21:48 - 16/05/2017
Hoãn thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa khỏi chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2017 đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động.
Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu chưa được đưa ra bàn thảo và thông qua trong năm như dự kiến.
Theo Nghị quyết 379/2017/UBTVQH14 ngày 4-5 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đối với dự thảo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Điều này có nghĩa là nhiều quy định trong dự luật này liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người lao động như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu… sẽ chưa được đưa ra bàn thảo và thông qua trong năm nay.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, ban đầu, Bộ LĐTBXH trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 nhưng qua quá trình tổng kết đánh giá và xin ý kiến địa phương thấy rằng có nhiều vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn, cần sửa đổi toàn diện hơn, do đó bộ đã đề xuất thành sửa đổi Bộ luật Lao động, tức là khi ban hành sẽ thay thế toàn bộ Bộ luật Lao động 2012.
Theo ông Bốn, sau khi tiến hành tổng kết, đánh giá thấy có nhiều vướng mắc, bất cập liên quan tới việc cụ thể hóa Hiến pháp; những vấn đề sao cho phù hợp với các luật mới ban hành như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… Do đó, phải có quá trình rà soát cho thống nhất, thậm chí phải lược bỏ những điều khoản trùng lặp.
Hơn nữa, Việt Nam cũng ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước, do đó phải nội luật hóa cho phù hợp với các FTA. Đồng thời, Việt Nam cũng phải ký kết các điều ước quốc tế. Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, các văn bản pháp luật cũng phải phù hợp với xu thế chung của khu vực và quốc tế. Do đó, những vấn đề trước chưa quy định thì cần phải quy định rõ hơn.
Cũng theo ông Bốn, nhiều vấn đề đã quy định trong Bộ luật Lao động 2012 nhưng thực tiễn xã hội vẫn đang đòi hỏi phải sửa đổi như tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu, bình đẳng giới, tiền lương tối thiểu…
“Liệu quy định về tiền lương tối thiểu có cần phải có đạo luật riêng hay quy định chung trong Bộ luật Lao động? Căn cứ mức đóng thế nào, căn cứ mức sống hay nhu cầu sống vì hiện nay nhiều người cho rằng căn cứ (để tính tiền lương tối thiểu) vào nhu cầu thì khó quá, không xác định được nhu cầu con người….”, ông Bốn nói và cho biết thêm, bộ sẽ chọn thời điểm thích hợp để lập đề nghị sửa đổi Bộ luật Lao động 2012.
Thực tế, đây là bộ luật ảnh hưởng tới đại bộ phận người dân, đặc biệt là việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động vì quy định này vấp phải sự phản đối của người dân và nhiều chuyên gia.
Theo dự thảo lần 2 vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ LĐTBXH đã đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện hành, theo đó, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Phương án 2 là tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi, tức tăng lần lượt 2 tuổi và 5 tuổi so với quy định hiện nay.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này