09:11 - 01/12/2016
Càphê chín đỏ cây vẫn không bị hái trộm
Gia Lai và Kon Tum đang vào mùa thu hoạch chính vụ cây càphê. Hiện giá càphê nhân đang dao động từ mức 43.800 – 46.000 đồng/kg nhân.
Đây được xem là giá kỷ lục của cây càphê đang trong lúc thu hoạch, ít nhất là trong mười năm trở lại đây.
Giá cao nhưng lãi vẫn thấp, vì năng suất thấp do hạn hán từ hồi đầu năm. Vụ càphê 2016 tại Dăk Hà (Kon Tum) hay Chư Prông, Chư Sê (Gia Lai), năng suất càphê ước chừng 3 – 4 tấn nhân/ha.
Chỉ một vài vùng có đủ nước tưới ở khu vực Ia Vê (Chư Prông) hay Ia H’Lốp (Chư Sê) có thể đạt 5 tấn. Ông Trần Tùng (Dăk Hà, Kon Tum) cho biết, năng suất năm nay chỉ bằng 60 – 70% so vụ 2015.
Những năm trước, nỗi khổ của người dân trồng càphê là bị mất trộm, ngay cả càphê còn xanh trái. Đã có nhiều chủ vườn càphê ở Ia Băng (Chư Prông) đã đốt xe hai bánh của những người gọi là đi “mót” càphê, nhưng thực chất là hái trộm càphê của những rẫy càphê không có người canh giữ.
Nhưng năm nay lại khác. Dù giá cao nhưng càphê vẫn chín đỏ cây. Phóng viên Thế Giới Tiếp Thị đã đi một vòng, từ vựa càphê Dăk Hà (Kon Tum) về các vùng càphê lớn như Ia Tôk, Ia Pia, Ia Vê (Chư Prông) cho đến Ia H’Lốp, Ia Blang (Chư Sê)… vẫn còn khá nhiều vườn càphê “chín đỏ cây”, thậm chí tại nhiều vườn, trái càphê đã chuyển sang màu tím.
Ông Phạm Văn Thịnh (Ia Pia) cho biết: “Năm nay thiếu nước nên năng suất thấp, nhưng bù lại được giá và không mất trộm! Khi trái càphê chín, nhân sẽ chắc, trọng lượng của hạt sẽ cao hơn càphê xanh. Dù mất mùa nhưng tính ra giá trị của vườn càphê vẫn chấp nhận được”.
Theo lời giải thích của ông Nguyễn Văn Vũ (Ia Blang, Chư Sê), việc để trái càphê chín đỏ cây là do thiếu công hái.
“Có những lúc giá công hái thuê lên tới 180.000 đồng/ngày, nhưng vẫn không tìm ra người hái nên đành nhìn càphê chín. Điều may mắn là năm nay càphê không bị trộm nên cũng bớt lo lắng”. Ông Vũ nói thêm, trong vài ngày nữa phải kiếm đủ công để hái, để lâu quá sợ rụng…
Còn một yếu tố khác, theo ông Hoàng Vinh (Ia Blang), từ những vụ “xử nóng” kẻ trộm và mót càphê của các chủ vườn càphê năm trước mà năm nay nạn trộm cắp giảm.
“Mấy năm trước, họ ngang nhiên hái trộm và chở bằng xe hai bánh. Năm nay, thỉnh thoảng có nghe chủ vườn này nói mất vài chục cây. Có thể nói năm nay không còn nạn trộm cắp càphê. Đã đi làm cả ngày, tối còn đi canh giữ vườn nữa là mệt lắm”, ông Vinh kể.
Sau khi thu hoạch xong vụ mùa càphê, nông dân vùng Tây Nguyên nghỉ ngơi được vài tháng là bắt tay chuẩn bị cho mùa thu hoạch tiêu. Lại những đêm mất ngủ để canh giữ. Hy vọng, cây tiêu vụ mùa năm 2017 sẽ như cây càphê của năm 2016. Những chùm tiêu sẽ chín đỏ…
bài và ảnh Minh Tú
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này