09:51 - 02/06/2022
Trải nghiệm ‘thực phẩm tương lai’ tại Thaifex 2022
“Thực phẩm tương lai” rất đa dạng, từ các sản phẩm thịt chay và protein mới như trứng, phô mai, thịt, hải sản, sốt gia vị chay… cho đến dầu, xúc xích và bột protein làm từ dế; nhộng khô ăn liền và nhộng cô đặc đóng hộp.
Trong khuôn khổ sự kiện thương mại Thaifex – Anuga Asia 2022 “The Hybrid Edition” diễn ra tại Bangkok từ ngày 24-28/5, Cục Xúc Tiến Thương Mại Quốc tế thuộc Bộ Thương Mại Thái Lan kết hợp cùng Taste Bud đã mang đến chương trình trải nghiệm thực phẩm tương lai dành cho khách đến tham dự sự kiện.
Chương trình diễn ra tại khu vực “FUTURE FOOD PAVILION” nằm ở Hall 10, bao gồm trưng bày giới thiệu hơn 60 sản phẩm thực phẩm và đồ uống, tọa đàm trao đổi “Future Ideation” và đặc biệt là các buổi trải nghiệm món ăn sử dụng nguyên liệu từ chính các sản phẩm được giới thiệu.
Future food – thực phẩm tương lai là lĩnh vực mới được Thái Lan chú trọng trong những năm gần đây, các nhóm sản phẩm chính bao gồm: (1) Functional food – thực phẩm chức năng, gồm các sản phẩm được bổ sung thêm các chất “chức năng” giàu dinh dưỡng và có tác dụng hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận cơ thể; (2) New food – thực phẩm mới, được sản xuất và chế biến với cách thức và công nghệ mang tính sáng tạo cao; (3) Medical food – thực phẩm y tế, các sản phẩm có tác dụng thay thế thuốc điều trị; (4) Organic food – thực phẩm hữu cơ.
Xu hướng sản phẩm từ thực vật
Trao đổi với nhân viên và khách tham quan tại gian hàng, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm thịt và phô mai chay vẫn thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Như sản phẩm thịt xiên chế biến sẵn Mu djai làm từ mít và nấm được đánh giá có mùi vị tương tự thịt xiên thật, đồng thời việc là sản phẩm chế biến sẵn cũng mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng. Sản phẩm phô mai chay nhãn hiệu “Swees” cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực. Phô mai “Swees” làm từ đậu nành, trồng trọt và sản xuất tại Chiang Mai, Thái Lan. Khi sử dụng tươi vẫn còn thiếu chút độ dai của phô mai thật nhưng khi nướng cùng bánh mì trở nên thơm ngậy hơn. Hiện tại “Swees” cho ra bốn loại phô mai, mozzarella, mozzarella xông khói, cheddar và phô mai Thụy Sỹ, giá bán lẻ dao động từ 150 – 170 baht/hộp 180g.
Thực tế các sản phẩm thịt và protein thay thế không còn là sản phẩm mới đối với thị trường, tuy nhiên tính phổ biến đối với các sản phẩm này còn hạn chế chủ yếu do giá thành cao và đồng thời đánh giá về mùi vị khi so sánh với thịt động vật cũng còn nhiều điểm chưa đạt được như mong đợi của khách hàng.
Chúng tôi cũng nhận thấy, thị trường của các sản phẩm thịt thay thế tại Châu Á vẫn còn tương đối nhỏ, chủ yếu gói gọn trong nhóm khách hàng có chế độ ăn chay thường xuyên. Để thực sự phổ biến, các sản phẩm thịt thay thế cần được khách hàng nhìn nhận như các sản phẩm thực phẩm thông thường, có mùi vị thơm ngon dù không nhất thiết phải giống thịt thật, và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người dùng, không phân biệt dành cho nhóm ăn chay hay không ăn chay.
Đối với sản phẩm superfood – siêu thực phẩm, đáng chú ý có các sản phẩm từ woffia của “flo”. Wolffia Wolffia angusta hay còn gọi là bèo tấm rễ, là một trong những loài thực vật nhỏ nhất Trái đất. Tổng cộng có đến 38 loài Wolffia, trong đó, 9 loài được xếp hạng nhỏ nhất trong giới thực vật. Loài cây này sống trên mặt nước và không có rễ. Chúng sống tập trung lại cùng nhau và thậm chí là kết hợp cùng các loài cây tương tự khác cũng sinh sống trên mặt nước. Bèo tấm rễ sống ở châu Á, nhiều người sử dụng chúng như thức ăn. 40% giá trị dinh dưỡng của nó là đạm thực vật giống như đậu nành. Theo thông tin của sản phẩm, 150g wofflia cung cấp cho người dùng các loại khoáng chất và vitamin tương đương lượng hấp thụ từ các loại rau củ đậu như đậu hà lan, rau chân vịt, cần tây, cà rốt, trứng v.v. Wofflia có thể sử dụng tươi hoặc dạng bột để dùng trong chế biến các món ăn và bánh mì hoặc bánh ngọt.
Ngoài ra, chương trình còn trưng bày sản phẩm bột tảo xoắn spirulina của nhãn hiệu Spring. Tương tự như wolffian, tảo xoắn spirulina có hàm lượng protein và vitamin cao cùng chất chống oxy hóa có lợi cho não bộ, đặc biệt lí tưởng cho nhu cầu thay thế các protein động vật của người ăn chay. Nhãn hiệu này còn có sản phẩm mì pasta làm từ bột mì kết hợp tảo xoắn spirulina, đưa ra lựa chọn mới đầy dinh dưỡng cho món ăn phổ biến này.
Bên cạnh đó, sản phẩm kẹo chewing gum và bột kratom cũng thu hút được nhiều sự chú ý. Kratom là tên của một nhóm thực vật thuộc họ cây cà phê (Rubiaceae), có tên khoa học là Mitragyna speciosa, đây là loài cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á và xuất hiện tại các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea. Lá kratom chứa các hoạt chất kích thích và giảm đau, dùng để tăng năng lượng và hỗ trợ khả năng chịu nhiệt, giảm mệt mỏi. Bột hoặc lá kratom giúp tiêu hóa tốt và thường được chế biến dưới dạng chè hoặc thuốc hút, đôi khi còn nhai trực tiếp. Tuy nhiên, tính kích thích của kratom đồng thời cũng có thể gây nghiện và tử vong khi dùng quá liều, tương tự như các loại ma túy khác, dẫn đến việc kratom và các sản phẩm làm từ loại cây này nằm trong danh mục chất cấm của nhiều nước. Ngay tại Thái Lan trước đây, việc sở hữu khối lượng kratom từ 10kg trở lên có khung hình phạt lên đến 2 năm tù giam cùng khoản phạt 200,000 baht (6,000 đô la). Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2021, Thái Lan đã chính thức phi hình sự hóa việc sở hữu và buôn bán kratom. Việc phi hình sự hóa sử dụng kratom được cho rằng sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí lên các nhà tù cùng hệ thống tư pháp Thái Lan, đồng thời cũng cho phép người dân tiếp cận đến các sản phẩm giảm đau liều nhẹ với chi phí rẻ để thay thế cho morphine và tăng thu nhập đến từ việc trồng trọt và khai thác loại thực vật này.
Ngoài ra, vào năm 2020, Thái Lan cũng hợp thức hóa việc sử dụng cây cần sa (cannabis) cho sản phẩm y tế và cấp phép cho việc mua bán và trồng loại cây này. Theo luật, mỗi hộ dân có thể trồng số lượng cây cần sa lên đến 6 cây. Tuy nhiên, các khung hình phạt nặng cho việc sử dụng điều chế các chất ma túy như heroin và methamphetamine vẫn được giữ nguyên. Tại sự kiện Thaifex đã có một số gian hàng giới thiệu các sản phẩm từ cây cần sa như trà, bánh ngọt, kẹo dẻo, tinh dầu và mỹ phẩm.
Sản phẩm từ côn trùng
Nằm ngoài xu hướng sản phẩm từ thực vật, các sản phẩm từ côn trùng như nhộng và dế cũng rất được hoan nghênh vì sử dụng nguồn nguyên liệu protein động vật mới thay thế cho các loại vật nuôi thông thường. Việc ăn côn trùng không còn là khái niệm mới và đã phổ biến tại nhiều quốc gia, như ngay tại Thái Lan, tuy nhiên việc chế biến các sản phẩm từ côn trùng chưa được nhiều nơi thực hiện trên quy mô thương mại.
Anh Kunnadilok, Giám đốc điều hành của The Bricket đã dành khoảng thời gian bốn năm nghiên cứu thị trường thịt dế tại Thái Lan. Nhận thấy tiềm năng lớn đối với loại côn trùng này đồng thời tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu khi Thái Lan là một trong những nước đứng đầu với hơn 23,000 trang trại nuôi dế, anh thành lập công ty vào năm 2018 và bắt đầu tham gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các trang trại nuôi dế đồng thời tự sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ loại côn trùng này. Trong chương trình, the Bricket trưng bày các sản phẩm xúc xích và bột protein làm từ dế. Khách hàng đánh giá sản phẩm xúc xích được đánh giá có vị bùi nhẹ, khá mới lạ còn sản phẩm bột protein đã được bán phổ biến tại thị trường Châu Âu. Thông tin thêm, thịt dế giàu dinh dưỡng, cung cấp protein, calcium, vitamin B12, iron và chất xơ, được đánh giá cao khả năng thay thế thịt vật nuôi thông thường. Ngoài sản phẩm xúc xích và bột protein dế giới thiệu tại chương trình, The Bricket còn có các sản phẩm bánh brownies, xúc xích mix thịt heo – dế và dế đông lạnh. Giá dế tươi tại thị trường Thái Lan dao động trong khoảng 90 đến 120 baht/kg (2,8 – 3,8 đô la) trong khi giá bán lẻ sản phẩm bột protein dế dao động 3,000 đến 5,000 baht/kg (96 đến 160 đô la).
Hướng đi mới cho doanh nông Việt
Nhìn chung, chương trình chú trọng việc giới thiệu đến khách tham dự các sản phẩm thực phẩm và đồ uống được sản xuất và chế biến có tính sáng tạo cao với quy trình trồng trọt bền vững, giảm thiểu tác động môi trường. Song song đó, chương trình cũng chú trọng đến các sản phẩm sử dụng các nguồn nguyên liệu mới hoặc khai thác được tính năng mới của loại nguyên liệu cũ. Tất cả đều được sản xuất và chế biến tại Thái Lan. Tuy rằng đa phần các sản phẩm này chưa được bán đại trà và thường có giá thành cao, việc nỗ lực giới thiệu và khuyến khích trải nghiệm các sản phẩm thực phẩm tương lai sẽ thu hút nhiều sự chú ý đối với người dùng, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ và hợp tác giữa nhà sản xuất và các nhà đầu tư, công ty bán lẻ, nhanh chóng nâng cao quy mô sản xuất và khả năng tiếp cận với người tiêu dùng cuối cùng.
Xét trong bối cảnh bất ổn giá nguyên liệu và an ninh lương thực hiện tại, chúng tôi nhận định việc tìm kiếm và khai thác các nguồn nguyên liệu thực phẩm mới thay thế các nguồn nguyên liệu truyền thống như thịt gia súc gia cầm chăn nuôi cùng các loại rau củ truyền thống là rất cần thiết, đặc biệt đối với các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy có khác biệt về nguồn nguyên liệu, thổ nhưỡng và công nghệ chế biến, các sản phẩm được giới thiệu và trưng bày tại khu vực “FUTURE FOOD PAVILLION” có thể mở ra nhiều hướng đi mới cho việc tìm kiếm, khai thác và chế biến các nguồn nguyên liệu thực phẩm mới của các nước như chính Việt Nam, nhằm nâng giá trị của các sản phẩm hiện có, tận dụng các nguồn nguyên liệu bản địa đồng thời cũng là biện pháp để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Phương Anh tường thuật từ Bangkok (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này