16:16 - 04/06/2016
Tài sản trí tuệ mới là động lực cạnh tranh trong hội nhập
Dẫn một ví dụ thương hiệu của Vinamilk được định giá hơn 1 tỷ USD trong năm 2015, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh nhấn mạnh tài sản trí tuệ chính là động lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Ông Thanh có bài phát biểu tâm huyết tại Diễn đàn Kinh doanh sáng tạo lần thứ 3 vừa diễn ra tại TPHCM. Chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài phát biểu này.
Bộ KH&CN thực hiện thỏa thuận về chương trình phối hợp với Hội DN HVNCLC và cùng tổ chức Diễn đàn quốc tế về Kinh doanh sáng tạo lần thứ 3.
Chúng tôi cho rằng đây là chủ đề rất thiết thực với doanh nghiệp Việt Nam (VN) trong thời kỳ VN đang hội nhập kinh tế quốc tế với các nước rất tích cực và sâu rộng.
Các doanh nghiệp VN sẽ có rất nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng gặp rất nhiều thách thức.
Thứ nhất, chúng ta thấy, tài sản trí tuệ là nguồn tài nguyên thúc đẩy nội lực của nền kinh tế. Theo ý kiến thông dụng, tài sản trí tuệ được hiểu là tất cả những sản phẩm của hoạt động trí tuệ.
Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, tài sản trí tuệ đã được thừa nhận là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Robert Solow cho rằng, sự cải tiến công nghệ là yếu tố then chốt của tăng trưởng kinh tế.
Trong những năm 80, các lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh cũng cho rằng, tiềm năng thu lợi nhuận là động lực thúc đẩy đầu tư để tạo ra công nghệ mới. Và tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quyết định về tỉ lệ tăng trưởng dài hạn của một nước.
Tác động của tài sản trí tuệ đối với GDP cũng được phản ánh qua giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp thâm dụng tài sản trí tuệ vào GDP.
Hiện nay trên thế giới có khái niệm về ngành kinh tế thâm dụng IP. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, mức đóng góp nêu trên tăng từ 21% từ 1982 đến 27% năm 1995 và năm 2010 tài sản trí tuệ mang lại cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ khoảng hơn 5.000 tỉ USD và giá trị gia tăng chiếm 34,8 GDP.
Trong giai đoạn 2008 – 2010, tài sản trí tuệ của ngành công nghiệp thuộc khu vực châu Âu đã tạo ra 4,7 ngàn tỉ euro và tương đương với 39% GDP của EU.
Một số tác giả nhận định rằng, tài sản trí tuệ, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực để phát triển nền kinh tế. Khác với những nguồn tài nguyên khác như lao động, vốn, tiền, đất đai, thiên nhiên… thì tài sản trí tuệ là một nguồn tài nguyên không giới hạn.
Sự tăng trưởng của tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động sáng tạo vừa mang tính bản năng, vừa nhờ vào sự nỗ lực của trí tuệ vô hạn của con người.
Vì vậy việc bảo vệ và kinh doanh tài sản trí tuệ không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp là chủ thể nắm giữ tài sản trí tuệ nói riêng mà còn cho cả nền kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì tài sản trí tuệ lại càng được đặc biệt coi trọng, vì nó là yếu tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và mỗi nền kinh tế.
Thứ hai, là kinh doanh tài sản trí tuệ trong thời kỳ hội nhập. Kinh doanh tài sản trí tuệ là việc các doanh nghiệp khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ đó hoặc thương mại hóa tài sản trí tuệ dưới hình thức mua bán. Đây là một khâu quan trọng trong chương trình sáng tạo trí tuệ, trong đó doanh nghiệp được coi là chủ thể.
Hiện nay ở nước ta có khoảng 1.500 sáng chế, 15.000 kiểu dáng công nghiệp và 160.000 nhãn hiệu là các tài sản trí tuệ mà các doanh nghiệp VN đang được bảo hộ.
Thông qua hoạt động kinh doanh, tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của mình thì doanh nghiệp không chỉ thu hồi chi phí đầu tư để tạo dựng, phát triển bảo vệ các tài sản trí tuệ đó mà còn làm cho giá trị của tài sản trí tuệ đó ngày càng tăng lên.
Thực tế cho thấy, nhiều tài sản trí tuệ của VN được nước ngoài định giá cao. Chẳng hạn như năm 2015, nhãn hiệu Vinamilk có giá trị khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm 22% giá trị của doanh nghiệp. Hay nhãn hiệu Viettel trị giá 580 triệu USD, hay VinHome là 343 triệu USD…
Mặc dù hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về mức độ khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ của DNVN. Nhưng có thể thấy một thực tế phần lớn các tài sản trí tuệ được bảo hộ đều được các doanh nghiệp đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số nghiên cứu mới đây của chúng tôi thấy rằng, từ năm 2000 – 2014 thì số lượng tài sản trí tuệ giữa các doanh nghiệp VN khoảng 2.800 đối tượng.
Từ 2006 – 2014 số lượng tài sản trí tuệ của VN được chuyển nhựng cho nước ngoài có xu hướng tăng dần. Trong đó số lượng tài sản trí tuệ được bán năm 2014 tăng 20 lần so với 2006.
Điều đó cho thấy nhu cầu khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ của VN là hiện thực, có xu hướng gia tăng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Các lĩnh vực diễn ra thương mại hóa tài sản trí tuệ VN tương đối phổ biến là sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu, các lĩnh vực chế biến, bảo quản thực phẩm, dệt may, thiết bị điện, thiết bị y tế…
Và sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… góp phần làm cho hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ của Việt Nam dưới hình thức mua bán doanh nghiệp đang ngày sôi động.
Để kinh doanh tài sản trí tuệ có hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần có những hiểu biết nhất định về loại tài sản này. Và có một chiến lược quản trị thích hợp.
Ngoài chất lượng, mẫu mã, giá thành và thị phần… thì một thước đo quan trọng với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp đang sở hữu.
Để thực sự phát huy được năng lực này DN không chỉ cần một khoản đầu tư thích đáng cho hoạt động tạo dựng, phát triển, đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình mà còn phải có một kiến thức về khai thác, sử dụng tài sản đó. Nắm được nội dung, phạm vi, danh giới khai thác sử dụng để tránh những xung đột không cần thiết.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện một chiến lược quản trị tài sản trí tuệ còn giúp cho DN giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ của mình, phát triển những quan hệ đối tác và phát triển khối tài sản trí tuệ nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh.
Các công cụ quản trị tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp cần áp dụng bao gồm kiểm kê, thẩm tra, định giá và tổ chức nhân lực chuyên nghiệp riêng quản trị tài sản trí tuệ.
Tất cả những điều kiện trên có vai trò để khai thác và chế biến các tài nguyên trí tuệ của DN để thành hàng hóa, chuyển biến những nguồn lực trí tuệ thành thu nhập và ngăn chặn được sự tổn thất cũng như các chi phí vô ích liên quan đến các tài sản trí tuệ.
Những điều kiện của hoạt động kinh doanh tài sản trí tuệ chỉ thực sự phát huy vai trò nếu có một thể chế để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mang tính đầy đủ và hiệu quả.
Để đảm bảo điều đó, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ cần thiết phải lập ra những nguyên tắc bảo hộ rõ ràng, dành độc quyền cho tài sản trí tuệ một cách xứng đáng và có khả năng ngăn chặn cũng như phòng ngừa các hành vi cố ý xâm phạm. Chú trọng vào cơ chế dân sự trong giải quyết tranh chấp.
Việc gia nhập vào các điều ước quốc tế về tự do hóa thương mại trong 2 thập kỷ gần đây, nhất là hiệp định Trips hay TPP đã đặt cho chúng ta sức ép lớn trong việc cải tổ hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ để vừa đáp ứng được những đòi hỏi cao của quá trình hội nhập và chú trọng cân bằng lợi ích xã hội và đảm bảo quyền kinh doanh tài sản trí tuệ được phép của doanh nghiệp mà không bị cản trở.
Chương trình hành động mang tính chiến lược quốc gia về SHTT mà Bộ KH&CN đang xây dựng và thực hiện trong thời gian qua chính là nhằm mục tiêu để bảo đảm đủ các điều kiện và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh về tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Vấn đề bảo mật tài sản trí tuệ trong hội nhập
Theo thống kê của chúng tôi việc bảo vệ tài sản trí tuệ của DN hiện nay chủ yếu là bằng công cụ hành chính. Năm 2014 có 1106 vụ xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ xử lý bằng biện pháp hành chính. Trong đó tài sản trí tuệ là nhãn hiệu chiếm tới hơn 97%.
Tính trên cho thấy nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của DN là tương đối lớn. Nhưng mặt khác cho thấy DN kỳ vọng vào một cơ chế thực thi nhanh gọn, hiệu quả và có tính răn đe cao.
Việc bảo vệ tài sản trí tuệ hiệu quả sẽ giúp cho cuộc đua nhằm giành giật vị thế cạnh tranh trên thị trường sẽ chủ yếu dựa trên sự đua tranh và đầu tư cho sáng tạo về tài sản trí tuệ.
Bên cạnh đó, khuynh hướng sử dụng mà không đầu tư để tìm kiếm các thành quả trí tuệ thực chất chúng ta vẫn coi là việc đánh cắp các tài sản trí tuệ sẽ bị đẩy lùi để tạo ra một nền thương mại lành mạnh và có khả năng thu hồi vốn lợi nhuận cần thiết cho doanh nghiệp nhằm tiếp tục đầu tư cho hoạt động sáng tạo và đầu tư công nghệ.
Tuy nhiên quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam vừa qua, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng đặt ra những thách thức rất lớn.
Việc bảo vệ tài sản trí tuệ một cách mạnh mẽ theo tiêu chuẩn cao dường như có tác động hạn chế khả năng tiếp cận của xã hội và người tiêu dùng Việt Nam với nhiều sản phẩm, dịch vụ.
Khả năng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguy cơ lệ thuộc vào tài sản trí tuệ, nhất là công nghệ của nước ngoài. Tình trạng này càng rõ rệt trong điều kiện trình độ công nghệ và mức sống ở VN còn thấp.
Thách thức nữa là tiêu chuẩn cao của hệ thống bảo hộ của sở hữu trí tuệ sẽ đặt ra cho DNVN một môi trường pháp lý phức tạp, bắt buộc họ phải chi phí sử dụng cho cơ chế này.
Sự nghiêm ngặt này sẽ đặt mọi doanh nghiệp vào sự ràng buộc và có thể bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp với những người khác và bị thiệt hại.
Sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn với DN vừa và nhỏ giữa nền kinh tế lớn với nền kinh tế nhỏ có xu hướng rõ nét. Trong đó những doanh nghiệp Vn sẽ có ít cơ hội sử dụng những cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi các chủ thể ở nước ngoài khai thác các cơ chế đó với một cơ hội lớn hơn rất nhiều.
Khả năng tài chính hạn hẹp, qui mô nhỏ và rất nhỏ của DNVN cũng là một hạn chế lớn. Khi xảy ra tranh chấp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của VN ở nước ngoài thì vấn đề tư pháp rất phức tạp, chi phí thuê luật sư cao khiến cho không nhiều DNVN đủ sức theo đuổi.
Với những nước đang phát triển như VN thì việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của quốc tế về sở hữu trí tuệ trước mắt có thể tạo ra những khó khăn nhưng nếu vượt qua được những thách thức đó chúng ta sẽ thu được lợi ích rất to lớn.
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này