08:26 - 17/11/2016
TS Giáp Văn Dương: ‘Học nhiều để làm gì?’
Khi giáo dục nhà trường đang có nhiều bất cập, thì giáo dục trong gia đình là chốt giữ cuối cùng các bậc phụ huynh cần trấn giữ.
“Hoang mang style”
Bố mẹ phải canh me giờ giấc chính xác đến mỗi 15 phút để ăn để nghỉ sao cho đảm bảo làm hết bài về nhà kẻo ngày mai cô mắng. Lịch làm việc của con nghe ra căng thẳng không kém lịch làm việc của nguyên thủ quốc gia. Mà con mới học lớp 3 chứ có nhiều nhặn gì.
Khi tôi hỏi cho con học nhiều như thế để làm gì thì hầu hết các phụ huynh đều… bí. Câu trả lời hiển nhiên là: cô cho nhiều bài về nhà thì cứ phải học hết thôi. Nào toán, nào tiếng Việt, nào tập làm văn, nào nhật ký đọc, nào chính tả, nào thi IOE, nào thi Violymp… Nói chung là sáng sớm đi học, tối lại học tất bật, 10 giờ đêm vẫn chưa được nghỉ.
Tôi hỏi: nếu không làm thì sao? Không ai dám nghĩ đến chuyện đó. Không hoàn thành thì bị chép phạt năm lần, có khi mười lần, nên đứa con nào cũng sợ. Bố mẹ thì nói chung là “hoang mang style”, nên chỉ biết căn ke giờ giấc và giục con đi học, rồi gặp nhau than thở sao bây giờ con học vất vả quá, sao ngày xưa không thế. Nhưng than là than như vậy, chứ cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cho con ăn và giục con đi học.
Rồi không chỉ học ở trường, nhiều gia đình còn cho con đi học thêm đủ thể loại. Các bố mẹ thì đua nhau nghe ngóng xem có lớp nào hay, kể cả các chương trình nghe ra rất bí hiểm, để đăng ký cho con học.
Cơ hội và trách nhiệm
Tiếc rằng, không ai dạy chúng ta cách dạy con, và rộng hơn là cách làm cha mẹ để chúng ta có thể dạy cho con mình. Lại tiếc rằng đời sống hiện đại quá bận rộn, nên chúng ta có quá ít thời gian dành cho nhau và dành cho việc dạy con.
Lại cũng tiếc rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện giờ được viết theo lối học sinh không thể tự học, nên mình không thể dựa vào đó mà dạy con.
Phải có cô, phải có sách, giáo viên, phải có bài mẫu, nếu không thì… botay.com. Và vô số cái tiếc rằng khác nữa mà nếu liệt kê ra cũng kín cả vài trang giấy. Cái nào cũng chính đáng cả.
Hệ quả là chúng ta đẩy toàn bộ phần giáo dục cho nhà trường, bỏ lơi giáo dục trong gia đình, mà nếu suy xét thật kỹ, thì hoá ra lại là phần quan trọng nhất.
Vì sao như vậy?
Vì khi nhìn sâu vào việc học, chúng ta sẽ thấy việc học ở trường hiện giờ chỉ giới hạn ở học để biết, mà một phần trong số đó cũng đã lạc hậu và phiến diện. Biết nhiều là tốt. Biết nhiều như Google lại càng tốt. Nhưng là một người sử dụng Google thường xuyên, tôi thấy chạy đua với Google không phải là cách đúng. Chưa kể biết phiến diện lệch lạc, biết những thứ đã lỗi thời mà cứ tưởng là chân lý, biết chỉ để biết mà không biết dùng để làm gì thì có khi còn nguy hiểm.
Trên thực tế, ngoài cái học để biết, thì còn những cái học khác quan trọng hơn, đó là: học để làm việc, học để trở thành, và học để tương tức trở thành.
Những cái học này hiện rất yếu ở trong nhà trường. Biểu hiện rõ nhất là dù có học hết 12 năm phổ thông và bốn năm đại học, thì kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, khả năng tự lãnh đạo bản thân của người trẻ thường rất yếu.
Tuy nhiên, chính những cái học mà nhà trường chưa chạm tới này lại quyết định sự trưởng thành hay không trưởng thành, thành công hay thất bại… của con trẻ. Đó chính là nơi mà các bậc phụ huynh phải trám vào, nếu không muốn con mình hụt hơi với cuộc sống, nếu không muốn con mình trở thành những đứa trẻ ở tuổi… 30.
Những cái học này chính là mảnh đất của giáo dục trong gia đình mà cha mẹ có thể, và cần phải gieo trồng. Bội thu hay thất bát sau này, phần nhiều nằm ở việc gieo trồng trên những mảnh đất này.
Suy cho cùng, con cái là tài sản lớn nhất của chúng ta. Vậy tại sao ta lại có thể mặc nhiên giao phó toàn bộ cho nhà trường để rút về giữ vai trò quan sát như người ngoài cuộc được!?
Hiểu ra được như thế, chúng ta sẽ thấy giáo dục trong gia đình chính là cơ hội để chúng ta giúp con mình trưởng thành toàn diện hơn, là nơi chúng ta thể hiện vai trò của mình, lại cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với con trẻ. Nói cách khác, buông hẳn việc giáo dục cho nhà trường, thì dù có thừa nhận hay không, chúng ta cũng chưa làm tròn trách nhiệm.
Nếu đã đồng ý như thế, thì trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng ta sẽ khám phá tiếp hai câu hỏi: Cha mẹ có thể dạy gì và dạy thế nào cho con trẻ?
Giáp Văn Dương
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này