09:47 - 01/08/2018
Heo Thái tràn vào xứ Việt
Tranh thủ thời điểm giá heo hơi trong nước lên cơn sốt, heo Thái Lan có giá thấp hơn bắt đầu “đổ bộ” vào Việt Nam…
Cơn sốt giá heo tiếp tục xảy ra tuần cuối tháng 7/2018 trên cả nước. Hiện có nhiều tỉnh ở phía Bắc, giá heo hơi đã vọt lên 55.000 – 57.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng mười năm trở lại đây, trong khi phía Nam cũng dao động từ 52.000 – 54.000 đồng/kg như thời kỳ 2016.
Giá tăng liên tục
Tết Nguyên đán 2018, về các vùng quê nông thôn ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, đi đến đâu cũng nghe bà con nông dân bàn chuyện giải cứu con heo. Thời điểm đó, giá heo hơi xuống còn 20.000 đồng/kg nhưng không ai mua, dân rủ nhau hai ba nhà chung tiền mổ một con ăn cả tuần. Nay, mọi chuyện đảo ngược, đàn heo từ chỗ dư thừa, nay giá tăng vọt lên gấp hai, gấp ba lần.
Ông Hoà, một thương lái ở xã Quảng Trường (Quảng Xương, Thanh Hoá) cho biết, khoảng hơn một tuấn cuối tháng 7, ngày nào heo hơi cũng tăng 500 – 1.000 đồng/kg, đến ngày 28/7 lên 57.000 đồng/kg. Theo ông Hoà, dù giá heo tăng liên tục, nhưng ở hầu hết các xã trong huyện lại không còn heo nên lượng heo mà thương lái trong vùng đang giết mổ, cung cấp thịt cho thị trường mỗi ngày được vận chuyển từ các tỉnh miền Trung và phía Nam đưa ra. “Mỗi ngày khu vực này được “chia” một xe heo 500 con từ các tỉnh miền trong, thương lái chia nhau, mỗi người được vài con”, ông Hoà nói.
Theo ông Nguyễn Văn L., một chủ trại heo ở xã Quảng Trường, từ tháng 10/2016 – 4/2018, do chăn nuôi thua lỗ nên người nuôi heo ở vùng này loại hầu hết đàn nái, nay giá tăng không còn heo để bán. “Trước đây, trong chuồng lúc nào cũng có năm con heo nái, đẻ lứa nào gia đình tôi để lại nuôi thịt hết, nhưng cuối năm 2017 phải bán đi bốn con, chỉ để lại một con. Người nông dân là vậy, giá lên không được ăn, còn giá xuống thì lỗ”, ông L. than.
Do đặc thù chăn nuôi heo quy mô nhỏ hộ gia đình, nên khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, giá giảm, đàn heo nái ở các tỉnh phía Bắc thường bị loại nhanh nhất. Điều này khác biệt với các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực chăn nuôi heo tập trung vùng Đông Nam bộ có các trang trại lên đến hàng chục ngàn con heo thịt, nuôi chuyên nghiệp, nên dù thị trường biến động vẫn phải sống chết với nghề. Ở nhiều địa phương phía Bắc, thời cao điểm, các hộ có năm bảy con nái khá nhiều, nhưng giờ thì lác đác vài nhà còn nuôi.
Khảo sát cho thấy heo hơi tăng giá, đẩy giá thịt tại các chợ vùng quê lên ngang các đô thị lớn, là nỗi khổ của nhiều gia đình nông thôn. Theo ông Hoà, thương lái ở Quảng Trường, cách nay hơn một tháng giá thịt trung bình 70.000 – 80.000 đồng/kg, nay đã vọt lên 90.000 đồng đến hơn 100.000 đồng tuỳ loại. Giá thịt tăng nên bán cũng chậm. Làm nghề mổ heo mấy chục năm, ông Hoà cho biết đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, vượt quá khả năng chi tiêu của người dân nông thôn.
Không chỉ phía Bắc, ngay cả các tỉnh phía Nam, dù đàn heo được đánh giá chưa giảm nhiều, nhưng giá cả cũng tăng khá mạnh, hiện đã lên 52.000 – 53.000 đồng/kg heo hơi. Theo nhận định từ các doanh nghiệp trong ngành, đây đang là thời điểm nguồn cung căng thẳng nhất, hậu quả của việc giảm đàn nái từ tháng 4 đến hết năm 2017 để lại.
Cơ hội cho heo Thái nhập lậu?
Ngày 28/7, tin từ một số thương lái ở Mộc Hoá, đã xuất hiện heo từ Thái Lan vận chuyển qua Campuchia vào khu vực quanh cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hoá, Long An). Đây là heo nhập lậu vào Việt Nam có ngày lên đến 500 con, trọng lượng từ 100 – 120kg/con. Heo được gom thành bầy ở bên kia biên giới Campuchia, thương lái chia nhỏ rồi vận chuyển qua biên giới bằng xuồng, ghe máy hay chuyển bằng đường bộ… vào nội địa Long An tiêu thụ.
Theo một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, giá heo hơi tại Thái Lan hiện khá rẻ, chỉ khoảng 55 – 56 baht/kg (tương đương khoảng 39.000 đồng/kg), thấp hơn 10.000 – 15.000 đồng so với giá heo hơi tại Việt Nam, nên các đầu mối buôn lậu tìm cách đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Trả lời TGTT, ông Bạch Đức Lữu, giám đốc cơ quan Thú y vùng VI (cục Thú y) cho biết, đến thời điểm này Việt Nam chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhập heo hơi từ Thái Lan về Việt Nam. Tại các cửa khẩu Long An, Đồng Tháp và An Giang, cơ quan thú y cũng chưa cấp phép cho lô heo nào từ Thái Lan theo đường chính ngạch đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Theo ông Lữu, nếu có thông tin heo Thái Lan xuất hiện ở Long An, đó có thể là heo nhập lậu qua đường mòn, lối mở dọc biên giới, cơ quan phòng chống buôn lậu phải có trách nhiệm kiểm tra để tịch thu số heo này.
“Heo nhập lậu đã phạm pháp rồi, nhưng về vấn đề dịch bệnh cũng rất nguy hiểm, vì có thể đem nguồn bệnh tai xanh, lở mồm long móng vào Việt Nam. Trước thông tin này, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát tại các cửa khẩu đểngăn chặn!”, ông Lữu nói.
Thông tin từ cơ quan thú y cho biết, Việt Nam chỉ mới cấp phép cho doanh nghiệp nhập heo giống từ Thái Lan. Để được nhập heo vào Việt Nam, doanh nghiệp phải nuôi cách ly tại Thái Lan trong thời gian một tháng để lấy mẫu máu xét nghiệm các loại bệnh truyền nhiễm. Khi không có bệnh mới được cục Thú y cấp phép, nhưng nhập về Việt Nam vẫn phải tiếp tục nuôi cách ly thêm một tháng nữa và làm tiếp quy trình lấy mẫu máu xét nghiệm giống như tại Thái Lan, đến khi hoàn toàn sạch bệnh mới được cung cấp ra thị trường.
Bảo Ngọc (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này