09:54 - 13/09/2023
Ba mặt hàng nông sản vào nhóm xuất khẩu tỷ USD
Giữa bối cảnh xuất khẩu còn khó khăn thì gạo, cà phê, sầu riêng lại lội ngược dòng nhờ những lợi thế riêng. Trong khi cà phê chỉ trúng giá thì gạo và sầu riêng vừa được mùa vừa được giá.
Niềm vui kép
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 5,85 triệu tấn và 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là kỷ lục mà ngành gạo đạt được cả về sản lượng, giá trị và đơn giá xuất khẩu nhờ cơn sốt lương thực toàn cầu của năm nay và Việt Nam đã tận dụng được lợi thế. Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 623 USD/tấn, thấp hơn mức kỷ lục 643 USD/tấn trước đó nhưng vẫn ở mức cao trong hơn 10 năm qua. Thị trường gạo dự báo sẽ biến động tăng khi Indonesia vừa thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia.
Theo bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) – chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, thông thường khi có thầu mở mới thì giá thị trường luôn biến động tăng. Gói thầu này mở có thời gian giao hàng gấp nên doanh nghiệp (DN) tham gia phải có sự chuẩn bị sẵn.
“Thị trường gạo năm nay có nhiều biến động, khó dự báo. Tuy nhiên, điều chắc chắn là giá gạo năm nay cao hơn năm trước. Nếu có giảm cũng khó về mức dưới 500 USD/tấn như trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (20/7). Về sản lượng, Việt Nam có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn, thậm chí hơn nếu vụ thu đông làm tốt” – bà Hương nhận định.
TS Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho hay ông vừa có chuyến công tác tại nhiều vùng trồng lúa và nhận thấy không khí phấn khởi của nông dân khi trúng mùa, trúng giá. TS Đào Minh Sô chia sẻ: “Để tận dụng giá lúa gạo cao, nhiều vùng vừa thu hoạch, nông dân đã tranh thủ gieo sạ vụ mới, nhất là những vùng chủ động được nước tưới ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Hy vọng giá lúa hơn 7.000 đồng/kg, thậm chí là 8.000 đồng/kg còn kéo dài để nông dân có thêm thu nhập. Nông dân rất nhanh nhạy, tập trung trồng các giống lúa mà thị trường có nhu cầu cao như: IR50404, IR50401, OM18, Đài thơm 8… để có hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Cũng theo ông Sô, ngành lúa gạo có mức độ cơ giới hóa cao, nông dân có thể canh tác vài chục hecta lúa trong khi điều này là không thể với hoa màu hay cây ăn trái giữa bối cảnh thiếu lao động nông thôn như hiện nay. Ngoài ra, chi phí đầu tư thấp cũng là yếu tố khiến nông dân có thể tranh thủ mở rộng diện tích ở những vùng đất bỏ không khi giá lúa thấp trước đây.
Với sầu riêng (thuộc ngành rau quả), ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin đến hết tháng 8, xuất khẩu ngành hàng này đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên sầu riêng lọt vào danh sách ngành hàng xuất khẩu tỷ USD nhờ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tăng trưởng 3 con số so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng Việt Nam vừa có sản lượng vừa có giá nhờ nhu cầu thị trường cao.
Từ nay đến cuối năm, dự báo sầu riêng có thể mang về thêm hơn 300 triệu USD nhờ vùng trồng chính tại Tây Nguyên vào vụ thu hoạch trong khi vùng trồng tại các nước khác không còn hàng.
Hướng đến bền vững
Với ngành cà phê, số liệu thống kê cho thấy 8 tháng đầu năm đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá 2,94 tỷ USD, giảm 5,7% về lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 của cà phê là 2.455 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu tính riêng tháng 8 là 2.963 USD/tấn, tăng 25,8% so với tháng 8/2022.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh – cho rằng chưa bao giờ ngành hàng cà phê rơi vào tình trạng không có hàng để bán như bây giờ. Giá cà phê lên mức kỷ lục 71.000 đồng/kg, vượt cả hồ tiêu như năm nay, cao nhất trong 30 năm qua. “Thế giới phụ thuộc vào cà phê Việt Nam, nguồn cung lớn thứ 2 thế giới trong khi Việt Nam mất mùa khiến nguồn cung khan hiếm, giá đẩy lên. Dự báo các tháng cuối năm, khi vào vụ thu hoạch mới giá cà phê vẫn ở mức cao khi nhu cầu vẫn cao” – ông Thông dự báo.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), thông tin thêm xuất khẩu cà phê năm nay có diễn biến lạ khi chỉ mới tháng 8, 9 đã hết hàng. Nguyên nhân do cà phê Việt Nam hụt sản lượng vì một phần diện tích được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác và hiện tượng xen canh cây ăn trái. Thị trường đang trông chờ mùa thu hoạch cà phê bắt đầu vào cuối tháng 10.
“Nhìn chung, sản lượng cà phê năm nay của Việt Nam thấp hơn dự báo nên các tháng 8, 9 và 10 có thể xuất khẩu sẽ giảm về sản lượng so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2023, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm khoảng 10% so với năm 2022 nhưng giá trị có thể vẫn cao nhờ đơn giá tăng” – Chủ tịch VICOFA dự báo.
Khi cà phê được giá, nông dân đang tập trung chăm sóc để có sản lượng cao nhất. Chủ tịch VICOFA khuyến cáo nông dân cần tuân thủ quy trình canh tác, tăng chất lượng, hướng đến sản xuất bền vững để được giá cao khi các nước nhập khẩu ban hành thêm nhiều quy định mới theo hướng nâng cao tiêu chuẩn.
Có thể bạn quan tâm
Gian nan gỡ ‘thẻ vàng’ thủy sản
Đồng Nai: Nông dân lại điêu đứng vì xoài rớt giá
Doanh thu của ‘nữ hoàng cá tra’ Vĩnh Hoàn giảm mạnh
Tái canh cà phê, khi nông dân thờ ơ…
Nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu
Tags:xuất khẩu nông sản
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này