08:53 - 25/07/2019
Ăn vặt thành xu hướng ẩm thực toàn cầu
Tận dụng tài nguyên bản địa, chế biến theo khẩu vị, công nghệ cao nhưng vẫn giữ sự khác biệt nổi trội của tính địa phương, và nương theo làn sóng nhập khẩu thực phẩm mạnh mẽ vào Trung Quốc, phải chăng đó là những tín hiệu quá tốt cho nông sản và thực phẩm Việt Nam chúng ta?
1/ Cuộc điều tra thị trường của Innova Market, một tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín, về xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống năm 2019, cho thấy: tất cả các loại thực phẩm, đồ uống đang ra sức đổi mới nhiều mặt, để đáp ứng xu hướng mạnh mẽ là phát triển các sản phẩm ăn vặt.
Có ba điều mới được nêu ra qua kết quả nghiên cứu, cho thấy đòi hỏi rất cao của người tiêu dùng: (1) Sản phẩm phải lành mạnh cho sức khoẻ; (2) Các loại snack đang phải định dạng lại, xuất hiện nhiều dạng thức mới về nguyên liệu, khẩu vị… (3) Ăn vặt không còn là sự tuỳ chọn bổ sung, mà đã và đang trở thành bữa ăn chính.
Nghiên cứu dẫn ra số liệu khá cụ thể: 63% người thuộc millennials (sinh ra từ 1980 đến đầu năm 2.000) đang thay thế bữa ăn chính bằng đồ ăn nhẹ, vì họ bận rộn. 50% người thuộc Gen X (sinh trong khoảng 1961 – 1981) có xu hướng cắt giảm tiêu thụ đồ ăn nhẹ loại ngọt, và 67% những người boomers đang thay đổi chế độ ăn uống để trở nên khoẻ mạnh hơn.
Thử lướt qua hai thị trường quan trọng của thế giới: Mỹ và Trung Quốc.
2/ Ở Mỹ, xu hướng ăn vặt thành bữa ăn chính đã xuất hiện và mạnh lên từ gần một thập niên qua. Ăn vặt đang nổi lên như một xu hướng lớn của người tiêu dùng, cũng như cơ hội cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm và đồ uống. Ăn vặt thể hiện một cách thức mới nổi về ăn uống và cách suy nghĩ về việc ăn uống.
Kể từ năm 2012, theo điều tra của tập đoàn Hartman, người Mỹ trưởng thành hiện đang tiêu thụ nhiều đồ ăn nhẹ hơn bữa ăn chính.
Có mấy kết luận:
– Tần suất ăn vặt hàng ngày của người dân Mỹ đang cao đáng ngạc nhiên và ngày càng tăng.
– Xu hướng ăn vặt đã hình thành hầu như suốt ba thập kỷ qua.
– Ước tính của tập đoàn Hartman rằng, ăn vặt chiếm 52% số lần ăn của người lớn, cao hơn nhiều so với ước tính 20% gần đây của cuộc khảo sát kiểm tra sức khoẻ và dinh dưỡng quốc gia (bộ Nông nghiệp Mỹ – USDA).
– Tần suất ăn vặt (số lượng đồ ăn nhẹ tiêu thụ mỗi ngày) đã tăng hơn gấp đôi, từ 1 – 2,2 đồ ăn nhẹ mỗi ngày.
3/ Ăn vặt cũng chiếm lĩnh thị trường ăn uống Trung Quốc.
Nghiên cứu mới hơn vừa do công ty phân phối hàng của Vinamit tại Trung Quốc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt khi tham dự hội chợ Sial Thượng Hải tháng 5/2019, cũng chỉ ra những năm 2018 về trước, kinh tế khá lên, nhu cầu tiêu dùng tăng, dẫn đến nâng cấp về thương mại, từ đó các kênh bán hàng của ngành thức ăn vặt phát triển chín muồi hơn, liên kết thành chuỗi, khâu điều vận và công nghệ sản xuất ngày càng tiến bộ; tiêu chuẩn hoá, công nghệ hoá về hệ thống quản lý sản xuất, cùng với tính dẻo dai của chuỗi cung ứng ngành thức ăn vặt, đã thúc đẩy ngành thực phẩm ăn vặt bước sang một định dạng mới.
Từ năm 2011 – 2017, lượng tiêu thụ thức ăn vặt nước này tăng trưởng toàn ngành trung bình năm đạt gần 6%. Năm 2018, đạt 17,49 triệu tấn, đến năm 2019, sản lượng tiêu thụ mong muốn là 18,26 triệu tấn. Theo căn cứ thống kê, quy mô thị trường thức ăn vặt tại Trung Quốc năm 2012 là 362,5 tỷ NDT, đến năm 2019 dự định đạt hơn 543,9 tỷ NDT. Được ưa thích nhất là các món nướng, hấp, rang. Trong đó các sản phẩm có vị phá lấu tăng trưởng nhanh nhất: dự báo trong năm năm, từ 2016 – 2020, tỷ lệ tăng trưởng của các loại sản phẩm vị phá lấu, các loại bánh snack, kẹp và mứt, bánh mì/bánh bông lan, các sản phẩm rang, và bánh tây lần lượt là: 24,1%, 21,2%, 14,4%, 13,4%, 12,5%, 12,4%.
Trên các kênh bán hàng: Hiện nay, tiệm bán thực phẩm và các siêu thị thực phẩm luôn là kênh bán hàng lớn nhất của ngành thực phẩm, đến năm 2020, quy mô thị trường sẽ đạt gần 600 tỷ NDT. Về tỷ lệ tăng trưởng thì quán quân lại là kênh bán hàng online, dự kiến, năm 2016 – 2020, quy mô thị trường của kênh này có thể đạt mức 164,6 tỷ NDT.
Đặc biệt, xu hướng phát triển hệ sinh thái của ngành thức ăn vặt ngày càng trở nên đậm nét.
Thống kê từ hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Mỹ ước tính, năm 2018 Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu thực phẩm lớn nhất toàn cầu (480 tỷ NDT).
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này