước. Thương con nên ông V. lại gửi tiếp đứa em sang học hành và ở chung để cho anh trai đỡ buồn. Ngày nọ, sau khi từ trường về, L. bước vào nhà thì thấy đứa em đã nằm chết trong bồn tắm từ bao giờ. Cảnh sát đến khám nghiệm, cho biết nạn nhân tử vong vì trợt chân té ngã.
Nhiều tháng sau khi bay sang Mỹ đưa xác con về nước, vợ chồng ông V. vẫn như người mất hồn. Họ tự trách phải chi không bắt con cái hy sinh cho giấc mơ của mình thì mọi chuyện đâu đến nỗi.
Nhưng trách thì trách, hiện tại ông V. vẫn buộc đứa con trai tiếp tục học ở nước ngoài dù hơn bao giờ hết cậu quá chán nản. Mỗi tối, ông và vợ thay nhau lên mạng gọi qua Mỹ động viên con học tiếp, bởi về nước bây giờ là đồng nghĩa với… thất bại.
Nhiều năm gần đây, du học đang trở thành mốt thời thượng ở nước ta. Ngoài lý do để tiếp thu một nền giáo dục tốt hơn, người trẻ đi học nước ngoài còn vì hàng trăm lý do khác, trong đó có lý do bị cha mẹ ép buộc để thoả mãn những mong muốn dang dở mà người lớn chưa hoàn thành.
Hà, chủ một shop thời trang tại quận 5, TPHCM, có nhiều trải nghiệm trong chuyện này. Chị chia sẻ: “Tôi cũng từng buộc con gái mình đi học ở New Zealand với mong muốn nó thành một nghệ sĩ violon giỏi. Dù được ăn ở với người thân, có môi trường học tốt, nhưng bản thân nó không phù hợp và có dấu hiệu trầm cảm nên tôi đành cho nó quay về nước học. Dở dang sáu tháng, nhưng cũng may tôi sửa chữa được sai lầm”.
Cái giá của những giấc mơ
Th., 21 tuổi, du học sinh Pháp, về nước giữa năm nay. Cô còn một năm cuối của đại học, nhưng có lẽ khó hoàn thành được chương trình vì mắc bệnh tâm thần phân liệt. Qua người quen, tôi được biết gia đình chạy đôn chạy đáo tìm bác sĩ tâm thần giỏi để chữa bệnh cho cô, nhưng mọi chuyện cần được giấu kín vì người nhà… sợ mang tai tiếng.
“Hồi ở Việt Nam con bé học giỏi lắm, nó muốn theo con đường nghệ thuật, nhưng gia đình có nhiều người làm ngành y nên muốn nó đi theo con đường này, mà phải ra nước ngoài học cho danh giá chứ học trong nước như người thân không được”, người quen gia đình Th. nói với tôi.
ThS.BS chuyên khoa tâm thần Lê Quốc Nam cho biết, ông từng gặp không ít người trẻ mắc bệnh khi đi du học ở nước ngoài. Xa lạ về văn hoá, thời tiết và ăn uống, áp lực về học hành, cô đơn do xa nhà, hàng trăm lý do để người trẻ phát bệnh tâm thần.
Thật ra theo Brad Bushman, giáo sư tâm lý đại học bang Ohio (Hoa Kỳ), cha mẹ muốn con cái đi theo con đường mà mình vạch ra không phải ai cũng có giấc mơ dang dở, mà thông thường đó chính là những cha mẹ nhìn thấy bản thân mình nhiều nhất trong con cái.
Trường hợp của Andy Murray, tay vợt tennis số một thế giới năm 2016 người Scotland, là một thí dụ. Mẹ anh, bà Judy Murray, từng là một tay vợt tennis chuyên nghiệp và sau khi huấn luyện anh trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp, bà vẫn tiếp tục tháp tùng gần như mọi giải đấu để cổ vũ anh thi đấu. Là một người mẹ thương con, Judy nhìn thấy bản thân mình trong Andy, nên bà muốn con đi theo con đường quần vợt.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng tận hưởng hạnh phúc như bà Judy. Cách đây vài năm, cái chết trẻ của bác sĩ H., ứng cử viên cho chức vị phó giám đốc một bệnh viện lớn tại TPHCM làm sững sờ nhiều người. Giới chuyên môn nói ông bị đột quỵ não, còn người hiểu chuyện nói ông trả giá vì cày cục kiếm tiền cho hai đứa con đi học ở nước ngoài.
Cũng như H., T. một bác sĩ hàng ngày vẫn kiếm tiền bằng mọi cách để nuôi ba đứa con đi học tại Úc. Làm ở bệnh viện xong, về nhà ông tiếp tục làm phòng mạch đến gần 10 giờ tối. Dân chuyên môn tự hỏi với lịch làm việc kín mít như thế, thời gian nào để ông đọc sách chuyên môn, nâng cao kiến thức để làm việc. Không ai trả lời được, nhưng có một điều chắc chắn là trong vài năm qua ông bị tai tiếng ít nhiều vì chuyện “câu bệnh” từ bệnh viện ra ngoài, bán thuốc giá cắt cổ và đòi ăn chia hoa hồng để kê thuốc.
Vô Thường
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này