16:20 - 13/04/2016
Thời của App và thương mại di động
Hiện các nhà bán lẻ, từ nhỏ đến lớn, đua nhau giới thiệu ứng dụng riêng (gọi tắt là app) dành cho các thiết bị di động: smartphone, tablet… để khách hàng mua sắm bất kỳ ở đâu, miễn là có sóng 3G hoặc wifi.
Theo xu thế phát triển của thiết bị di động, hiện nay thương mại điện tử (TMĐT) có thêm một khái niệm mới: thương mại di động (mobile commerce, viết tắt là m-commerce).
Giữa tuần trước, Nitin Gajria, giám đốc Google tại Việt Nam, chia sẻ: “Sự phát triển của nhóm thiết bị di động đã tạo nên một bước chuyển lớn trong thói quen người tiêu dùng thế giới và Việt Nam”.
Vị giám đốc Google tại Việt Nam, chứng minh: “Theo bản đo lường của Google tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, một người xem khoảng 150 lần trên chiếc smartphone. Thao tác này có tác động lớn đối với hoạt động thương mại cũng như quảng cáo.
Doanh nghiệp nên tận dụng tối đa thông tin trên để nắm bắt kịp thời mọi khoảnh khắc của người dùng, để sản phẩm và thương hiệu xuất hiện một cách hợp lý theo chiến lược riêng”.
Thương mại di động – xu hướng mới
Năm 2014, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường TNS và Google thực hiện, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng smartphone chủ yếu để vào mạng xã hội, lướt web, tìm kiếm thông tin…, còn sử dụng smartphone cho hoạt động thương mại chỉ chiếm 28%!
Nhưng hiện nay, tỷ lệ trên đã tăng bất ngờ. Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, ông Trần Hải Linh, tổng giám đốc Sendo.vn, nói rằng: “Năm 2016 là thời điểm khởi đầu cho mô hình m-commerce. Hiện 75% khách hàng truy cập Sendo bằng thiết bị di động và 50% số lượng đơn hàng được đặt từ nhóm khách hàng di động.
Ông Lê Xuân Long, giám đốc tiếp thị của Lazada Việt Nam cho biết, hiện nay, giá trị giao dịch hàng hoá bằng smartphone (bao gồm website di động và ứng dụng) đã chiếm gần 60% tổng giá trị giao dịch. “M-commerce là chiến lược phát triển trọng tâm tại Lazada với quan điểm kinh doanh: mọi thứ, mọi lúc và mọi nơi. Mô hình này sẽ đem lại 80% giá trị giao dịch vào năm 2020”, ông Long nói.
Theo ông Trần Nhật Linh, quản lý bộ phận TMĐT của Thế Giới Di Động, hiện lượng hàng truy cập bằng app và web mobile trên 100.000 lượt/ngày, chiếm 60%, còn lượng hàng đặt thành công là 40%.
Theo sàn giao dịch Bizweb, hơn 5.000 chủ shop cho biết, tỷ lệ đơn đặt hàng đến từ smartphone chiếm hơn 35% trong tổng số đơn đặt hàng.
Trong ngày hội TMĐT cuối năm 2015, ông Trần Hữu Linh, cục trưởng cục TMĐT và công nghệ thông tin (bộ Công thương) cũng đã nói về “thì tương lai” với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này: “Việc phát triển và ứng dụng các giải pháp trên nền tảng di động là xu thế mới của TMĐT Việt Nam và thế giới. Ứng dụng công nghệ trên nền tảng di động trong giao dịch trực tuyến sẽ rất thuận tiện và linh hoạt cho cả người bán lẫn người mua”.
Bùng nổ… app
“Khách hàng mong muốn được nhận hàng ngay, hưởng thụ dịch vụ ngay lập tức. Để đáp ứng nhu cầu đó, buộc các doanh nghiệp phải có công cụ kết nối với người tiêu dùng. Thay vì làm web, dịch chuyển công cụ bằng app dành cho thiết bị di động sẽ nối kết khách hàng nhanh hơn”, bà Phạm Trang Phương Dung, quản lý cấp cao của Uber tại Việt Nam, nhận xét.
Hiện các nhà bán lẻ, từ nhỏ đến lớn, đua nhau giới thiệu ứng dụng riêng (gọi tắt là app) dành cho các thiết bị di động: smartphone, tablet… để khách hàng mua sắm bất kỳ ở đâu, miễn là có sóng 3G hoặc wifi.
Tháng 6/2013, Lazada là nhà kinh doanh theo phương thức TMĐT đầu tiên tung ra app. Sau đó, đến lượt sàn giao dịch Sendo (FPT), Tiki, Zalora, Chợ Tốt, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim… cũng tung ra app.
Theo số liệu của Google Play, hiện app của Lazada (phiên bản 2.0) có nhiều người dùng tải nhất, trên 11 triệu lượt tải. Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Chợ Tốt… đã vượt qua con số hàng triệu lượt tải.
Zalora, Nguyễn Kim, Geek, Zalora, Mekong, Mama, Wish, Vatgia, BazaGo, Yes24… cũng có trên chục ngàn lượt tải.
Các doanh nghiệp thanh toán trực tuyến cũng đã tung ra app trên thị trường. MoMo (chủ sở hữu là công ty M_Service) đã xuất hiện dưới hình thức app từ tháng 5/2014.
Payoo, Ngân Lượng… cũng đã làm app. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và dịch vụ vận tải hành khách như Grab, Uber, Easy, Vinasun… cũng đã có riêng app để khách hàng đặt xe.
Phải biết cách làm
App xuất hiện nhiều trên các kho ứng dụng nhưng để được khách hàng biết, tải về cũng như thường xuyên sử dụng để mua hàng lại là chiêu thức kinh doanh của các nhà bán lẻ, sàn giao dịch hay cung cấp dịch vụ.
Trong khi khái niệm m-commerce còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam, Lazada đã có những khảo sát hành vi của người dùng, sau đó đưa ra app phiên bản 2.0 dễ sử dụng hơn.
Theo ông Xuân Long, vì nhiều khách hàng chưa chú ý đến app nên Lazada thường xuyên tổ chức chương trình ưu đãi dành riêng cho việc mua sắm bằng app, như chương trình Big App Sale dành riêng cho ứng dụng di động được tổ chức thường niên tại Lazada.
Nhiều nhà bán lẻ, sàn giao dịch như Tiki, Zalora, Nguyễn Kim… cũng chiêu dụ khách mua hàng qua app bằng cách giảm thêm 10%, tặng quà, miễn phí giao hàng…
Nhưng ông Nhật Linh của Thế Giới Di Động nói rằng, để khách hàng chú ý nhiều đến mua sắm online, quan điểm của Thế Giới Di Động là “cân bằng những giá trị dành cho khách hàng, từ web đến web mobile và app.Không chỉ cho họ những ưu đãi tốt nhất mà còn tạo những thông tin hấp dẫn để khách hàng thường xuyên quay trở lại”.
Ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch hội đồng quản trị công ty M_Service, nói rằng khách hàng mua sắm bằng app là nhóm khách hàng trẻ, tuổi từ 25 – 35 với nhóm hàng tiêu dùng cá nhân, nên các nhà bán lẻ và các nhà cung cấp các dịch vụ thanh toán di động cần “liên minh” để tạo ra những sản phẩm tiện lợi, có giá rẻ hơn… mới có khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng sử dụng thường xuyên.
Lionel Tan, phó giám đốc Lazada Techhub, chia sẻ thêm: “61% khách hàng tại Việt Nam dùng thiết bị di động để tìm kiếm sản phẩm. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh TMĐT phải quan sát những phản hồi của khách hàng để điều chỉnh thông tin trên app phù hợp, phải bố trí sản phẩm hấp dẫn trên app để kích thích khách hàng mua sắm”.
Ông Hải Linh của Sendo chia sẻ thêm về mặt kỹ thuật: app phải tương thích với nhiều kích thước màn hình smartphone để sản phẩm xuất hiện đẹp mắt, tốc độ tải nhanh, không tiêu tốn băng thông cũng như được trải nghiệm những ứng dụng di động đặc biệt như tìm kiếm sản phẩm bằng giọng nói, quét mã QR Code…
Trọng Hiền
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này