22:44 - 07/08/2020
Sangkhlaburi và ngôi chùa chìm đáy nước
Vừa ngắm xong chùa xưa trầm mặc rêu phong chìm trong hồ biếc, lướt thêm tí con đò sẽ đưa tới nơi ngôi chùa mới lấp lánh trên đồi cao, lung linh nhân bóng dưới gương xanh. Nhấn thêm duyên lạ cho “miền viễn Tây xứ Thái”.
Là huyện nhỏ biên viễn ở miền tây Thái Lan, Sangkhlaburi không nổi tiếng lắm với dân du lịch Việt, nhưng khá thu hút người bản địa, do sức hút của cây cầu gỗ dài nhất đất nước này. Tôi bị thu hút đến đây lần đầu vì tiếng tăm của cửa khẩu biên giới Three Pagoda Pass – đèo Ba Kiểng Chùa giáp giới Miến, nơi có cung đường sắt liên quan đến siêu phẩm điện ảnh Cầu sông Kwai. Đến, bị hớp hồn bởi nhiều thứ khác, trong đó có gương hồ lạ Vajiralongkorn và những ngôi chùa xưa mới, nổi chìm lung linh soi bóng nhau.
Những thời khắc lang thang trên hồ Vajiralongkorn ở Sangkhlaburi tôi cứ liên tưởng đến hồ Na Hang tuốt miền đông bắc nước Việt. Dù rất khác nhau, chỉ chung duy nhất là đều hình thành sau khi một con đập chặn ngang dòng nước. Cùng ở miệt hóc bà tó của mỗi quốc gia, vẻ đẹp của Na Hang đến từ những cánh rừng bị ngập, đại ngàn soi bóng trên màn xanh, những cồn xanh nho nhỏ tạo thành từ đồi đất xưa, cụm cổ thụ cũ lũ phong lan, rêu phong, tầm gửi đu bám… Còn ở Vajiralongkorn không vậy, vì phần bị nhấn chìm là một thị trấn cũ nằm trong thung lũng không có dáng dấp rừng già. Nhưng có phần khá thú vị là dấu xưa của thị trấn đó vẫn còn lưu lại một ngôi chùa nhấp nhô trên hồ. Do chùa ngày trước nằm trên một mô đất cao hay ngọn đồi nào đó. Nên dù phố xá bản làng cũ đã chìm sâu trong làn nước thì chùa xưa vẫn còn, dù đã ngập gần tới nóc.
Xây những năm 1950, chùa Saam Prasob không nhiều niên đại lắm và cũng chỉ tồn tại đến khi con đập ra đời giữa những năm 1980. Thế nhưng nằm giữa màn nước, rêu phong phủ bám làm tưởng như đâu đó vài thế kỷ tuổi tác. Như đã nói, điểm nhấn chính của Sangkhlaburi, của gương hồ Vajiralongkorn là chiếc cầu gỗ dài nhất đất Chùa Vàng. Nhưng đích đến của những chuyến đò du lịch viếng cảnh trên hồ luôn là ngôi chùa ngập sâu trong nước. Tôi may mắn lênh đênh trên đò những hai lần. Chuyến đi đò lần đầu, tôi không kiếm được người đi chung, phải bao nguyên chuyến mà bữa đó xui trời kéo mây nên hồ không xanh đẹp, tiếc cho những pô hình – và cả tiền nong! Đến lần sau quay lại rong chơi đang lang thang ven hồ thấy nhóm bạn trẻ người Thái rủ nhau thuê đò vãn cảnh. Cũng đang rảnh bèn thử hỏi rằng có thể đi chung rồi chia sẻ chi phí không thì các bạn gật đầu cái rụp. Nên chỉ mất 100 baht (khoảng 70.000 đồng), tôi có thêm một chuyến lênh đênh hồ nữa. Có thêm cả tốp hướng dẫn viên trẻ đẹp miễn phí và nhiệt tình, kể những câu chuyện dạng huyền thoại phố phường không đọc thấy về gương hồ và các linh tự chìm nổi kia.
Sau khi ngắm chùa chìm, đò đi tiếp tí xíu là đến chân đồi nơi chùa Wang Wiwekaram, còn gọi là chùa Mon nằm trên đỉnh. Sở dĩ có tên đó vì chùa do người Mon ở xứ Miến sát bên qua đây xây. Tạo ra sức hút của chùa Wang Wiwekaram bởi sự pha trộn các nét kiến trúc Thái – Miến. Hơn thế nữa, còn có cả dáng hình bảo tháp của ngôi Đại Giác Ngộ Tự tiếng tăm tuốt luốt bên Bồ Đề Đạo Tràng xứ Ấn. Mà theo như sử sách, hồi thế kỷ thứ 5, để xây chùa Mahabodhi ở Bodhgaya này, người ta có tuyển cả các thợ thủ công tài hoa từ Miến Điện sang. Nên coi như giờ đây người Mon dựng lại ngôi chùa mà tiền nhân họ đã từng làm. Còn lung linh hơn bản gốc chỉ toàn đá xám, bảo tháp ở chùa Wang Wiwekaram được dát vàng lộng lẫy. “Vàng thiệt đó anh, không phải giả đâu nha, nghe nói do mấy ông trùm buôn lậu thuốc phiện tài trợ đó” – là một trong nhiều câu chuyện huyền thoại phố phường tôi được khuyến mãi khi đi chung với các bạn trẻ. Hành trình đi đò không dừng lại chùa Wang Wiwekaram nhưng mấy bận khác thuê xe máy, xe đạp lang thang tôi cũng đã viếng chùa nhiều. Đúng là đứng sát bên chùa thấy hoành tráng sáng láng lấp lánh thiệt, nhưng lại không có nét duyên như khi nhìn từ dưới con đò lênh đênh giữa sông. Khi chùa vàng, bảo tháp vàng thanh thoát nhân bóng bên hồ xanh, rồi nhè nhẹ tan thành những lớp sóng vàng nhỏ lăn tăn khi con đò trờ tới. Cũng thiệt ngộ khi mới vừa ngó nghiêng ngôi chùa chìm trong làn nước rêu phong trầm mặc, chỉ lướt tới tí xíu lại được vọng ngó chùa vàng lấp lánh trên cao và lung linh dưới sông.
Tới lui Sangkhlaburi mấy bận, nhưng toàn những lúc nước hồ ngập ngang ngang hay gần lút chùa chìm. Nghe nói tới mùa khô những khi hạn hán dài ngày đập bị thiếu nước, đỉnh đồi mà chùa toạ lạc sẽ nhô lên trên và khách hành hương có thể đi bộ quanh chùa. Lại có cớ cho chuyện quay lại “miền viễn tây xứ Thái” mà tôi đã lỡ đem lòng si!
bài và ảnh Thái Hoãn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
TPHCM đưa ra quy tắc hướng dẫn du khách ứng xử
Trải nghiệm bếp núc cùng Mekong Cuisine
Những chiếc bóp đầm và tôi
Nha Trang ngập khách Trung Quốc: thất thu thuế vì tour 0 đồng
Nhộn nhịp khách quốc tế đến Việt Nam
Tags:SangkhlaburiThái Lan
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này