09:22 - 02/10/2017
Tam giác tăng trưởng Indonesia, Malaysia và Thái Lan
Miền Nam Thái Lan và miền Bắc Malaysia chia sẻ chung đường biên giới đất liền và cách đảo Sumatra của Indonesia chỉ một eo biển hẹp Malacca, nên ba quốc gia Đông Nam Á này cũng chia sẻ với nhau những mối liên kết kinh tế phát triển và sôi động.
Chương trình Tam giác tăng trưởng Indonesia – Malaysia – Thái Lan (IMT-GT) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở 32 tỉnh và bang kém phát triển ở ba nước này, nơi có 54 triệu người. Gồm 14 tỉnh ở miền Nam Thái Lan, 8 bang miền Bắc Malaysia và 10 tỉnh ở Sumatra của Indonesia.
Vì IMT-GT đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong việc tạo ra sự thịnh vượng trong khu vực, nên ADB đã tham gia chương trình này từ lúc IMT-GT mới thành lập và đã là Đối tác phát triển khu vực kể từ năm 2007. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng của IMT-GT diễn ra ngày 29/9 tại Indonesia, đại diện của ba nước đã nhất trí tăng cường hợp tác trong 4 lĩnh vực gồm du lịch, vận tải, nhân sự và các dự án cơ sở hạ tầng.
Bộ trưởng Kinh tế Indonesia Darmin Nasution đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác nói trên là giúp hỗ trợ hội nhập tăng trưởng của ba nước láng giềng, đồng thời tăng cường đầu tư vào các khu vực IMT-GT. Từ đó, ba nước Indonesia – Malaysia – Thái Lan sẽ thông qua khuôn khổ chiến lược du lịch để thúc đẩy du lịch xuyên biên giới, hướng tới mục tiêu biến IMT-GT trở thành khu vực với những điểm đến du lịch bền vững và có tính cạnh tranh cao. Ông Darmin cho biết trong suốt từ năm 2012 đến năm 2015, tổng đầu tư vào khu vực IMT-GT tăng 19%, từ 12,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 15,1 tỷ USD vào năm 2015. Đối với các nước ASEAN, Indonesia là nước tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Có nhiều cơ sở để hy vọng rằng đầu tư sẽ tiếp tục chảy vào Tam giác phát triển bởi vì chính phủ và các doanh nghiệp đang giúp đỡ lẫn nhau để cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực liên tục, như Bộ trưởng Darmin cho biết nhu cầu hợp tác giữa IMT-GT, cả với khu vực tư nhân và chính quyền địa phương đang rất chặt chẽ. Do đó, IMT-GT đã tạo ra một nền tảng cho cả các nước bên ngoài và các nước thành viên đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước và khu vực. Cho đến nay, một số dự án hợp tác IMT-GT đã được phát triển đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, vận tải, nhân sự (HR) và cơ sở hạ tầng.
Trong lĩnh vực giao thông, ba nước sẽ hợp tác trong việc cải thiện hệ thống cửa khẩu thương mại và cơ sở hạ tầng qua biên giới, tạo điều kiện cho giao thương, xuất khẩu hàng hóa. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, thông qua Điều lệ UNINET bao gồm lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ tiên tiến, mô hình liên trường đã được hình thành trong khu vực IMT-GT. Dự kiến trong giai đoạn 2017-2021, ba nước sẽ thúc đẩy hơn nữa vai trò của các trường đại học trong khu vực IMT-GT. Về phát triển cơ sở hạ tầng, các nước IMT-GT nhất trí thực hiện các dự án kết nối bao gồm sân bay, cảng biển, đường sá, cầu và đường sắt.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này