
15:12 - 23/01/2019
20 năm Ino Mayu rao giảng sợi dây liên kết
Điệu luân vũ của Ino Mayu là sợi dây liên kết. Để cho nông dân hình dung ra sợi dây ấy, thấy được sự nhịp nhàng của chuỗi, cô đã mất 20 năm thanh xuân lặn lội từ vùng cao đến vùng thấp.

Ino Mayu (thứ ba từ phải sang) người đã 20 năm rao giảng sợi dây liên kết mà nông dân Việt Nam chưa nhiều người nhận ra. Ảnh: Ngọc Bích.
Cô đã mòn gót chân ở các vùng nông thôn để khuyên mọi người tận dụng hết các nguồn sẵn có tại địa phương, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giữ gìn giống bản địa và cùng nhau đi theo nông nghiệp bền vững. Mayu cũng giúp nông dân tạo sợi dây liên kết với người tiêu dùng bằng sản phẩm hữu cơ. Giúp nông dân tăng thu nhập qua làm việc nhóm. Để tạo ra nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cô tiếp cận bằng giáo dục về môi trường.Tất cả các khâu như những mắt xích dính líu với nhau.
Ino Mayu triển khai dự án Seed to Table (Từ hạt giống tới bàn ăn), giúp phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Bến Tre từ năm 2014. Ban đầu chỉ có ba xã thuộc huyện Bình Đại, đến nay có thêm hai xã ở Bình Đại và bốn xã ở huyện Ba Tri.Mắt xích cuối cùng là người tiêu dùng ở TP.HCM lại cao như “Thái Sơn” khó lòng vượt qua.
Rau tươi không có xe ủ mát phải đi xe khách mất hai tiếng, hơn 30% rau bị hư, rồi còn chi phí vận chuyển tạo áp lực lên giá cả, nên cuối cùng chỉ có thể khai thác thị trường địa phương. Kinh nghiệm 20 năm cho Mayu biết chỉ khi chính quyền địa phương ủng hộ, mọi việc mới trót lọt. Cô nói: “Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Hoà, huyện Ba Tri mê nông nghiệp hữu cơ. Lãnh đạo xã bỏ tiền ra làm hai sạp để ưu tiên bán hàng sạch của nhóm sản xuất rau hữu cơ”.
Ngoài ra, sợi dây liên hệ thành công nhất lại là trường học.Mayu làm vườn rau hữu cơ tại một trường rồi liên kết các trường khác. “Các anh em địa phương nói mình khuyên nông dân không nghe, chứ con cưng của họ ở trường về nói họ nghe liền”, Mayu nói. Có những chị phụ nữ bóc vỏ hạt điều mỗi ký chỉ được 5.000 đồng. Mayu giúp họ bằng lớp tập huấn chăn nuôi nhỏ, tập ghi chép, mở “ngân hàng gà vịt” hay “ngân hàng bò” cung cấp giống dưới hình thức cho vay. Một số hộ làm tốt mua được 5 công đất, có vốn nuôi tôm, đời sống khá giả lên. Tuy nhiên, cái khó là năm, sáu năm nay, năm nào cô cũng nhắc các gia đình là giống vay, phải trả.Nhưng người vay cứ nghĩ là giống cho.
Trên đời này, theo Mayu, không có chuyện gì là không dây dưa rễ má với nhau. 15 năm sống ở Hoà Bình, cô đã nhìn thấy sợi dây liên hệ đó.Như chuyện nhà vệ sinh, chỉ có 5% các hộ dân người Mường có nhà vệ sinh so với vùng dưới 60%. Thực ra nhiều nhà có tiền, nhà cao cửa rộng, nhưng không có nhà vệ sinh, vì thiếu ý thức bảo đảm vệ sinh chung. Khi các xã quyết tâm cấm vệ sinh bừa bãi và hỗ trợ chi phí, sau sáu năm, 95% hộ đã có nhà vệ sinh. Nhờ vậy, vùng dưới có nước an toàn.
Người Nhật đưa cách sống như vậy thành bài toán cộng: 1 + 2 + 3. Ino Mayu gọi nhà sản xuất nông – lâm – ngư là 1; nhóm gia công chế biến là 2 và dịch vụ bán hàng đến tay người tiêu dùng là 3. Cộng những con số thành 6. Giáo sư Fukui Takashi, đại học Nông nghiệp và công nghệ Tokyo, gọi đó là ngành thứ 6, vì ở Nhật nếu chỉ “organic” thôi sẽ không bán được, mà phải bán cái gì hấp dẫn, uy tín của địa phương và phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Ngành thứ 6 làm cho sợi dây liên hệ chắc chắn hơn nhờ chính phủ có chính sách bảo vệ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm từ địa phương, bảo hộ nhãn hiệu tập thể địa phương đó – cô Mayu kể tiếp hai câu chuyện.
Lớn lên từ một gia đình có 400 năm làm nghề nông ở Uzumasa, Kyoto, ông Nagasawa Genichi, 64 tuổi, nói: “Tôi từng chết giấc trên luống rau khi xịt thuốc và sau đó tôi hiểu phải làm gì?” Năm 2009, ông Nagasawa Genichi dạy môn nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ tại đại học Doshiya và tháng 3/2014 , ông lập một nhóm hành động để chứng minh khả năng làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ. Kinh nghiệm của ông là phải làm cho chuỗi liên kết thành câu chuyện nhớ hoài, thì người mua đến tận nơi mua rồi mang về, trong đó có giới thượng lưu tự chở thực phẩm cho yến tiệc của họ.
Bà Icyohara, giám đốc công ty Towa Okamisan Ichi, tỉnh Kochi, liên kết một nhóm 50 người, phần đông là phụ nữ muốn tạo nguồn thu độc lập, tránh phụ thuộc vào “Adam”. “Người trồng đã làm mọi việc, tôi sẽ mua để cung cấp rau cho trường học, trình diễn món ăn ở các thành phố, mở lớp dạy nấu các món ăn địa phương, dạy cho bọn trẻ em nhận diện sản vật địa phương, tổ chức buffet để tạo sự giao lưu kết nối giữa người dân các địa phương…”, bà nói. Năm 2015, nhóm này được chính phủ hỗ trợ kinh phí 1.500.000 yen (3/4 tổng chi phí), cử cán bộ tư vấn, giúp tổ chức sự kiện và phát triển chuỗi liên kết.
Những câu chuyện liên kết với sợi dây vô hình buộc chặt, có ý nghĩa với xứ mình trồng lúa, nuôi heo, nuôi cá, bán rau lành, trái sạch…
Hoàng Lan (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Đằng sau thông tin ‘siêu thị Anh dừng bán thanh long Việt Nam’
Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn phức tạp
Lô hàng thanh long tươi đầu tiêu của Việt Nam ra sạp tại Australia
Thanh long Bình Thuận chính thức được Nhật Bản công nhận bảo hộ dẫn địa lý
Cỏ May tiến vào thị trường dầu gạo tiềm năng
Tin khác


12 dự án phía Bắc vào chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh 2023

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này