15:04 - 11/12/2017
Pang Oung, góc Đà Lạt xưa ở miền biên viễn Thái – Miến
Đến Pang Oung, gợi nhớ về một Đà Lạt cách đây 30 năm với thông xanh, hồ xanh…
Tôi đã ngang qua làng sơn cước này hai lượt, nhưng không rẽ vô. Mấy lần đó chạy xe máy từ thành phố Mae Hong Son đến làng biên giới Ban Rak Thai tìm phong vị Vân Nam trên đất Chùa Vàng, một hôm tính tạt vô lại gặp bữa mưa nguồn trút ầm ào, lo chạy quéo giò về phố – vì 44km đường rừng núi dốc đèo chập chùng ở miền biên giới vắng hoe hoắc này vốn không đùa với khách du. Nên vẫn lỡ duyên với Pang Oung. Cho đến hôm được thấy tấm hình quá mơ màng Pang Oung, nhứt quyết phải ghé. Choáng. Rồi thấy vẫn chưa đủ nên sau khi lê la, nghiêng ngó những nương chè, xóm làng, lữ điếm… đẫm phong vị kiếm hiệp xưa, chiều muộn đường về lại tạt vô lần nữa.
Làng nhỏ tên gốc Ruam Thai của đồng bào thiểu số người Shan ngày trước vắng vẻ hoang sơ lắm. Chỉ từ sau khi hoàng tộc Thái Lan triển khai dự án Pang Tong 2 (Pang Oung, hay Pang Ung) mới bắt đầu được giới trẻ ở bển phát hiện ra nét đẹp “tiềm ẩn” vừa mới nên vóc này. Vẫn chưa nhiều du khách ngoại quốc vì muốn lưu trú qua đêm phải đăng ký trước với cơ quan chức năng. Cũng như đường đất bất tiện vì thành phố Mae Hong Sơn chỉ có sân bay nhỏ, còn hai con đường nối tới các thành phố khác lại nổi tiếng hiểm trở với trên dưới 2.000 đèo dốc, khúc cua. Rồi từ đó, phải thêm 44km nữa mới đến được Pang Oung, cũng bằng đoạn đường khá gian truân. Nên miền đất được mến tặng mỹ danh Thuỵ Sĩ trên đất Thái Lan này vẫn vắng vẻ. Như một góc Đà Lạt gần 30 năm trước tôi ghé thăm. Nên nhiều khi cứ ngỡ, và mơ.
Cũng như Tuyền Lâm tôn duyên Đà Lạt, hồ thuỷ lợi mới được ngăn đã thay đổi diện mạo vùng đất ngày trước chỉ có một bản người Shan bên cạnh doanh trại quân đội gác canh biên giới. Được lên kế hoạch từ năm 1979, khi Đức vua Thái Lan đến thăm miền biên viễn lúc bấy giờ vẫn đang rộ những mùa anh túc. Ông đã cho nghiên cứu, triển khai dự án mới để thay đổi cuộc sống của đồng bào nơi đây. Chỉ mới xong vào 2003, giờ đây Pang Oung là miền đất của những cánh đồng hoa nhiều sắc, các loại thảo mộc, dược liệu, cũng như những khu vực chăn nuôi, trên bờ lẫn dưới nước với những loại thuỷ sản thích hợp với miền cao nguyên khá lạnh này. Hoa thì đủ các loại hồng, huệ, cúc, lan… Cây trái thì lủ khủ bơ, đào, hồng, lê, mận… Kể cả những đồn điền càphê thênh thang, giờ đang trở thành đặc sản, thứ nước thơm lừng không thể thiếu cho khách du tìm đến Pang Oung. Cũng rất phù hợp ở miền sương khói mênh mông quanh năm lành lạnh rất nên thơ này.
Hồ đẹp thì nhiều miền đều có. Nhưng cái hay của Pang Oung, mà nếu chỉ xem hình có thể nhiều người lầm rằng ảnh của một góc cao nguyên Lâm Viên là ở dáng thẳng thanh thoát của những rừng thông. Khi soi bóng ven hồ, lúc miên man che hai bên con đường “quanh co quyện gốc thông già”, lúc ẩn khuất những mái nhà người miền cao… tăng thêm nét lãng đãng. Nhưng phải nói, đẹp nhất vẫn là khi lũ thông soi ven hồ xanh. Tôn thêm nét, cùng nâng nhau lên. Rất may mắn khi “chộp” được cặp thiên nga đen nổi tiếng của Pang Ung, vốn được Hoàng hậu tặng cho, lững thững trên hồ, còn được thấy thêm nhiều loại chim khác tung tăng bay, bơi trên hồ, đối tượng yêu thích của những nhiếp ảnh gia chuyên lẫn không chuyên. Không có công trình kiên cố nào, chỉ vài chòi tranh làm bến chờ cho du khách khám phá hồ bằng bè tre. Thêm chiếc cầu thanh mảnh chủ yếu để làm cảnh hơn là neo đậu bè thuyền, trở thành nơi yêu thích của những pô hình nam thanh nữ tú. Và, hơi lạ là những tà cà sa trên những chiếc bè đơn sơ chấm thêm sắc lạ cho gương hồ xanh, rừng thông xanh và những triền cỏ cũng ngăn ngắt…
Tạt ngang Pang Oung hai lần, tôi cũng chỉ mới cỡi phi cơ xem hoa. Miền Thuỵ Sĩ xứ Thái này nghe nói có những ngày đông lạnh đến 0 độ C, khi lớp băng mỏng phủ gương hồ và trên những cành thông lung linh đẹp. Cũng như thời gian bon chen ít ỏi không đi được hành trình dã ngoại băng rừng đến đầu nguồn vài con thác đẹp có tiếng. Ít nhất cũng phải một đêm homestay trong làng của người Shan hay ở lều trại ven hồ… Nhưng chẳng sao, vì rồi sẽ có ngày không xa Pang Oung sẽ là đích đến chính, thay vì chỉ là điểm ăn ké hành trình. Để sẽ có những câu chuyện hay khác ở góc Đà Lạt miền biên viễn Thái – Miến hầu chuyện cho quý độc giả chứ.
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này