09:36 - 19/12/2018
Bình luận thị trường: Tết không còn là mùa kinh doanh… ngon ăn!
Nhiều người nghĩ, tết là mùa nhu cầu tăng vọt, bán cái gì cũng dễ. Nói vậy cũng đâu có sai, nhưng thực tế lại khác. Nếu hỏi dân bán hàng bây giờ bán hàng mùa tết dễ không, một trăm phần trăm sẽ nói không.
Mỗi năm trôi qua lại thấy “chua hơn nhiều”, thị trường lắm anh hào với bao nhiêu tinh tuý của công nghệ bán hàng đem ra so tài hết…
Ngày tết ngắn hơn…
Gặp người viết Bình luận thị trường bên lề một hội thảo gần đây, phó tổng giám đốc một trong những chuỗi siêu thị hàng đầu Việt Nam đã dùng từ “choáng váng” khi nhớ về tình hình kinh doanh tết năm trước. Số là trước tết sáu tháng, nhà bán lẻ này đã thuê hai công ty nghiên cứu thị trường để nghiên cứu và dự báo, từ đó đưa ra kế hoạch chuẩn bị tết để đón khách hàng sắm tết bùng nổ khoảng hai tuần trước tết. Vị phó tổng này chia sẻ, đến sát ngày “ông công ông táo”, mọi chỉ số về sức mua thị trường, từ số khách hàng ghé siêu thị đến giá trị giỏ hàng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường. Mọi việc chỉ khá hơn từ 23 tháng chạp, khiến cho mọi đầu tư và tính toán đều “trật nhịp”. Như vậy hành vi mua sắm ngày tết đã thay đổi. Chúng tôi đã thực hiện khảo cứu để góp phần làm rõ hơn xu hướng rất thú vị này. Kết hợp số liệu của một số nhà bán lẻ lớn, cũng như ý kiến phân tích của chuyên gia thị trường, đã thấy sự dịch chuyển từ năm 2015 đến nay khi xác định đâu là mốc của mùa cao điểm sắm tết (thời điểm sức mua tăng khoảng 20% so với bình thường).
Nếu như năm 2015, thị trường vẫn khá xông xênh với khoảng 22 ngày trước tết, năm 2016 lại giảm xuống còn 17 ngày, năm 2017 còn 12 ngày, đặc biệt năm 2018 chỉ còn vỏn vẹn 8 ngày. Mặc dầu số ngày giảm, nhưng giá trị giỏ hàng lại tăng mạnh và số lượng khách hàng mua lặp (trong bảy ngày, số lần đi mua từ hai lần trở lên) nhiều hơn, nên tổng giá trị bán ra vẫn tăng nhẹ so với năm trước đó. Đó là lý do mà các nhà bán lẻ phải chạy hết tốc lực, huy động toàn bộ hệ thống mới đáp ứng nổi.
Còn chợ truyền thống có thời gian mua sắm tết nhiều hơn, mười ngày, nhưng tết năm rồi, hầu hết các chợ lần đầu tiên chứng kiến giá trị giỏ hàng bình quân không tăng trưởng.
Chơi nhiều hơn ăn
Khách hàng giờ đã không còn chuẩn bị mua sắm như trước đây cho các nhu cầu của gia đình trong những ngày tết. 35% người được hỏi cho rằng, với họ, tết giờ đây nhu cầu cho ăn uống, tiêu dùng không khác gì ngày thường nên không có nhu cầu mua sắm quá nhiều, mua sớm như trước đây (ngoại trừ quà tặng và hàng may mặc). Hành vi mua sắm trữ hàng tại nhà, có thể để dùng qua tết cũng không còn như trước vì họ biết rằng, bất kỳ thời điểm nào cũng dễ dàng tìm được sản phẩm khuyến mãi tốt, thuận tiện mua sắm nên không cần thiết phải mua hàng rẻ để dành trong nhà.
Xu hướng “ăn tết” tối giản, đặc biệt là sự quan tâm đến sức khoẻ cũng góp phần quan trọng cho việc mua sắm tinh gọn hơn, nếu tính trên số lượng sản phẩm trên giỏ hàng. Điểm đáng chú ý là nhóm các mặt hàng cao cấp có sự tăng trưởng rất tốt, chứng tỏ khách hàng chịu chi dùng trong dịp tết để hướng đến các sản phẩm có thương hiệu, giá cao hơn. Điều mà ngày thường chưa hoặc ít mua.Đây là điểm các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp cần quan tâm để có giải pháp về sản phẩm và hoạt động chiêu thị mùa tết.
Ngược với xu hướng “ăn tết” tối giản, “chơi tết” chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng chi tiêu ngày tết của người dân. Qua ba năm, mức chi tiêu cho các hoạt động giải trí, du lịch ngày tết đã tăng khoảng 15 – 20% tuỳ khu vực nông thôn hoặc thành thị, trong đó chiếm phần lớn là các hoạt động ngoài nhà. Người tiêu dùng bây giờ thay vì mua sắm quá nhiều, sẵn sàng đầu tư cho làm đẹp bản thân, các hoạt động vui chơi giải trí cho gia đình… Dữ liệu từ một trong những doanh nghiệp kinh doanh bia hàng đầu Việt Nam chia sẻ với Bình luận thị trường đã chứng mình điều này. Trong tết vừa qua, lần đầu tiên lượng hàng tồn kho sau tết tại các siêu thị tăng cao, trong khi doanh số kênh nhà hàng, khách sạn lại tăng đột biến. Các gia đình thay vì mua và để nhiều bia trong tủ lạnh, những mùa tết sau này đã chuyển nhu cầu tiêu dùng ra bên ngoài nhiều hơn.
Đầu tư tiếp thị trực tuyến
Trước sự thay đổi này, doanh nghiệp phải thích ứng về kế hoạch phát triển các kênh bán hàng. Với các kênh bán hàng mới, cần đầu tư về đội ngũ bán hàng, kế hoạch bao phủ, chương trình khuyến mãi… Thực tế cho thấy nếu đợi đến mùa tết mới chuẩn bị, chắc chắn sẽ không kịp.
Một trong những điểm thay đổi rất đáng chú ý khác là kênh tương tác kỹ thuật số của người mua hàng trong dịp tết đã tăng đột biến, khoảng 70% so với ngày thường.Khách hàng sử dụng internet để tìm kiếm các thông tin liên quan đến hàng hoá, dịch vụ nhiều hơn.Điều này một lần nữa gợi ý hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp thị online mạnh mẽ, nếu muốn gia tăng mối quan tâm đến thương hiệu trong mùa tết. Chi phí dành cho tiếp thị số ngày tết rất “chua” khi tăng không dưới 20%, tuy nhiên vẫn đáng đầu tư trong xu hướng cạnh tranh bên cạnh thách thức về chi phí, cần chú ý đến chất lượng nội dung.
Tết năm 2019 chắc chắn sẽ tiếp tục ngắn và thách thức hơn nhiều. Do vậy, chiến lược thị trường của doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh, chọn đúng điểm rơi để đầu tư vào các kênh bán hàng.
Phan Tuệ (theo TGTT)
————-
Kỳ tới: Người bán lẻ thay đổi ra sao
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này