14:49 - 03/07/2020
Sức mua sẽ bật lại, nhưng thói quen đã thay đổi
Các đợt mua sắm hàng trong mùa dịch cho thấy sự thay đổi hành vi hay thói quen của người Việt.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý các kênh mua sắm mới nổi như trực tuyến, nhà thuốc và cửa hàng tiện lợi, bên cạnh các kênh truyền thống.
Trữ hàng thiết yếu, bỏ qua xa xỉ
Kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng vừa được hội DN.HVNCLC công bố vào cuối tháng 5 cho thấy: thực phẩm và các loại hoá phẩm, chất tẩy rửa là hai mặt hàng được người tiêu dùng mua sắm nhiều nhất trong mùa giãn cách xã hội, với tỷ lệ lên đến 64%. Kế đến là các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ với tỷ lệ 43%.
520 người ở nhiều độ tuổi, phần lớn ở TP.HCM và Hà Nội đã tham gia cuộc khảo sát. 61% người dùng nói họ hạn chế tối đa các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, như đồ uống. Trong khi đó, 62% nói hạn chế mua quần áo và các mặt hàng xa xỉ khác. Bà Nguyễn Thị Phương Nga, từ công ty nghiên cứu hành vi tiêu dùng Kantar Worldpanel, nói rằng: “Bên cạnh nghị định 100 hạn chế rượu bia, đây là lý do tại sao doanh số các hãng bia, nước giải khát sụt giảm mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, buộc họ phải suy nghĩ lại khi móc bóp chi tiêu”.
Cuộc khảo sát của Kantar cũng cho thấy, chi tiêu khu vực thành thị tăng 22% trong mùa dịch, trong khi con số này ở nông thôn là 13%. Bà Nga cũng nói rằng đỉnh điểm mua sắm hàng tiêu dùng đạt cao điểm vào dịp tết, rồi trở lại đường phẳng. Trong năm nay, sau mùa cao điểm sắm tết, thay đổi hành vi tiêu dùng đã tạo nên những cao điểm thấp hơn vào giữa tháng 2, sau khi Chính phủ chính thức công bố dịch được hai tuần; đầu tháng 3 khi có các ca bệnh ở phố Trúc Bạch, Hà Nội; và cuối tháng 3 trước ngày bắt đầu lệnh giãn cách xã hội.
Hành vi tiêu dùng mới trong thập kỷ mới
Trong thập kỷ tới, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với thị trường tiêu dùng trị giá khoảng 4.000 tỷ USD. Dù mỗi thị trường sẽ phát triển khác nhau, nhưng mọi quốc gia trong khu vực sẽ đều có thể tiếp cận với những cơ hội tăng trưởng phong phú.
“Tương lai ngành tiêu dùng tại thị trường tiêu thụ phát triển nhanh” là một dự án kết hợp với Bain & Company, tập trung vào các thị trường đang nổi lên, chiếm 40% dân số toàn cầu. Sau khi nghiên cứu Trung Quốc năm 2017, Ấn Độ vào năm 2018, dự án tập trung nghiên cứu ASEAN vào 2019 – 2020. Lúc này, khu vực ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức y tế, nhân đạo và kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19. Đa số các CEO tại ASEAN được Bain hỏi ý kiến vào tháng 4 dự đoán những hạn chế liên quan đến Covid-19 sẽ còn kéo dài suốt quý 3 và quý 4/2020, sau đó các nền kinh tế sẽ phục hồi vào giữa năm 2021.
Thay đổi kênh mua sắm
Khảo sát của Kantar ở bốn thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng, cho thấy, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, chợ và các tiệm tạp hoá vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống đô thị Việt Nam, với tỷ lệ lần lượt là 61,1% và 12,2%. “Mọi người có thói quen bước ra khỏi nhà, ra đầu ngõ là mua được thứ mình cần”, bà Phương Nga nói.
Siêu thị, đại siêu thị và các kênh mới nổi tăng trưởng vượt các kênh truyền thống, nhờ số lượng giao dịch tăng. Trong khi đó, các kênh truyền thống như chợ và các tiệm tạp hoá tăng trưởng nhờ vào giỏ hàng mua sắm lớn hơn.
Cùng với kênh mua sắm truyền thống, dịch Covid -19 cũng làm tần suất mua hàng kênh trực tuyến tăng 97% giao dịch và 94% doanh số, kênh nhà thuốc tăng 52% giao dịch và 93% doanh số, drugstore (mô hình nhà thuốc kinh doanh luôn mỹ phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác, như Medicare, Guardian) tăng 57% giao dịch và 68% doanh số.
Số lượng giao dịch tăng nhanh, tạo sự tăng trưởng vượt bậc cho các nhà bán lẻ.
Ở kênh trực tuyến, top 3 tăng trưởng là các trang: Facebook 126%, Shopee 102% và Tiki 69%. Kênh siêu thị và đại siêu thị là ba cái tên lớn: Big C 67%, VinMart 30%, và Co.opmart 16%. Kênh siêu thị mini là: VinMart+ 86%, Bách hoá Xanh 70%, và Satra Foods 10%.
“Mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và hạn chế tiếp xúc. Trong khi đó, siêu thị mini được chọn do vị trí gần nhà, và người tiêu dùng có thể mua dự trữ hàng hoá tại kênh này cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn, tránh đi lại và tụ tập đám đông”, bà Phương Nga giải thích.
Chuyên gia phân tích này cũng nói rằng, số giao dịch ở kênh siêu thị và đại siêu thị tăng đáng kể trước lệnh giãn cách xã hội. Xu hướng này tiếp diễn, nhưng sớm trở lại bình thường khi nhịp sống trước dịch quay lại, mọi người không còn nhu cầu tích trữ.
Tiêu dùng ở giai đoạn “bình thường mới”
Trở lại khảo sát của hội DN.HVNCLC, cho thấy 82% tham gia khảo sát nói đã mua sắm online trong mùa dịch. Trong số này, 98% nói sẽ tiếp tục mua sắm trên mạng trong thời gian tới. Bà Phương Nga nói rằng: “Doanh nghiệp hàng tiêu dùng nên chú ý xu hướng mới này”.
Các khảo sát của Kantar thực hiện ở các nước châu Á, cho thấy: sự phục hồi của thị trường Việt Nam, giống như Trung Quốc và Indonesia, sẽ theo hình chữ V: xuống rất nhanh, nhưng hồi phục cũng nhanh. “So với các nước khác trong khu vực châu Á, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan và tự tin hơn. Nhưng lo lắng lớn nhất của họ vẫn là giá tốt, đồng hành với sự khẳng định chất lượng. Sau ba đợt tích trữ vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua, tốc độ mua hàng đã chậm, lại do hàng tích trữ vẫn còn. Doanh nghiệp cần kiên nhẫn, cần tận dụng thời gian này để củng cố chất lượng sản phẩm và dịch vụ”, bà Phương Nga kết luận.
8 xu hướng mua sắm hậu Covid-19
– Chi tiêu mua sắm sẽ tăng gấp đôi, do sự bùng nổ của giới trung lưu ASEAN – chiếm đến 70%.
– Hàng đắt tiền, hàng xa xỉ không còn được khao khát như trước.
– Công nghệ và smartphone trở nên phổ biến hơn: số giờ trung bình xài smartphone là 4,2 giờ mỗi ngày, trong khi giới trẻ sử dụng đến 5 giờ mỗi ngày.
– Công nghệ sẽ phá bỏ bức tường kinh tế – xã hội: tỷ lệ xài công nghệ tăng ba lần, ví điện tử trở nên phổ biến.
– Cạnh tranh nội địa và trong khu vực sẽ xảy ra: đa số người tiêu dùng sử dụng hàng nội địa, sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
– Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm nhiều kênh để mua sắm tại mọi địa điểm: người lớn tuổi cũng mua sắm trên mạng, mọi lứa tuổi thích sự tiện lợi của giao hàng tận nhà.
– Sự tiện dụng sẽ trở thành thế mạnh cạnh tranh: tiền mặt ít được sử dụng, các siêu ứng dụng đa dịch vụ và công nghệ tài chính có cơ hội phát triển vượt bậc.
– Không thể đánh đổi sự bền vững: theo nghiên cứu về người tiêu dùng ngoại tuyến của Bain, 80% người tiêu dùng ASEAN cho biết họ coi trọng tính bền vững và đã thay đổi lối sống theo hướng thân thiện với môi trường hơn.
Thảo Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này