09:16 - 16/01/2019
Bình luận thị trường: Kênh phân phối 2019 có gì mới?
Câu hỏi quan trọng nhất của nhà hoạch định chiến lược phân phối và bán hàng là năm 2019 tình hình các kênh phân phối có xu hướng gì mới, dịch chuyển ra sao, để từ đó có giải pháp phù hợp.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến những xu hướng đáng chú ý nhất, đây không hẳn là xu hướng hoàn toàn mới, nhưng sẽ có hướng phát triển mạnh mẽ trong năm 2019.
Sự lên ngôi của cửa hàng chuyên doanh
Chuyên doanh là các điểm bán các nhóm sản phẩm phục vụ một hoặc một vài nhu cầu chuyên biệt nào đó của người tiêu dùng. Ví dụ, hệ thống cửa hàng bán sản phẩm cho em bé chẳng hạn. Với nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng “phân mảnh”, hướng đến các phân khúc phục vụ các nhu cầu cá nhân và cao cấp, cho nên càng ngày họ càng không tin rằng các điểm bán hàng “tất cả trong một” sẽ phục vụ tốt và đa dạng các dòng sản phẩm cho nhu cầu đó của họ. Vì vậy, cửa hàng chuyên doanh trở thành lựa chọn ưa thích.Ước tính, tần suất mua sắm sẽ tăng khoảng 20 – 25% trong các năm tới cho mô hình cửa hàng này.
Bán lẻ đa kênh
Trong khi tần suất mua sắm các kênh bán hàng, đặc biệt là các kênh bán hàng đã có từ lâu, đang có xu hướng giảm, thì các kênh bán hàng được viếng thăm sẽ gia tăng. Trong 13 kênh bán hàng các loại đang có trên thị trường, người mua hàng Việt Nam viếng thăm khoảng bảy kênh bán hàng, chiếm tỷ lệ cao nhất Đông Nam Á. Xu hướng mua sắm đa kênh vẫn là chủ đạo. Bây giờ người mua hàng xác định rất rõ mỗi kênh bán hàng sẽ phục vụ mục tiêu cụ thể nào cho bản thân và gia đình. Chẳng hạn đi siêu thị là để phục vụ nhu cầu cả tuần của gia đình và bổ sung những vật dụng trong nhà; còn các siêu thị nhỏ (minimart) là để dành mua sắm cho bữa ăn nhanh, cửa hàng tạp hoá là để dành cho các sản phẩm thiết yếu và những nhu cầu đột xuất mà không cần đi xa.
Nắm bắt được xu hướng này, hầu như tất cả các nhà bán lẻ tại Việt Nam đều có chiến lược bán lẻ đa kênh. Ai cũng phải sẵn sàng cho việc “hứng” được càng nhiều càng tốt các nhu cầu khác nhau, vào các thời điểm khác nhau của khách hàng.
Tất cả cho tiện lợi
Năm 2019 chủ đề “tiện lợi” sẽ tiếp tục “nóng” trong ngành bán lẻ Việt Nam. Đây là vũ khí cạnh tranh của tất cả các nhà bán lẻ, kênh bán hàng.Theo nghiên cứu, cộng đồng tiểu thương lớn nhỏ đang ý thức rất rõ việc làm sao tạo điều kiện tốt nhất, tiện lợi nhất cho khách hàng khi họmua sắm tại cửa hàng.
Tôi từng được xem một cuốn tập 100 trang có ghi tất cả sinh nhật của các khách hàng thân thiết của một tiểu thương ở chợ Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM). Một tiểu thương khác còn có danh sách các cháu học giỏi là con, em của khách hàng “ruột”, để theo dõi và tặng quà nhằm “thắt chặt quan hệ”.
Với các nhà bán lẻ lớn, bên cạnh việc đầu tư mở rộng đa kênh, ngay tại các cửa hàng hiện có, họ tìm mọi cách để giúp chuyến mua sắm của khách hàng được tiện lợi hơn, những điều khách không hài lòng sẽ bị loại bỏ, từ những chuyện rất nhỏ như thời gian chờ gửi xe, chờ tính tiền, đến giao hàng tại nhà…
Năm của kênh hiện đại
Điểm thú vị của năm 2018, kéo dài sang năm 2019 chính là chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của kênh bán hàng hiện đại, trong đó phần lớn nhờ vào việc mở rộng nhanh chóng hệ thống điểm bán mới, đặc biệt là nhóm siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Theo dự đoán, năm 2019, kênh hiện đại sẽ tăng trưởng 2 con số, trong đó hai kênh thế mạnh và sự tiện lợi của siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi, sẽ gây ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng trên 20%. Phần này sẽ giúp “bù” cho nhóm siêu thị và đại siêu thị, sẽ ở mức không tăng trưởng.
Việc tăng trưởng của kênh siêu thị sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình của kênh bán lẻ truyền thống. Tại các thành phố lớn, kênh truyền thống sẽ chỉ tăng trưởng ở mức dưới 5%, dù các chỉ số lạc quan tiêu dùng và mức độ sẵn sàng chi dùng của người Việt Nam năm 2019 khả quan hơn các năm trước. Tăng trưởng của kênh truyền thống sẽ đến từ thị trường nông thôn. Xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2020.Để nắm cơ hội này, đòi hỏi doanh nghiệp bán lẻ phải chuẩn bị nhiều thứ để chinh phục thị trường nông thôn.
Tiếp tục bùng nổ thương mại điện tử
Sự tăng trưởng của e-commerce có vẻ như không bị ảnh hưởng gì của tình cảnh lỗ triền miên của các nhà bán lẻ như Shoppee, Lazada, Tiki… Năm 2019, sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng của số người mua hàng mới tham gia giao dịch trên e-commerce, cũng như sự tăng trưởng của giá trị giỏ hàng (theo ước tính người mua hàng online thường chấp nhận mua giá trị giỏ hàng gấp 2,5 – 3 lần so với mua ở các kênh offline). Cho dù mới chỉ chiếm khoảng 1,5% dung lượng thị trường, nhưng e-commerce sẽ là một kênh không thể bỏ qua của các doanh nghiệp, nhất là với mục tiêu xây dựng thương hiệu và tiếp cận người tiêu dùng trẻ.
Điểm đặc biệt tiếp theo của thị trường chính là social commerce (giao dịch mua bán qua các công cụ mạng xã hội như facebook, zalo…) Những mẫu rao hàng ngắn có ảnh hấp dẫn xuất hiện trên facebook rất nhẹ nhàng dễ chịu, và rất “kích thích” đặt hàng với những thao tác đơn giản: gõ mấy dòng đặt mua, chuyển tiền qua mạng, ngay sau đó sẽ nhận được hàng “ship” tận nhà. Hoặc là khi giao hàng trả tiền luôn. Dù chưa có thống kê chính thức nào về dung lượng và tăng trưởng, nhưng thông qua các tính toán gián tiếp, có thể đưa ra dự báo đây là kênh tăng trưởng cao nhất trên thị trường, không dưới 30% tại TP.HCM và Hà Nội.
Phan Tường – Ninh Trần (theo TGTT)
—-
Bài 2: Doanh nghiệp cần chú ý gì cho chiến lược phân phối 2019?
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này