10:11 - 02/08/2023
Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo
Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng kiến nghị tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Theo Bộ NN-PTNT, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới gần đây có một số diễn biến như: Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo; hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo của thế giới.
Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Trong đó, bộ này đề xuất Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất, đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023.
Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam; chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Bộ Công Thương được đề nghị tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ, giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu; phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam; kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… để đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất.
Công văn cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam; tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng gạo, nhất là đối với các thị trường quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng kim ngạch và nâng cao lợi thế cạnh tranh của ngành hàng gạo Việt Nam.
Các địa phương chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch, trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.
Theo Văn Phúc/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này