
09:58 - 29/03/2022
Mỹ là thị trường xuất khẩu nước mắm truyền thống lớn nhất của Việt Nam
Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm của Việt Nam năm 2021 ước tính đạt 28,2 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất và Đài Loan là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất – theo phân tích các dữ liệu tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).

Kim ngạch xuất khẩu nước mắm của Việt Nam đạt hơn 28 triệu USD trong năm 2021, với Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Thị trường Mỹ và các nước Tây Âu có xu hướng chọn các loại nước mắm có độ đạm cao, tức nước mắm truyền thống.Riêng thị trường Đông Âu lại thích các loại có độ đạm thấp, ít nặng mùi hơn – tức nước mắm công nghiệp hay nước chấm.
Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất của nước mắm Việt Nam với doanh số ước tính đạt 5,9 triệu USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch và có tỷ lệ tăng trưởng 42% so với năm 2020. Chỉ riêng doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị xuất khẩu hàng đầu đã chiếm hơn 40% thị trường này.Sản phẩm nước mắm xuất khẩu được ưa chuộng tại Mỹ phần lớn vẫn là loại nước mắm có hương vị truyền thống, có độ đạm cao nhưng không quá nặng mùi cá.
Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của nước mắm Việt Nam với doanh số đạt hơn 4 triệu USD trong năm ngoái, chiếm 14,1% tổng kim ngạch. Thị trường này đạt mức tăng trưởng cao thứ hai trong năm, xếp sau Đài Loan. Phần lớn nước mắm sau khi được nhập khẩu sẽ tiếp tục được sử dụng để làm phụ gia trong sản xuất các loại thực phẩm khác, bao gồm cả thực phẩm chức năng.
Giá trị xuất khẩu nước mắm vào thị trường Đài Loan đạt gần 3,1 triệu USD, chiếm khoảng 11% tổng giá trị xuất khẩu. Đây là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021 với tỷ lệ 86%. Các thị trường khác như Trung Quốc, Campuchia, Hong Kong và Hà Lan cũng có giá trị xuất khẩu nước mắm tăng trưởng tốt trong năm 2021, trung bình đến 30 – 40%. Thị trường châu Âu – nhất là các nước có đông người Việt như Nga, Pháp và Đức – nhập khoảng 2,2 triệu USD, chiếm 7,9 tổng kim ngạch và có tỷ lệ tăng trưởng 14%. Tuy đạt kim ngạch 2,7 triệu USD, nhưng quy mô của thị trường Thái Lan sụt giảm 24%.
Thị hiếu tiêu dùng
Về khía cạnh khẩu vị của người dùng quốc tế, phần lớn các sản phẩm nước mắm phù hợp và được sử dụng nhiều trong các món ăn châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Về sử dụng, các món ăn phương Đông có cách thức sử dụng các loại nước mắm đa dạng, dùng để chấm sống, pha chế hoặc sử dụng trong nấu ăn, ủ ướp thực phẩm.
Đối với các món ăn phương Tây, khả năng kết hợp và sử dụng các loại nước mắm trong các món ăn không thực sự đa dạng và phù hợp khẩu vị, dẫn đến việc chỉ số ít người tiêu dùng phương Tây chú ý đến các sản phẩm này. Nhìn chung, đa phần nước mắm được xuất khẩu vẫn hướng đến những người tiêu dùng gốc Việt và gốc Á.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của BSA nhận thấy có điểm khác biệt giữa các thị trường. Người dùng nước mắm tại các nước Đông Âu như Ba Lan, Ukraine, Slovakia, Cộng hòa Czech và cả tại Nga, có xu hướng ưa chuộng loại nước mắm có độ đạm thấp, mùi vị không nồng đậm và cũng không quá mặn, thường được gọi nước mắm công nghiệp hoặc là nước chấm, đối với các loại có độ dạm dưới 10gN/lít.
Bên cạnh đó, người dùng tại các nước Tây Âu như Pháp, Hà Lan và Đức có xu hướng ưa chuộng loại nước mắm tương tự như người dùng tại Mỹ, các loại nước mắm truyền thống có độ đạm cao, 25 -40gN/lít, với vị và mùi hương đậm đà hơn, như các loại nước mắm của các thương hiệu Thanh Hà, Hưng Thành và RedBoat.
Doanh nghiệp xuất khẩu
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm, theo dữ liệu chúng tôi thu thập được, Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm năm 2021 chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu. Nhìn chung, các doanh nghiệp này có mức tăng trưởng khá mạnh mẽ về doanh thu xuất khẩu, có doanh nghiệp tăng đến hơn 700% so với năm 2020. Về số lượng, chúng tôi ước tính có khoảng 320 doanh nghiệp và cá nhân tham gia thị trường xuất khẩu nước mắm trong năm 2021, vượt trội hơn 30% so với số lượng các doanh nghiệp và cá nhân tham gia trong năm 2020.
Mặt khác, Top 5 đối tác nhập khẩu nước mắm từ Việt Nam năm 2021 chiếm khoảng 40% tổng giá trị, ước tính có gần 700 đối tác nhập khẩu nước mắm từ Việt Nam, tương đối phân mảnh theo đánh giá của các chuyên gia BSA.
Nhận định và dự báo
Đối với dự báo tăng trưởng 2022, BSA kỳ vọng giá trị xuất khẩu của các sản phẩm nước mắm có thể giữ mức tăng trưởng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021 dựa vào tình hình thương mại quốc tế dần phục hồi trở lại sau các biến động của dịch Covid-19.
Tương tự như các mặt hàng xuất khẩu khác, giá cước vận chuyển đường biển và tình trạng khan hiếm container có thể là trở ngại lớn cho việc xuất khẩu nước mắm của Việt Nam.Hiện tại, đến 80 – 90% xuất khẩu sử dụng hình thức vận chuyển bằng đường biển. Trong năm 2021 có sự dịch chuyển nhẹ từ đường biển sang hình thức đường bộ. Tuy rằng giá trị thay đổi hình thức vận chuyển còn tương đối khiêm tốn, BSA nhận thấy sự thay đổi này sẽ còn tiếp tục trong năm 2022 khi tình hình giá cước vận chuyển đường biển chưa thể trở lại ổn định trong 3 – 6 tháng sắp tới.
Các hãng vận tải biển lớn như Maersk (Đan Mạch) và CMA CGM (Pháp) đã tiến hành mua đội máy bay chở hàng riêng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng có các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm có thể cân nhắc thay đổi hình thức vận chuyển, giảm thiểu tác động tiêu cực của giá cước vận chuyển đường biển lên chuỗi cung ứng của mặt hàng.
Quang Hiền – Phương Anh* (theo TGHN)
————
(*) Ban nghiên cứu thị trường – Kinh doanh BSA.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này