
08:29 - 11/09/2019
TP.HCM nhận diện động lực thúc đẩy xuất khẩu
Tính chung tám tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt gần 27,2 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 25,6 tỷ USD (tăng 10,1% so cùng kỳ).
Máy tính, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép… chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 18 tỷ USD. Nhóm hàng thuỷ hải sản, lâm sản chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng.Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… sụt giảm.
Lý giải nguyên nhân, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng kỳ vọng vẫn còn “bấp bênh” và thiếu bền vững, ông Nguyễn Huy Hoàng, giám đốc thương mại công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, chỉ ra ba yếu tố tác động đến xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay, là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung; CPTPP; và các FTA. Trong đó, nổi lên sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng từTrung Quốc sang các nước Đông Nam Á…
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp TP.HCM, với kim ngạch tăng 18,1% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 19,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ tăng 15,7% và chiếm 17,2%. Trước bối cảnh này, trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tiếp tục xác định, Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai thị trường thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới, bên cạnh các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ASEAN.
Vẫn là châu Á
Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, đang trở thành một trong những thị trường tiềm năng.Yêu cầu xuất khẩu vào thị trường này, nhất là các nước phát triển đòi hỏi doanh nghiệp phải biết khai thác thị hiếu tiêu dùng.
Theo các nghiên cứu mới đây, hiện nay có năm xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á, gồm: an toàn và tốt cho sức khoẻ; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh. Với cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á quan trọng sự tiện lợi hơn.Đây là cơ hội cho sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, như dịch vụ vệ sinh nhà cửa,sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp…
Ngoài ra, những kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận nhanh chóng liên tục tăng trưởng cao hơn so với tổng thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á. Bên cạnh đó, châu Á là khu vực ưu tiên cho di động, với lượng người dùng tương tác cao với điện thoại di động hơn các khu vực khác. Do vậy, châu Á được xem như “cái nôi” phát triển thương mại điện tửhiện nay và sẽ còn tiếp tục tăng tốc.
bài và ảnh Phương Mỹ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này