09:31 - 10/05/2019
Malaysia đấu Thái Lan trên ‘võ đài’ sầu riêng ở Trung Quốc
Hiện sầu riêng là món ăn ưa thích của người Trung Quốc, nên các công ty Malaysia đang muốn xuất khẩu loại trái cây này, và loại bỏ sầu riêng Thái Lan khỏi sự thống trị thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
Theo báo SCMP, xuất khẩu sầu riêng là một mảng thương mại “phất to”, như Thái Lan hồi năm 2016 đã thu về 495 triệu USD, trong khi Malaysia chỉ được 18 triệu USD. Trồng cây sầu riêng cũng cực kỳ có lời. Người trồng có thu nhập 4.200 USD/ha, nhiều gấp hơn chín lần so với trồng cây dầu cọ.
Hồi năm 2017, sản lượng sầu riêng của Trung Quốc nhập tăng 15%, đạt 350.000 tấn. Khoảng 40% trong tổng nguồn cung này đến từ Thái Lan, nhà sản xuất sầu riêng hàng đầu thế giới. Thái Lan đã xuất sầu riêng sang Trung Quốc từ năm 2003.
Thái Lan đã tham gia dự án cơ sở hạ tầng Một vành đai một con đường (BRI) của Trung Quốc, cụ thể là một tuyến đường sắt kết nối Thái Lan với Trung Quốc (tuyến China – Thailand Railway). BRI là dự án trọng điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm phát triển thương mại, bằng cách xây dựng đường sắt, cảng, nhà máy điện cùng các dự án khác ở 114 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, vùng Nam Thái Bình Dương và cả ở Bắc cực.
Theo Reuters, khi Trung Quốc tổ chức diễn đàn BRI ở Bắc Kinh hồi cuối tuần thứ ba của tháng 4/2019, sứ quán Trung Quốc ở Thái Lan đã phát một video bằng tiếng Hoa, nêu bật các tuyến giao thông tốt hơn, có nghĩa sầu riêng Thái Lan xuất qua Trung Quốc được nhanh hơn, tốt hơn: “Nhờ sáng kiến này, hành trình của sầu riêng trở nên mượt mà hơn”.
Hiện tại, cứ 100 trái sầu riêng bán ở Trung Quốc, thì chỉ có một trái đến từ Malaysia, nên nước này đang muốn tăng thị phần ở Trung Quốc, và phá đổ thế thống trị của sầu riêng Thái Lan.
Malaysia kỳ vọng được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cả trái sang Trung Quốc trong vài tháng tới, sau khi có thay đổi trong chính sách của Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc không cho nhập sầu riêng toàn trái từ Malaysia, chỉ cho phép nhập sầu riêng dạng múi đông lạnh. Nhưng hồi tháng 8/2018, hai chính phủ thoả thuận cho nhập sầu riêng toàn trái đông lạnh từ Malaysia qua Trung Quốc.
Theo SCMP, bên lề diễn đàn BRI, các công ty Malaysia nỗ lực quảng bá sản phẩm sầu riêng “nhà trồng”. Riêng tại Malaysia có gần 200 giống sầu riêng, nhưng giống Vua Musang (còn gọi là mèo ngủ gật) là giống sầu riêng nổi tiếng nhất của Malaysia.Giống này được trồng chủ yếu ở huyện Gua Musang của vùng Kelantan.Đất ở đây giàu potassium và có đời sống côn trùng phong phú. Các công ty liên kết với tổng công ty đồn điền Berhad (Malaysia) tổ chức Festival sầu riêng Malaysia trong hai ngày tại một khách sạn hạng sang, nhằm giới thiệu sản phẩm và công nghệ mới để trồng sầu riêng.
Thủ tướng Malaysia, TS Mahathir Mohamad cùng vợ cũng đến dự festival này, nhằm ủng hộ việc nước ông muốn nhảy vào thị trường sầu riêng Trung Quốc.Giám đốc Eric Chan nói, công ty Dulai Fruit của ông mỗi năm chỉ giao một container sản phẩm sầu riêng qua Trung Quốc kể từ năm 2011.Nhưng nay, mỗi tháng công ty xuất từ 5 – 6 container, và công ty còn nhắm tăng gấp ba doanh số bán trong hai năm tới.
Chan nói Thái Lan đã xuất sầu riêng sang Trung Quốc suốt 20 năm, và họ thâm nhập sâu vào thị trường này nhờ có nhiều đất trồng hơn. Trong khi đó, từ nhiều năm qua, Malaysia chú trọng mảng dầu cọ, chỉ cách đây mười năm mới bắt đầu xuất khẩu sầu riêng: “Trong quá khứ, chúng tôi chỉ xuất qua Singapore”.
Công ty Krillo Kakaw chuyên sản xuất kẹo chocolate làm từ sầu riêng, cho biết đang phát triển sản phẩm mới, sử dụng sầu riêng sấy – đông lạnh để xuất qua Trung Quốc, với mục tiêu ban đầu là sẽ có doanh số bán từ 40 – 50 triệu ringgit/mỗi năm. Giám đốc Charles Chen nói công ty có tám loại kẹo chocolate sầu riêng bán chạy nhất, và giá bán lẻ là 49 ringgit. Ông khẳng định người tiêu dùng Trung Quốc rất tò mò và ngày càng chấp nhận những sản phẩm từ sầu riêng, họ xem đó là sản phẩm “đệ nhất cấp”, nhưng công ty vẫn muốn tìm thêm các cách khác để đáp ứng nhu cầu của người Trung Quốc.
Wan Mun-hoe, giám đốc của công ty Newleaf Plantation Berhad (Malaysia) nói: “Sầu riêng Malaysia đắt giá hơn sầu riêng Thái, nhưng kinh tế Trung Quốc đang tốt, người dân giàu hơn và có nhu cầu cao hơn về trang phục, xe và thức ăn”.
Ông cho biết các doanh nghiệp Malaysia đang hy vọng việc xuất khẩu sẽ được cho phép từ cuối năm nay, điều có thể dẫn đến sự gia tăng nguồn cầu thưởng thức sầu riêng nơi người Trung Quốc. Wan cho biết thêm, sầu riêng hiện chỉ bán ở các thành phố lớn của Trung Quốc, và Malaysia đang mở rộng các đồn điền trồng sầu riêng, đểđáp ứng nguồn cầu của thị trường Trung Quốc.
Newleaf Plantation Berhad đã phát triển một “hệ thống nông trại thông minh” để theo dõi sức khoẻ của từng cây Vua Musang. Trên đất trồng của công ty, mỗi cây đều có mã QR, và khi dùng máy quét mã này, nhà nông có thể biết tình trạng sức khoẻ của cây, đánh giá nên tưới nước hoặc nên bón thêm phân. Hệ thống quản lý trung tâm đều ghi nhận các dữ liệu như tuổi, số trái và thành tích thu hoạch của từng cây.
Nhưng nhu cầu thưởng thức của Trung Quốc tăng, cũng khiến giá sầu riêng tăng. Ông Wan nói năm 2012, nông dân Malaysia bán 1kg sầu riêng 9 ringgit cho nhà buôn sỉ. Nay giá tăng lên 30 ringgit. Ông Wan còn nói Trung Quốc đang mở thị trường cho Malaysia, và nước ông đang bắt đầu chuyển qua mảng mở nông trại, đồn điền để trồng sầu riêng xuất khẩu.
Ý Thơ (theo TGHN/SCMP)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này