10:25 - 02/01/2020
Young Marketers 2020: Hàng Việt – làm từ ‘chất’ Việt
Ngày 21/12/2019, một cuộc thi lý thú đã diễn ra ở TP.HCM: “Young Marketers 2020”.
Đây là cuộc thi hàng năm do nhóm bạn công ty Redders tổ chức, theo cách quy tụ các bạn sinh viên năm thứ nhất đến thứ ba các đại học có chương trình dạy về marketing, rồi huấn luyện cho các bạn trẻ trong chín tháng về kiến thức, kỹ năng để kết thúc năm bằng cuộc thi chung kết, với mục đích lâu dài là nâng cao khả năng cho đội ngũ trẻ tương lai trong lĩnh vực này.
Đề thi năm nay là “Đổi mới truyền thông cho Hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Cuộc thi quy tụ ba nhóm mạnh nhất, với ba cách tiếp cận khác nhau.
Rất thẳng thắn và có phần “thách thức”, câu trả lời của ba nhóm thí sinh Young Marketers 8, lại khơi dậy niềm hy vọng về một thế hệ tiếp theo của những người làm marketing, không chỉ táo bạo, thông minh và chỉn chu, mà còn kiếm tìm và chạm đến sự thật nhân văn nhất trong trái tim người Việt, sợi chỉ đỏ băng qua thời gian và thế hệ. Mỗi nhóm đã đưa ra các ý tưởng rất khác nhau và hữu lý, sinh động.
“Made of Vietnam” từ chàng trai cô gái 20, 21 tuổi của quán quân LocalSquad.
Khi bạn Nguyễn Xuân Vinh khiến mọi người bật cười về “Mì Miliket được tạo nên từ văn hoá “nhậu” Việt Nam. Và giày Biti’s Hunter được tạo nên từ khao khát khám phá của người trẻ Việt” – cả khán phòng hôm đó gần như đã cảm nhận được sự thật ấy vẫn thức dậy trong mình. Theo nhóm này, sự thấu hiểu Việt Nam, hàng Việt Nam là rất cần và phù hợp với nhu cầu và cảm xúc của người Việt Nam.
Từ đó, họ đặt vấn đề khác hoàn toàn với những nhóm thi khác: không phải là thay đổi tận gốc tem bảo chứng “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, mà nên có hướng tiếp cận tính “bản địa” của hàng Việt, như định nghĩa mới của “chất lượng”. Và họ đưa thông điệp mới của thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao: VIETNAMESE GOODS FIT VIETNAMESE PEOPLE (Hàng Việt phù hợp người Việt).
Để phản chiếu định vị mới đầy nhân văn này, nhóm biến chữ V thành hai cánh tay người đưa lên cao, như muốn thêm “tính người” vào chiếc logo/tem bảo chứng thân thuộc. Từ “chất lượng cao”, chiếc tem nay bảo chứng cho “Global standard, local fit”/Chuẩn toàn cầu, chất Việt Nam” – truyền cảm hứng cho những thương hiệu Việt tạo ra những sản phẩm tôn vinh bản sắc Việt và thị hiếu của người Việt.
Để giới thiệu định vị mới này, ý tưởng cho chiến dịch đầu tiên là một hashtag đầy cảm hứng: # MADE OF VIETNAM (instead of MADE IN VIETNAM), nghĩa là (# làm từ chất Việt, chứ không chỉ là “làm tại đất Việt”).
Anh Hùng Võ, phó tổng giám đốc về marketing, Biti’s, và là người sáng lập chương trình Young Marketers, ngay lập tức cảm thấy gắn bó sâu sắc với ý tưởng này, gợi nhắc anh về câu chuyện ra đời của Biti’s Hunter Street vài tháng trước đây, khi tìm kiếm điểm khác biệt đưa Biti’s nổi bật giữa những sản phẩm tương tự của Converse, Vans, Adidas… Anh nói: “Ý tưởng này có nội hàm lớn. Không nên đặt để đơn giản chỉ ở mức hàng Việt phù hợp cho người Việt. Triết lý “tính bản địa là định nghĩa mới của chất lượng” có thể trở thành cảm hứng cho những thương hiệu nội địa kiếm tìm một câu chuyện độc đáo, ngay chính trong bản thân mình, để tìm được sự kết nối với người tiêu dùng Việt. Made of Vietnam thật sự là một giải pháp lớn, có sức chạm!”.
Nhóm thứ 2, nhóm Off-2-On gây ấn tượng khi đầu tư thực hiện khảo sát trong các bạn trẻ/thế hệ cách tân (Change Generation) – những người đứng giữa và thúc đẩy làn sóng những đổi thay của Việt Nam. Để khám phá ra sự thật ngầm hiểu: đối với người trẻ, “hàng chất lượng cao” là cuộc chơi giữa các doanh nghiệp, còn điều các bạn thật sự kiếm tìm là: chất lượng phải là những trải nghiệm chân thật, cảm xúc mới mẻ, ý nghĩa với cộng đồng”. Từ đó, họ không tái định vị thương hiệu mẹ “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, mà ra mắt một thương hiệu con mang tên “Hàng Việt Nam chất lượng cao: Innovation Standard/cải tiến”. INNOVATION FOR CHANGE GENERATION (Cải tiến cho thế hệ cách tân), đề xuất dùng những kênh mua sắm hiện đại nhất: trang thương mại điện tử Sendo và chuỗi cửa hàng tiện lợi làm nền tảng trung tâm cho chiến dịch tung Hàng Việt Nam chất lượng cao: cải tiến, đồng thời sử dụng tiếng nói từ những người trẻ có tầm ảnh hưởng để khơi gợi thêm sự chú ý đến bước chuyển mình táo bạo của Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhóm thứ 3 là các cô gái đặt tên cho bài thi là: Hẹn hò chuyên gia (Dating Experts), đem đến góc nhìn đậm vừa rất marketer, vừa rất creative. Xuất phát từ sức mạnh nền tảng của Hàng Việt Nam chất lượng cao những ngày đầu: bảo chứng hàng vừa tốt, vừa rẻ. Nhóm kết nối với sự thật trần trụi tiến thoái lưỡng nan của người tiêu dùng Việt Nam hiện tại: chọn giá hay chọn an toàn? – để tái định nghĩa “chất lượng”: giá tốt, đáng tin cậy, và quan trọng nhất, ứng dụng công nghệ hiện đại để cách mạng hoá trải nghiệm mua sắm hàng Việt Nam.
Từ đó, nhóm đề xuất định vị cho Hàng Việt Nam chất lượng cao: BRING WORRYFREE AND CONVENIENT SHOPPING EXPERIENCE (Mua sắm thảnh thơi, giá siêu hời).
Để giới thiệu định vị mới này, nhóm gây bất ngờ cho cả khán phòng khi ra mắt ý tưởng sáng tạo DATING THE GOODS (Hẹn hò hàng tốt) – nhân cách hoá Hàng Việt Nam chất lượng cao thành một chàng trai/cô gái đứng trong các bảng hiệu và “tán tỉnh” người qua đường, giới thiệu cho họ những sản phẩm tốt (good goods) phù hợp nhất với nhu cầu. Tưởng tượng xem, bạn đang dùng Tinder để mua hàng!
Thay lời kết
Cuối cùng, bài thi chiến thắng là bài có ý tưởng vực dậy niềm tự hào hàng Việt. Với logo cách điệu, hashtag đầy sảng khoái “made of Vietnam” – làm từ chất liệu Việt, và thông điệp mới “Hàng Việt phù hợp người Việt”, cặp đôi Nguyễn Xuân Vinh – Nguyễn Thị Hoài Thương đã giành giải nhất cuộc thi Young Marketers mùa 8.
Đề thi của lần này đem một chương trình (Hàng Việt Nam chất lượng cao) ra đời cách đây 23 năm ra mổ xẻ và phân tích. Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch của hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nói rằng, hội là người được lợi nhất, bởi các bạn thí sinh trẻ đã mang ý tưởng mới, cách tân cho hội, mà công việc truyền thông có phần bị công thức hoá theo thời gian.
Bài thi của Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Thị Hoài Thương bám sát đề thi nhất, nghiên cứu rất kỹ về hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhân cách hoá một chút, chiếc logo cũ thành một nhân vật cổ vũ cho hàng Việt Nam. Tính bản địa hay tài nguyên bản địa là chất lượng mới (Locality is a new quality), mang lại khẳng định mới về chất lượng của Hàng Việt Nam chất lượng cao trong giai đoạn mới…
Tổng hợp của ba bài thi chung kết Young Marketers 8 có thể biến thành kế hoạch cách tân, đổi mới của Hàng Việt Nam chất lượng cao trong kỷ nguyên thương mại điện tử, bởi cả ba đội đều mang lại cách tiếp cận mới với thế hệ người tiêu dùng trẻ tuổi, qua kênh e-commerce và mobile app.
Nhóm Off-2-On (giải ba) đã đề ra một cửa hàng điện tử trên trang Sendo, dành cho các sản phẩm Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Nhóm Dating Experts (giải nhì, gồm hai cô nữ sinh Mai Thị Xuân An và Nguyễn Phạm Ngọc Thảo), mang lại cảm xúc mới mẻ cho người mua thế hệ Millennials, khi nghĩ ra một ứng dụng hẹn hò: các nhãn hàng phải tán tỉnh và cưa đổ người mua trẻ, và các nhãn hàng Việt Nam phải dự một cuộc hẹn (blind date), mà trong đó không nhãn nào được dán nhãn, được gắn thương hiệu của mình. Còn người dùng sẽ thích thú hơn với Dating the Goods – hẹn hò với những cô nàng, anh chàng (mặt hàng) vừa đẹp vừa tốt.
Các giám khảo nói rằng, cả ba bài thi là một thách đố cho bất cứ vị CEO, CFO hay CMO nào của các nhãn hàng lớn nhỏ của Việt Nam và thế giới. Đó là giành tình cảm của người dùng, bên cạnh yếu tố giá cả và chất lượng.
Khánh Thọ tổng hợp (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này