10:49 - 30/10/2017
Myanmar: một thị trường khó nhưng nhiều cơ hội
Từ vài năm trước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hồ hởi sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư vì cho rằng thị trường này là “mỏ vàng” cuối cùng của châu Á. Tuy nhiên qua thực tế triển khai đầu tư kinh doanh, một số doanh nghiệp cho biết Myanmar không phải là một thị trường dễ dàng.
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại Myanmar và với tư cách Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar, ông Vĩnh Khang cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar cần xác định đầu tư dài hạn chứ không phải là để nhanh chóng kiếm tiền, bởi khó khăn diễn ra với cả những doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ.
Khó khăn về chính sách, pháp luật
Hiện Viettel là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất vào Myanmar với cam kết đầu tư gần 1,4 tỉ đô la Mỹ để liên doanh làm mạng di động dự kiến khai trương vào đầu năm sau. Ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Viettel Myanmar, cho biết một trong những cái khó khi hoạt động tại Myanmar là vấn đề pháp lý.
Ở Việt Nam để xây một trạm thu và phát sóng di động (BTS) chỉ cần có 2-3 giấy phép của sở thông tin truyền thông, sở xây dựng. Còn để làm được điều này ở Myanmar, doanh nghiệp phải xin tới bảy giấy phép, từ người dân đến các cơ quan có thẩm quyền từ thấp đến cao. Ông nói: “Để hoàn thiện giấy phép triển khai một trạm BTS phải mất nhiều tháng. Tương tự, các thủ tục khác cũng lâu như vậy. Điều này chúng tôi chưa từng gặp ở Lào, Campuchia, Đông Timor hay Banglades…”. Ông Nam cho biết ở Myamar, ngoài sự chấp thuận của chính phủ và bộ, ban, ngành chủ quản, doanh nghiệp nước ngoài dù có đầu tư lớn vẫn phải tiếp tục làm việc ở các bang, quận huyện để hoàn thành hàng loạt thủ tục phép tắc khác.
FPT là doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh dịch vụ Internet tại Myanmar vào năm 2015. Ông Phạm Lê Hào, Phó giám đốc FPT Myanmar, cho biết do Myanmar đang trong quá trình hội nhập nên luật của họ liên tục được cập nhật, thay đổi. Các doanh nghiệp luôn phải chủ động tìm hiểu luật bởi có khi ngay cả cán bộ thi hành luật cũng không am hiểu luật của họ dẫn đến vận dụng không sát với các quy định.
Ông Đặng Hải Nhã, Giám đốc chi nhánh Yangon của BIDV, cho biết tình trạng cùng một văn bản nhưng cách hiểu của cơ quan quản lý nhà nước các địa phương của Myanmar khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều luật quy định rất chung và ngắn ngủi trong vài trang, rất khó hiểu. Doanh nghiệp phải có nhiều thời gian tìm hiểu để biết cách áp dụng. Ông Nhã dẫn ví dụ đạo luật quy định về người có liên quan của Myanmar sử dụng từ “officer” nhưng lại không định nghĩa “officer” là gì. Trước nay, doanh nghiệp Việt thường nghĩ officer là để chỉ chuyên viên hay cán bộ, nhưng ở Myanmar thì họ quy định là giám đốc điều hành, lãnh đạo công nghệ thông tin, thành viên của ban điều hành. “Thực tế luật của Myanmar dùng từ tiếng Anh khá phổ biến, nhưng cần phải hiểu nội hàm của nó ra sao để mà vận dụng”, ông Nhã nói.
Ông Nhã còn cho biết Myanmar có những quy định rất bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài, như không được đứng tên nhập khẩu hàng vào nước này mà phải thông qua một đại lý phân phối là doanh nghiệp bản địa. Cũng đã có một số doanh nghiệp Việt sang mở doanh nghiệp ở Myanmar nhưng do người bản địa đứng tên. Đây là cách làm mà nếu có tranh chấp thì người Việt sẽ thua thiệt.
Một số doanh nghiệp còn cho biết có những dự án đã được Chính phủ cấp phép, được đánh giá tác động môi trường…, nhưng trong quá trình triển khai mà bị khiếu kiện thì cũng sẽ bị dừng. Đây cũng là một rủi ro đối với nhà đầu tư.
Đã kinh doanh ở Myanmar nhiều năm, ông Nguyễn Bá Khoát, Phó giám đốc điều hành của Viettranimex Group, cho biết các khu công nghiệp ở Myanmar ngay sau khi hình thành đã được phân lô bán cho doanh nhân địa phương. Họ thậm chí chỉ mua để đó hoặc xây biệt thự cũng không bị phạt. Doanh nghiệp Việt muốn đầu tư vào khu công nghiệp thì phải tìm chủ đất để liên doanh. Nhưng vấn đề là liên doanh với ngưới có đất mà họ không quyết liệt làm ăn cùng nhau thì cũng không yên tâm!
Chất lượng nguồn nhân lực yếu và chi phí đắt đỏ
Ông Nguyễn Thanh Nam cho biết chi phí kinh doanh của Viettel tại Myanmar đắt đỏ hơn so với trong nước. Myanmar tuy có diện tích gấp đôi Việt Nam nhưng dân số chỉ hơn một nửa và phân bổ thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Gần 60% dân số Myanmar chưa có điện lưới… Và do không có điện nên rất nhiều trạm BTS của Viettel phải chạy bằng máy nổ, làm cho giá thành mạng di động của Viettel ở Myanmar cao hơn so với các thị trường khác, trong khi giá cước thì phải rẻ để thu hút khách.
Còn ông Cao Duy Thịnh, Giám đốc điều hành Hoàng Anh Gia Lai Myanmar, cũng cho biết doanh nghiệp này có dự án đầu tư bất động sản 440 triệu đô la Mỹ trên diện tích 7,5 héc ta tại Yangon. Để đảm bảo chất lượng và đẩy nhanh tiến độ dự án, Hoàng Anh Gia Lai không thể sử dụng nhà thầu địa phương mà chọn cách tự xây và đưa lao động Việt Nam sang. Việc này làm chi phí xây dựng tăng hơn 30% so với trong nước. Ông cho biết việc xây dựng giai đoạn 1 của dự án chỉ mất hai năm rưỡi, nhưng nếu sử dụng dịch vụ xây dựng địa phương thì có thể phải kéo dài gấp đôi thời gian, thậm chí gấp 3.
Ông Nam cho biết Myanmar có ít người có kinh nghiệm quản lý công ty cũng như thiếu những chuyên gia kỹ thuật bậc cao nên doanh nghiệp phải thuê người nước ngoài với chi phí cao. Năng suất của lao động phổ thông thấp hơn người Việt, tay nghề chưa cao, chưa được đào tạo…
Còn theo ông Nhã, do dịch vụ ngân hàng ở Myanmar chưa phát triển nên khi tuyển người bản địa làm việc cho BIDV thì doanh nghiệp phải đào tạo rất nhiều.
Một số thông tin tham khảo
Bà Luận Thùy Dương, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, lưu ý là để dễ dàng nhận được giấy phép đầu tư kinh doanh ở Myanmar, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm các vấn đề lợi ích kinh tế – xã hội, công ăn việc làm cho người địa phương; cần có đối tác địa phương vì việc “tự vật lộn” sẽ rất khó khăn. Điển hình là sự hợp tác của Viettel với đối tác địa phương trong liên doanh Mytel. Để vào được thị trường Myanmar, Viettel đã cam kết hỗ trợ xã hội, đảm bảo công ăn việc làm cho người địa phương, cam kết lắp mạng cáp quang trên cả nước.
Bà Dương cũng cho rằng doanh nghiệp Việt muốn trụ được ở thị trường Myanmar, ngoài việc phải có sản phẩm được chấp nhận còn phải có chiến lược chăm sóc khách hàng. “Muốn thành công ở Myanmar, vấn đề không hẳn là doanh nghiệp lớn hay nhỏ mà là cần có sự đầu tư dài hơi, có chiến lược dài hạn và cần phải kiên nhẫn với thị trường này bởi việc cấp phép, các thủ tục giấy tờ là khá chậm”, bà Dương nói.
Ông Khoát của Viettranimex Group thì cho rằng doanh nghiệp nào muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Myanmar thì nên đến Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar để đuợc tư vấn. Theo ông, hội này có thể trả lời khoảng 90% các câu hỏi của doanh nghiệp và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Về phía hội, ông Vĩnh Khang nói: “Trung tâm xúc tiến đầu tư của hội là cầu nối giúp doanh nghiệp hiểu được thực trạng của Myanmar để sớm có bức tranh tổng thể và đưa ra quyết định”.
Về phía BIDV, ông Nhã cho rằng bên cạnh tìm hiểu thông tin từ sứ quán, các doanh nghiệp có thể đến với sự tư vấn miễn phí của BIDV. Cho đến nay, BIDV đã tư vấn cho khoảng hai phần ba trong số vài trăm doanh nghiệp Việt sang Myanmar tìm hiểu thị trường.
Đầu tư của Việt Nam vào Myanmar
Theo đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, hiện có 170 doanh nghiệp Việt Nam hiện diện tại Myanmar dưới các dạng văn phòng đại diện, liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam.
Có 16 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn đầu tư là 2,097 tỷ đôla Mỹ. Trong đó riêng vốn đầu tư của Viettel đã là 1,384 tỷ đôla Mỹ.
Theo ông Đặng Hải Nhã, việc nền kinh tế Myanmar mới mở cửa với xuất phát điểm thấp chính là cơ hội vì nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt có chất lượng khá và có mức giá phù hợp với mức sống còn hạn chế của đông đảo người dân Myanmar. Những mảng mà doanh nghiệp có cơ hội ở Myanmar là bất động sản và hàng tiêu dùng.
Còn theo ông Phạm Lê Hào, thị trường Myanmar có cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp y tế, giao thông thông minh, công nghệ thông tin…
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, cho biết trong chín tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 587 triệu đô la Mỹ, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Myanmar tăng 44%.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này