22:47 - 11/04/2019
Giá hồ tiêu đang tụt dốc
Quý 1/2019, giá tiêu trong nước biến động theo chiều hướng đi xuống với mức giảm từ 6.000 – 6.500 đồng/kg.
Giá tiêu tụt dốc do sản lượng quá lớn dẫn đến dư cung. Tuần lễ đầu tháng 4, giá tiêu trên thị trường tiếp tục giảm thêm từ 500 – 1.000 đồng/kg tùy nơi, các doanh nghiệp và thương lái thu mua vào ở mức 43.000 – 46.000 đồng/kg và hiện nay vẫn đang duy trì ở mức này.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng tiêu xuất khẩu tháng 3/2019 ước đạt 36 ngàn tấn, với 81 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 72 ngàn tấn và 182 triệu USD, tăng 19,3% về lượng nhưng giảm 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Quý 1/2019, giá tiêu giảm 6.000 đồng/kg
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 2.800 USD/tấn, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019, gồm: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất với 42,7% thị phần.
Trong tháng 3 giá hạt tiêu tại hầu hết thị trường lớn trên thế giới đều có xu hướng tăng nhẹ. Nhưng nếu xét chung 3 tháng đầu năm thì giá tiêu trong nước biến động theo chiều hướng giảm với mức giảm 6.000 – 6.500 đồng/kg.
Thị trường hạt tiêu trong tuần đầu đến ngày 6/4, tại các vùng nguyên liệu lại giảm thêm từ 500 – 1.000 đồng/kg tùy nơi so với phiên đầu tuần. Trong tuần này, các doanh nghiệp và thương lái thu mua hạt tiêu ở mức 43.000 – 46.000 đồng/kg, đến ngày hôm nay giá tiêu tại các vùng nguyên liệu giữ nguyên ở mức giá trên.
Trước tình hình giá tiếp tục giảm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi vừa có cuộc làm việc với các sở, ban, ngành trong tỉnh và các doanh nghiệp hồ tiêu nhằm tìm đầu cho hơn 20.000 tấn tiêu vừa thu hoạch trong vụ mới 2019 do thị trường khá “bấp bênh”.
Ông Lợi kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong và ngoài tỉnh quan tâm tới việc tìm đầu ra cho việc tiêu thụ số tiêu này của địa phương, bởi giá thu mua đang xuống thấp, nông dân gặp khó, trong khi toàn bộ khối lượng tiêu của tỉnh đều là sản phẩm sạch, đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu chính ngạch hiện mới chỉ có một đơn vị cam kết thu mua với số lượng chưa tới 1/3 sản lượng toàn tỉnh.
Trong khó khăn vẫn có cơ hội
Trước tình trạng giá tiêu trên thị trường xuống thấp, một chuyên gia ngành tiêu cho rằng, chúng ta làm chiến lược đối với ngành hồ tiêu, nếu chỉ quá quan tâm đến giá lên xuống hàng ngày là chưa có cách nhìn toàn diện. Mặc dù giá giảm nhưng khối lượng tiêu xuất khẩu trong quý 1/2019 tăng trên 19%, cho thấy doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội thị trường rất tốt.
Trong điều kiện giá giảm như hiện nay nếu chúng ta vẫn giữ cho người nông dân trồng tiêu không bị lỗ, và đảm bảo giữ ổn định thị trường trong khi Việt Nam đang nắm giữ thị phần cao (60 – 65%), và trong tương lai giá tiêu có thể sẽ tăng trở lại.
Vì vậy, nên cố gắng duy trì và tiếp tục tranh thủ mở rộng thị trường khi giá tiêu đang xuống thấp và khi các nước xuất khẩu khác cũng đang gặp khó khăn về giá. Là nước đang chiếm giữ phần lớn nguồn cung nếu ta cố gắng giữ giá tiêu cao, thì các nước xuất khẩu khác cũng sẽ có lợi.
“Vấn đề đặt ra là trong điều kiện giá xuống và tiêu Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh, chúng ta phải cố gắng giữ được thị phần, đến khi thị trường tăng giá trở lại đó sẽ là cơ hội của Việt Nam và trong quá khứ chúng ta đã làm điều này rất thành công. Như vào năm 2001, khi thị trường hồ tiêu thế giới sụp đổ nhưng tiêu Việt Nam vẫn không lỗ, vì ta vẫn tiếp tục mở rộng thị trường, đến khi thị trường tăng giá trở lại thì Việt Nam đã chiếm lĩnh đến hơn 60% thị phần hồ tiêu thế giới”, vị chuyên gia này khẳng định.
Bây giờ đang giữa vụ tiêu và trong điều kiện khó khăn, người nông dân với áp lực cần tiền sẽ phải bán thậm chí lỗ cũng bán. Nhưng trên thực tế mỗi khi Việt Nam dừng xuất khẩu thì giá tiêu lại tăng lên, thậm chí trong tháng 3 có lúc giá tiêu đã đạt mức 47.000 đồng/kg.
Nguyên nhân của việc tăng giá này là do người dân dừng bán ra, bên cạnh đó một số khách hàng cần hợp đồng bắt buộc phải mua để giao hàng. Vì vậy, vấn đề điều tiết tốt thị trường trong điều kiện giá tiêu đang đi xuống, thị trường đang dư cung như hiện nay là rất quan trọng.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là nếu các doanh nghiệp Việt Nam giữ được giá bán ra không dưới giá thành sẽ là cơ hội cho sự phát triển bền vững trong tương lai của ngành hồ tiêu”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Tuy giá hồ tiêu trên thị trường đang sụt giảm nhưng vẫn có yếu tố tích cực, đó là khối lượng xuất khẩu tiêu trong quý 1 tăng trưởng đến 19,3% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang giữ vững thị trường xuất khẩu.
Kinh doanh trong cơ chế thị trường, khi nguồn cung dư thừa thì tất nhiên giá bán bị sụt giảm, và khi thị trường trầm lắng, doanh nghiệp nào bình tĩnh, xử lý tốt tính huống và biết chờ đợi cơ hội, có nghệ thuật kinh doanh tốt ắt sẽ vượt qua được khó khăn để phát triển bền vững.
Theo Quang Trí/VnEconomy
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này