21:00 - 25/11/2016
Với các FTA, doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý về xuất xứ hàng hóa
Một trong những luật chơi quan trọng mà doanh nghiệp cần phải hiểu rõ, đó là yêu cầu xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu.
Để nắm bắt được cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, doanh nghiệp cần phải hiểu được “luật chơi” của các FTA mà Việt Nam đã tham gia, theo ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN của Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương.
Ông Phương nói như vậy tại Diễn đàn “Quảng bá Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và giới thiệu các hiệp định có liên quan” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ hôm 25/11.
Theo ông Phương, một trong những luật chơi quan trọng mà doanh nghiệp cần phải hiểu rõ, đó là yêu cầu xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu.
Cụ thể, với AEC, theo ông Phương, doanh nghiệp đầu tư lớn, có đủ năng lực thì câu chuyện đáp ứng yêu cầu xuất xứ hàng hóa để tận dụng được ưu đãi về thuế là khá dễ.
Thế nhưng, trong trường hợp doanh nghiệp chỉ gia công đơn giản (chế biến đơn giản), nếu họ mua hàng hóa của một trong số các nước ASEAN về chế biến và xuất vào một nước ASEAN khác là đã đáp ứng và dĩ nhiên được hưởng thuế suất ưu đãi.
“Chẳng hạn, doanh nghiệp mua của Malaysia về chế biến đơn giản, rồi xuất khẩu sang Singapore, thì được hưởng ưu đãi về thuế. Nhưng, trường hợp mua của Pakistan về chế biến đơn giản, thì không đáp ứng yêu cầu xuất xứ, tức không được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất vào ASEAN”, ông dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo ông Phương, doanh nghiệp mua nguyên liệu của Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và Newzealand – 5 nước không thuộc ASEAN – vẫn có thể đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất vào ASEAN.
Vì sao như vậy? Theo ông Phương, đơn giản vì ASEAN có ký các hiệp định thương mại với 5 nước nêu trên. “Nhờ có Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), doanh nghiệp có thể sử dụng xuất xứ của bất kỳ nước nào trong ASEAN hay của Nhật Bản để tạo ra sản phẩm xuất vào ASEAN vẫn được hưởng ưu đãi về thuế hoặc xuất sang Nhật Bản cũng được hưởng”, ông cho biết.
Tương tự, với Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), doanh nghiệp mua nguyên liệu của Trung Quốc để chế biến đơn giản, thì vẫn có thể đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ, tức vẫn được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào các nước ASEAN.
Như vậy, theo ông Phương, rõ ràng nếu muốn tận dụng được cơ hội, thì doanh nghiệp phải hiểu được “luật chơi”.
“Nếu cứ mặc định ASEAN bây giờ miễn thuế rồi, cứ xuất vào thôi là không đúng vì không tự nhiên có được ưu đãi, mà phải có đủ năng lực mới đáp ứng, mới được hưởng ưu đãi về thuế, chứ nếu không sẽ phải chịu thuế MFN (Most Favoured Nation) khá cao, 10-30%”, ông cho biết.
Không chỉ AEC, với các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia, mỗi hiệp định nó có một “luật chơi”, bắt buộc người tham gia phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thì mới có thể tận dụng được ưu đãi về thuế khi xuất khẩu.
“Với EVFTA, mà chỉ chế biến đơn giản thì phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc mua của EU về chế biến, tạo giá trị của Việt Nam, thì xuất sang EU mới được hưởng ưu đãi”, ông Phương cho biết.
Tuy nhiên, theo Phương, với bạch tuộc chẳng hạn, EVFTA quy định có thể mua nguyên liệu của ASEAN để chế biến và xuất sang EU vẫn được hưởng ưu đãi về thuế, nhưng cũng chỉ giới hạn ở một số mặt hàng thôi.
Ngoài nguồn gốc xuất xứ, tại diễn đàn, một số nhà chuyên môn cũng lưu ý về vấn đề sở hữu trí tuệ, đầu tư, lao động, tranh chấp…, tùy theo những hiệp định khác nhau, cũng sẽ có những “luật chơi” của nó, đòi hỏi nước tham gia phải tuân thủ.
Phát biểu tại diễn đàn này, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Công Thương, cho biết tính đến hết năm 2015, quy mô thương mại hai chiều Việt Nam-ASEAN đạt 42,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 13-14 lần so với năm 1995; có 8 nước khu vực ASEAN có hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam với quy mô vốn đầu tư đạt xấp xỉ 60 tỉ đô la Mỹ, chiếm 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua.
Đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam tập trung phần lớn vào công nghiệp, chế biến và chế tạo chiếm 47% tổng vốn đầu tư; 20% vào bất động sản và nhiều lĩnh vực khác.
“Nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản và thực phẩm gần đây cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, với việc Việt Nam chủ động tham gia các FTA, trong đó có AEC – thị trường lớn với hơn 600 triệu dân, GDP gần 3.000 tỉ đô la Mỹ – sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô, tận dụng cơ hội xuất khẩu.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, muốn nắm bắt được, đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu “luật chơi” mà các FTA đã đặt ra.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này