10:37 - 19/09/2023
Vì sao các hãng mỹ phẩm ‘né’ thị trường Trung Quốc
Sau gần ba năm người dân phải đeo khẩu trang và các cửa hàng thường xuyên đóng cửa trong thời kỳ đại dịch, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang vung tiền mua son môi, nước hoa, kem dưỡng ẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác.
Tuy nhiên, các công ty mỹ phẩm từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, vốn đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc, đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Bởi vì, Trung Quốc vẫn duy trì các quy định siết chặt đối với các nhà sản xuất mỹ phẩm nước ngoài trong thời kỳ đại dịch.
Theo quy định mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2021, các doanh nghiệp mỹ phẩm phải tiết lộ mọi thành phần có trong sản phẩm của họ và hàm lượng chính xác được sử dụng. Họ phải tải địa chỉ của tất cả các nhà cung cấp nguyên liệu cũng như nơi sản xuất nguyên liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài lo ngại rằng việc tiết lộ những chi tiết đó có thể cho phép các nhà sản xuất mỹ phẩm giá rẻ của Trung Quốc sao chép các sản phẩm của họ.
Một trong những quy định gây tranh cãi nhất của Trung Quốc là nhiều sản phẩm như thuốc nhuộm tóc hoặc kem chống nắng, phải được thử nghiệm trên động vật sống trước khi bán cho người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là điều khiến nhiều công ty mỹ phẩm toàn cầu đã ngừng hoạt động ở Trung Quốc hoặc ngừng xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Gerald Renner, Giám đốc về các vấn đề kỹ thuật tại Hiệp hội Cosmetics Europe, cho biết: “Không chỉ có các yêu cầu khắt khe mà còn có các mốc thời gian cần thực hiện, chúng ngắn đến mức phi thực tế”.
Trong khi các tập đoàn lớn như LVMH hay L’Oréal có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu pháp lý, một số doanh nghiệp nhỏ hơn đang tạm dừng bán hàng sang Trung Quốc cho đến khi tìm ra cách thức ít tốn kém và ít tốn thời gian hơn để đáp ứng những yêu cầu của quốc gia này.
Hiện, chính phủ Pháp, Liên minh châu Âu và 11 quốc gia xuất khẩu mỹ phẩm, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, đang thúc đẩy Trung Quốc loại bỏ nhiều quy định khắt khe nói trên trong năm nay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu vấn đề này với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm nước này vào tháng 4/2023.
Unilever, công ty sản xuất Dove, Vaseline và sở hữu thương hiệu chăm sóc da Dermalogica, cho biết họ đã làm việc với các học giả và chính quyền Trung Quốc để loại bỏ yêu cầu mỹ phẩm nhập khẩu phải trải qua thử nghiệm trên động vật.
Ông Carl Westmoreland, Giám đốc trung tâm đảm bảo môi trường và an toàn của Unilever trao đổi với New York Times rằng: “Việc loại bỏ thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật chắc chắn là một bước đi tích cực. Có thể họ yêu cầu thực hiện nhiều thủ tục giấy tờ liên quan hơn, nhưng chúng tôi coi đây là một bước tiến lớn.”
Hiện Trung Quốc là thị trường làm đẹp lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy nhập khẩu mỹ phẩm, đồ vệ sinh cá nhân và nước hoa từ Pháp sang Trung Quốc, đạt 5,4 tỷ USD, giảm 6,2% trong nửa đầu năm nay so với một năm trước đó. Nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc và Mỹ giảm lần lượt 22,2% và 19,8%.
Các công ty nước ngoài cho biết, việc kinh doanh ở thị trường này từ lâu đã gặp nhiều khó khăn đối với các công ty nước ngoài. Thống kê gần đây cho thấy các công ty mỹ phẩm nước ngoài đã mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa ở Trung Quốc một cách nhanh chóng. Doanh số bán lẻ mỹ phẩm ở Trung Quốc trong nửa đầu năm tăng 8,7% so với nửa đầu năm 2022, nhưng tổng lượng nhập khẩu lại giảm 13,7%.
Ông Chris Gao, nhà phân tích mỹ phẩm Trung Quốc tại CLSA, một công ty môi giới và đầu tư ở Hồng Kông nhận định: “Hiện số lượng người dùng các thương hiệu chăm sóc sắc đẹp nội địa Trung đang tăng nhanh”.
Dữ liệu từ Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường cho biết, các thương hiệu làm đẹp nội địa Trung đã tăng trưởng đáng kể trong ba năm qua, chiếm 27% doanh số bán lẻ chăm sóc da và trang điểm trong số 10 thương hiệu hàng đầu.
Theo Cẩm Anh/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
11 thành viên sẽ ký hiệp định CPTPP vào tháng 3 tại Chile
Thái Lan thúc đẩy mô hình ‘du lịch trang trại bò sữa’
Chợ truyền thống: câu chuyện về những người bị bỏ lại
Mời DN HVNCLC cùng Go Online lên sàn điện tử
[Họp báo] Lễ công bố doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC năm 2023
Tags:mỹ phẩmTrung Quốc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này