10:06 - 06/12/2018
Tôm chân trắng của Việt Nam tận dụng thời cơ Mỹ tăng nhập khẩu
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 8 năm nay thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu tôm, sau khi giảm mạnh các tháng trước.
Thị trường Mỹ có xu hướng ngày càng tăng nhập khẩu tôm nước ấm trong đó có tôm chân trắng từ các nước châu Á, giảm nhập khẩu tôm nước lạnh từ Mexico, Canada.
Trong dòng tôm nước ấm, đối với sản phẩm tôm chân trắng nguyên liệu đông lạnh, Mỹ chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Ecuador; còn các sản phẩm tôm chân trắng chế biến, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia lần lượt là các nguồn cung chính cho Mỹ.
Trong tổng cơ cấu nhập khẩu của Mỹ, tôm chân trắng chiếm 69% tổng sản lượng nhập khẩu, tôm chì biển chiếm 7% và tôm sú 4%. Trong khi đó, trình độ nuôi tôm chân trắng của Việt Nam khá cao, sản lượng mỗi năm lên tới 350.000 tấn nên dư địa để xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam vào Mỹ còn rất lớn.
Từ năm 2013 đến 2017, tỷ trọng tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ luôn cao hơn tôm sú. Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng luôn gấp gần 3 lần so với tôm sú. Đặc biệt năm 2014, Việt Nam xuất khẩu tôm chân trắng vào Mỹ cao kỷ lục với gần 776 triệu USD, chiếm gần 73% giá trị xuất khẩu tâm của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Năm 2014, cũng là năm xuất khẩu tôm vào Mỹ lập kỷ lục với giá trị đột biến khi đạt hơn 1 tỉ USD, vượt xa con số bình quân 700 triệu USD mỗi năm. Mỹ chiếm khoảng trên 18% thị phần tôm của Việt Nam và là khách hàng nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU.
Năm 2017, xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang Mỹ đạt 536 triệu USD, chiếm trên 81% tổng các sản phẩm xuất khẩu tôm sang Mỹ. Mười tháng đầu năm nay, XK tôm chân trắng Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì tỷ trọng 81% trong tổng cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang Mỹ với 540 triệu USD.
Vì sao tôm chân trắng lên ngôi?
Trong những năm 2012-2013, kinh tế Mỹ suy thoái làm thay đổi xu hướng và thói quen tiêu dùng của người dân Mỹ. Họ có nhu cầu chuyển sang sản phẩm chất lượng với giá phải chăng hơn so với tôm sú và tôm đánh bắt tự nhiên.
Báo cáo thị trường về ngành tôm ở Mỹ cho thấy năm 2013 tiêu thụ tôm chân trắng qua mặt các sản phẩm khác và thói quen đó hình thành cho đến nay.
Cũng chính trong năm 2013, sản lượng tôm chân trắng sản xuất trong nước tăng và đã lần đầu tiên vượt qua tôm sú về giá trị xuất khẩu sang Mỹ và Mỹ trở thành nhà nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng thời gian trên nguồn cung tôm chân trắng từ Thái Lan giảm mạnh vì dịch bệnh. Hưởng lợi từ thời cơ thị trường này ngoài Việt Nam còn có Ấn Độ.
Theo Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này