15:32 - 27/11/2023
Thị trường 24/7: Vàng nhẫn tăng giá kỷ lục; Ô tô nhập về Việt Nam bất ngờ tăng gần 30%
Travel Off Path nêu 4 lý do Việt Nam là điểm đến của dân ‘du mục kỹ thuật số’: Travel Off Path, chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ mới đây đã có bài viết nêu 4 lý do Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến được yêu thích của những tín đồ “du mục kỹ thuật số”.
Theo Travel Off Path, nhờ vị trí địa lý và địa hình đa dạng, nhiều điểm tham quan hấp dẫn cùng nền văn hóa phong phú, châu Á luôn là điểm đến yêu thích của những du khách “du mục kỹ thuật số” mong muốn khám phá những kỳ quan ấn tượng nhất của thế giới trong khi chi phí sinh hoạt ở mức phải chăng. Với Việt Nam, chuyên trang này nêu ra 4 lý do khiến tín đồ “du mục kỹ thuật số” ngày càng yêu thích đó là: Chính sách Visa mới thuận lợi; Vô vàn điều thú vị để khám phá; Chi phí sinh hoạt phù hợp; Bầu không khí và môi trường sống thân thiện.
“Du mục kỹ thuật số” (Digital Nomad) là thuật ngữ để chỉ những người không làm việc tại một nơi cố định. Họ thường xuyên di chuyển, du lịch tự do trong khi làm việc từ xa bằng công nghệ và Internet.
Tôm hùm xanh vẫn được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc: Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10, XK thủy sản của Việt Nam đạt 7,43 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo nhóm sản phẩm chính, XK tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, cá ngừ, mực bạch tuộc, cua, ghẹ đều giảm so với năm 2022.
Tuy nhiên, phân tích theo từng loài, có thể nhận thấy xu hướng tích cực của nhiều mặt hàng thủy sản trong năm nay. Cụ thể, trong khi XK tôm chân trắng, giảm 24%, tôm sú giảm 22%, thì XK tôm hùm xanh tăng trưởng 21% với 103 triệu USD, chủ yếu được xuất sang Trung Quốc. Sản phẩm này vẫn đang có nhu cầu lớn tại Trung Quốc, nhất là vào dịp cuối năm, phục vụ cho phân khúc nhà hàng, khách sạn đang hồi phục mạnh tại nước này.
VASEP nhận định, hết năm 2023, XK thủy sản có thể về đích với con số khoảng 9 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2022.
Ô tô nhập về Việt Nam bất ngờ tăng gần 30%: Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 10/2023, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam bất ngờ tăng gần 30% so với tháng trước, tương ứng tăng gần 2.200 chiếc.
Trong tháng 10/2023, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 4 thị trường chính. Theo đó, nhập khẩu từ Thái Lan với 4.580 chiếc; nhập từ Indonesia với 3.191 chiếc; nhập từ Trung Quốc với 796 chiếc và nhập từ Nhật Bản với 522 chiếc.
Tính chung lũy kế 10 tháng năm 2023, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam là 103.778 chiếc, giảm 19,4% và trị giá là 2,46 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống là 84.047 chiếc, giảm 20% và ô tô vận tải là 13.101 chiếc, giảm 12,2%.
Vàng nhẫn tăng giá cao chưa từng thấy: Lúc 8 giờ 45 ngày 27/11, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 71,4 triệu đồng/lượng, bán ra 72,3 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng lập đỉnh mới, lên 60,5 triệu đồng/lượng mua vào, 61,6 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 250.000 đồng/lượng so với hôm qua. Như vậy, sau một ngày chững lại, giá vàng sáng nay tiếp tục tăng mạnh lên mốc chưa từng có đối với vàng nhẫn, vàng trang sức.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay cũng tăng tiếp khi bỏ xa vùng 2.000 USD/ounce. Lúc 8 giờ 45, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.012 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với cuối tuần trước. Đây là mốc cao nhất của giá vàng kể từ tháng 5 đến nay, và đang hướng đến mốc cao tiếp theo. Giới phân tích dự báo giá vàng có thể tăng tiếp trong những ngày tới trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể dừng tăng lãi suất và bắt đầu xu hướng giảm lãi suất từ giữa năm sau.
Tiền gửi của người dân vào ngân hàng lập kỷ lục mới: Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 9, người dân “gửi ròng” thêm vào hệ thống hơn 15.900 tỷ đồng. Mức tăng theo tháng này cao hơn so với cùng kỳ 3 năm trước, nhưng thấp hơn trước dịch Covid-19. Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.
Tiền gửi của dân cư chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, sau cuộc đua nâng lãi suất lên cao của các nhà băng. Cuộc chạy đua giai đoạn này đẩy lãi suất huy động nhích dần từng ngày, có thời điểm vượt 10% một năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao, thường có kỳ hạn một năm trở lên, theo đó sẽ dần đáo hạn từ tháng 10 năm nay đến đầu năm 2024.
Trong khi đó, lãi suất huy động với các khoản tiền gửi mới hiện xuống thấp kỷ lục, về dưới 6% một năm. Tuy nhiên, dòng tiền của người dân theo đánh giá của các lãnh đạo nhà băng và chuyên gia, sẽ chưa dịch chuyển ồ ạt sang các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán… sau loạt biến động vừa qua.
Việt Nam thăng hạng trong Chỉ số Tương lai xanh 2023: So với năm 2022, Việt Nam đã có sự thăng hạng trong Chỉ số Tương lai xanh 2023 của MIT Technology Review khi từ vị trí 56 vươn lên vị trí 53.
Chỉ số Tương lai Xanh 2023 vừa được MIT Technology Review công bố là bảng xếp hạng so sánh 76 quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng phát triển một tương lai bền vững, ít carbon. Chỉ số này đo lường mức độ hướng tới năng lượng sạch, công nghiệp, nông nghiệp và xã hội xanh của các nền kinh tế thông qua hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, đổi mới và chính sách xanh.
Theo đó, Việt Nam xếp vị trí thứ 53 trong Chỉ số Tương lai Xanh 2023, còn nếu tính ở khu vực ASEAN thì Việt Nam xếp vị trí thứ 4 sau Singapore, Philippines và Indonesia. So với năm 2022, Việt Nam đã tăng 3 bậc từ vị trí 56.
Khách du lịch Trung Quốc tới Thái Lan thấp hơn nhiều so với dự kiến: Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình miễn thị thực để thu hút khách du lịch Trung Quốc, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết lượng khách từ Trung Quốc tới “xứ sở Chùa Vàng” trong năm nay dự kiến chỉ khoảng 3,4-3,5 triệu lượt, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5 triệu lượt mà cơ quan này kỳ vọng hồi đầu năm.
Ông Chattan Kunjara na Ayudhya, Phó thống đốc TAT phụ trách tiếp thị quốc tế ở châu Á và Nam Thái Bình Dương, cho rằng nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc có thể là lý do khiến người dân ngần ngại chi tiêu du lịch. Bên cạnh đó, ông cũng nói rằng vụ xả súng ở trung tâm thương mại gần đây ở Bangkok cũng ảnh hưởng đến niềm tin của khách du lịch.
Chính phủ Thái Lan đang nhắm đến mục tiêu đón 28 triệu lượt khách quốc tế so với kỷ lục trước đại dịch là gần 40 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2019. Ông Chattan cho biết tổng lượng khách du lịch nước ngoài kể từ đầu năm tới thời điểm này đạt khoảng 23,88 triệu lượt.
Các công ty xây dựng nhà ở Nhật Bản thâm nhập thị trường Đông Nam Á: Theo Nikkei Asia, công ty Sumitomo Forestry chuyên xây dựng những “ngôi nhà thân thiện” với môi trường của Nhật Bản đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á, nhằm thâm nhập thị trường đang bùng nổ về dân số.
Sumitomo Forestry đã chuyển trọng tâm từ thị trường Mỹ sang Đông Nam Á với kế hoạch xây dựng 7.000 đơn vị nhà ở tại khu vực trong vòng 5 năm, nâng tổng số đơn vị nhà ở được phát triển lên khoảng 10.000, gấp 3 số lượng đã bán cho đến nay.
Không chỉ Sumitomo, các công ty nhà ở Nhật Bản khác cũng đang tăng cường tập trung vào Đông Nam Á. Khu vực này dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong trung hạn và dài hạn. Theo thống kê của Liên hợp quốc, dân số khu vực này được dự báo sẽ tăng 12% từ tháng 1/2022 đến năm 2050, so với mức tăng trưởng 3% của Bắc Mỹ và mức giảm 7% của châu Âu.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này