
09:48 - 03/02/2016
Đặc sản – sợi dây nối phố thị với làng quê
Đặc sản ngày tết ở xứ mình không thiếu gì, khéo tổ chức thì đặc sản sẽ thành dòng chảy, tha hồ lựa chọn.
Hàng có nhãn mác, dễ truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… đã trở thành lựa chọn của nhiều cơ sở làm đặc sản, kể cả quán xá.
Một cách thử mãi lực
TS Nguyễn Phú Son, phó giám đốc trung tâm Dịch vụ – chuyển giao công nghệ, trường đại học Cần Thơ tổ chức cho các sinh viên thăm dò sức mua đặc sản với danh mục hàng được tuyển chọn ở các tỉnh, tổ chức cho sinh viên đóng gói, giao nhận tại nhà.
Việc này lại tạo sinh khí nhộn nhịp chưa từng có. Chị Lê Thị Thảo, trực tiếp điều hành hoạt động này, cho biết năm ngày đầu tiên, hơn 200 giỏ quà tết bán với giá từ 350.000 – 550.000 đồng/giỏ, chỉ cái vèo là hết, chưa kể lượng bán lẻ.
Gạo ST (Sóc Trăng) đóng gói 2kg, đặc sản xoài sấy, thanh long sấy của công ty Việt – Đức, Bé Dũng, kẹo Soha (Vĩnh Long), khô khoai tẩm gia vị, tôm khô Tiến Hải (Trà Vinh)… rất được ưa chuộng.
Hàng trăm giỏ quà được tuyển chọn theo cách “nhìn mặt đặt tên” nên các loại sản phẩm có nhãn mác, địa chỉ truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, cộng với những thông tin tự nhận biết của người đặt hàng dễ dàng lọt vào giỏ quà tết. Với 150.000 đồng các sinh viên cũng có thể đặt một giỏ quà nho nhỏ mang về nhà.
“Một cách đưa hơi thở cuộc sống kinh doanh ngày tết vào trung tâm. Công việc thực tế cho sinh viên khá nhiều bài học về cách tổ chức sản xuất, đo lường nhu cầu đặt hàng, đóng gói, giao nhận và mọi phản ứng linh hoạt khiến các bạn trẻ thích thú”, TS Son nói.
Ông Đỗ Văn Dũng, giám đốc công ty Thanh long sấy dẻo ở Hàm Thuận Nam, nói rằng đây là cơ hội cọ xát nhu cầu và đã cùng người anh em công ty Việt – Đức (sử dụng cùng công nghệ sấy dẻo của Đức) tham gia giỏ quà tết, không chỉ tại Cần Thơ mà còn tới TP.HCM tham gia ngày hội đặc sản tết do BSA tổ chức vào ngày 30/1.
Ông Dũng từng có một đội xe container khá hùng hậu chở hàng sang Trung Quốc, nhưng kể từ lần bị giựt cả chục tỉ đồng (sau đó đòi lại được), đã rút ra bài học làm ăn với Trung Quốc và chuyển sang hướng đầu tư công nghệ cao phát triển
thanh long Bình Thuận thành đặc sản sấy dẻo.
Sợi dây nối làng quê
“Mỗi ngày sáu người ở Trà Ôn làm được 200 đòn bánh tét nếp dẻo – gấc giá 75.000 đồng/đòn, lá dứa 70.000 đồng/đòn thay vì lá cẩm hoặc bồ ngót, trọng lượng 900 – 950g/đòn, chỉ tiếc là chưa gói dây lác như hồi xưa”, Lê Hoàng Nhân, chủ quán Gà Bà Bộ, nói.
Nhờ khai thác tối đa hiệu quả marketing online nên sức lan toả rất nhanh. Cộng đồng mạng tự tạo fanpage quán Gà Bà bộ và khách đặt hàng nhiều hơn khi truy cập website banhtetque.com.
Biết cách truyền thông và đo lường hiệu quả, Nhân khá thành công với món gà nướng càphê, cơm nướng than xối nước gà luộc, uống rượu vang tạo gu thưởng thức tao nhã trong ngày tết. Thực khách không thích ồn ào tới đây thưởng thức, mỗi tuần quán bán 180 – 200 con gà theo gu này, phải bốn người đi về nông thôn chở gà lên.
“Quan trọng và cũng là điều tôi thích nhất là mình nghĩ ra được chuyện làm cho bà con dưới quê (Trà Ôn), thay vì chỉ làm bánh lo cúng quảy. Bây giờ thông tin trên mạng định kỳ gói bánh và nhận đặt hàng để bà con có việc làm thường xuyên hơn. Bọn trẻ, chỉ cần đi rọc lá chuối cũng có tiền đi học”, Nhân nói.
So với mọi năm, các cơ sở có tiếng như bánh tét Hai Lý, nước mắm rươi Long Vinh, mắm tép Hảo Ngon (Trà Vinh) gần như chạy “hết tốc lực”. Riêng ông Ngô Văn Phương, chủ cơ sở Long Vinh, khóm 3 thị trấn Duyên Hải, vừa phải thu mua rươi ủ nước mắm chuẩn bị hàng cho năm sau, vừa phải tìm cách tiếp cận những phiên chợ, ngày hội đặc sản – vừa bán sản phẩm ngay trong dịp tết. Con gái ông vừa từ trường về nghỉ tết cũng phải ráp với cha đưa hàng ra chợ.
Năm nay, thời tiết se lạnh thoáng qua, rươi không nhiều lắm, việc thu gom rươi nhỏ lẻ, phân tán mất khá nhiều công sức khi làng nghề thiếu hụt lao động, ông Phương thấy được khó khăn, nhưng chưa có cách nào khác hơn là tận dụng
xe ôm chở rươi.
Hoàng Lan
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này