10:17 - 28/08/2023
Thị trường lúa gạo Việt Nam sau động thái mới của Ấn Độ, Myanmar
Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo đồ, Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo trong 45 ngày khiến nguồn cung gạo thế giới thêm thắt chặt.
Thị trường gạo trong nước phản ứng chậm trước thông tin trên bởi rơi vào cuối tuần. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp dự báo thị trường Việt Nam không ảnh hưởng nhiều bởi giá gạo đã ở mức cao và giao dịch quốc tế gần đây rất ít.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho rằng thông tin Ấn Độ áp thuế 20% với gạo đồ và Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo trong 45 ngày sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam.
“Trong cơn sốt giá gạo 1 tháng qua, các đơn hàng xuất khẩu có khối lượng rất nhỏ, các nhà nhập khẩu thiếu tới đâu mua đến đó chứ không nhập để trữ” – ông Thành chia sẻ.
Ông Thành nói thêm, phía khách hàng Philippines, châu Phi đang đàm phán mua gạo Ấn Độ theo dạng hợp đồng chính phủ với giá vừa phải chứ không vội chuyển sang mua gạo trên thị trường tự do với giá cao.
“Ấn Độ sản xuất gạo dư thừa, tiêu thụ nội địa không hết cũng cần xuất khẩu để thu ngoại tệ. Họ cũng không thể đóng cửa xuất khẩu quá lâu” – ông Thành dự báo.
Tương tự, một thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng dự báo giá gạo Việt Nam sẽ tăng vào đầu tuần tới, chủ yếu do yếu tố tâm lý.
Hiện tại, nguồn cung gạo Việt Nam không có nhiều, chủ yếu nằm trong kho các đơn vị cung ứng, lượng gạo xuất khẩu theo giá mới chưa có nhiều.
Trong tuần qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL ổn định ở mức cao, ở mức từ 7.700 – 8.200 đồng/kg (lúa); giá xuất khẩu gạo 5% tấm chào giá 638 USD/tấn – là mức đỉnh của đợt sốt giá gạo hơn 1 tháng qua.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này