10:44 - 06/03/2019
Chống dịch tả heo châu Phi: ‘Mất… heo mới lo làm chuồng!’
Dịch tả heo châu Phi (ASF) chính thức lan ra bảy tỉnh, hơn 4.000 con heo bị tiêu huỷ.
Nguy cơ dịch còn lây lan nhanh, khó kiểm soát do đang có nhiều lỗ hổng từ vận chuyển, con người, kinh phí, trang thiết bị, đặc biệt là nhận thức từ cơ quan quản lý.
Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 80% giá thị trường cho những con heo thịt, heo con bị dịch ASF, tăng 1,5 – 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu huỷ. Trong cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành và địa phương ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, việc phòng chống dịch không phải chỉ riêng của cơ quan thú y, mà phải đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tình hình hết sức cấp bách.
Như vậy, sau nhiều tháng còn “ngủ yên” với dịch, đến nay, ngành nông nghiệp mới chính thức huy động cả hệ thống, kiến nghị Chính phủ, ban ngành từ trung ướng đến địa phương hỗ trợ, vào cuộc chống dịch. Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra những biện pháp này phải được làm từ sớm hơn, ngay khi Trung Quốc công bố phát hiện ASF vào đầu tháng 8 năm ngoái. Khi đó, chỉ ba ngày sau Trung Quốc công bố, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Myanmar đã ban hành lệnh phong toả mọi con đường có nguy cơ dịch từ Trung Quốc xâm nhập vào. Hình ảnh cơ quan thú y, hải quan Thái Lan dùng cả chó nghiệp vụ để kiểm tra hành lý từng hành khách đến từ Trung Quốc ở các sân bay, cho thấy họ coi trọng tính nguy cấp và xử lý, ngăn ngừa chuyên nghiệp đối với loại dịch này như thế nào. Còn Việt Nam, như đã nói, mãi tới ngày 30/8, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới có một văn bản đầu tiên chỉ đạo.
Lẽ ra, ngay từ đầu chúng ta phải có các biện pháp nghiệp vụ ngăn ngừa mối lây nhiễm lớn nhất là ở các cửa khẩu giáp ranh với Trung Quốc. Những khách từ Trung Quốc qua phải được đưa vào luồng riêng, kiểm tra kỹ càng xem họ có mang theo thực phẩm có chứa thịt heo không. Hệ thống đường mòn, lối mở phải tăng cường lực lượng kiểm tra heo nhập lậu hoặc bất cứ nguồn lây nhiễm nào để loại bỏ. Tương tự là cửa khẩu hàng không, đường biển, hay bất kỳ đường tiếp nhận nào đến từ Trung Quốc.
Kế đó là phải xây dựng ngay chính sách hỗ trợ cho người dân nếu lỡ không may xảy ra dịch. Nếu có chính sách hợp lý, đưa ra sớm hơn, công bố sớm hơn thì người dân sẽ an tâm hợp tác khai báo, khi đó sẽ ngăn chặn đáng kể tình trạng dân bán chạy heo bị dịch. Đàng này đến nay, sau khi đã lan ra bảy tỉnh, ngành nông nghiệp mới kiến nghị mức hỗ trợ thì đã quá muộn.
Ở góc độ chuyển môn, dường như ngành nông nghiệp cũng chưa đánh giá hết nguy cơ, tầm quan trọng của dịch tả châu Phi, bởi đến nay nhìn lại, chúng ta vẫn thiếu trang thiết bị và đội ngũ con người có chuyên môn phòng dịch. Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng bộ Nông nghiệp, thừa nhận việc sáp nhập cơ quan thú y và bảo vệ thực vật, nên việc phòng dịch bị trì trệ, không hiệu quả. Cuối năm 2018, báo Dân Việt (Nông Thôn Ngày Nay) từng có loạt bài phản ánh tình trạng bất cập trong việc sáp nhập, khiến lực lượng thú y cơ sở còn lại quá mỏng, không đảm trách hết nhiệm vụ, có khi tắc trách khiến dịch lở mồm long móng lan rộng, khó kiểm soát. Như vậy, không chỉ có dịch ASF, ngay cả các loại bệnh thông thường mà người chăn nuôi đang phải “sống chung”, thì vai trò hỗ trợ của ngành thú y cũng chưa tốt.
Để dịch ASF xảy ra sẽ khiến Việt Nam mất đủ thứ. Ngoài thiệt hại kinh tế từ việc hàng ngàn con heo đã, đang, sẽ bị tiêu huỷ, kèm theo thiệt hại cả chuỗi hậu cần phục vụ chăn nuôi, thì kế hoạch xuất khẩu thịt heo cũng trở về con số 0. Nhiều chuyên gia cảnh báo Việt Nam phải mất nhiều chục năm nữa để khắc phục hậu quả dịch ASF, sau đó mới có thể nói đến chuyện xuất khẩu.
Bảo Anh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này