
09:36 - 16/03/2023
Giành giựt nhân tài phát triển bền vững
Nhiều doanh nghiệp ở Hong Kong đang chạy đua tuyển dụng hàng ngàn chuyên viên về phát triển bền vững nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp Hong Kong và thế giới đang ráo riết săn lùng nhân tài trong lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Tình trạng thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực này đang cản trở tham vọng đưa xứ cảng thành một trung tâm tài chính xanh của toàn cầu.
Đó không chỉ là cái khó riêng của Hong Kong trong cơn lốc doanh nghiệp toàn cầu đang tìm mọi cách chèo kéo tài năng từ các tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ môi trường bằng các mức lương cao ngất. Cạnh tranh trong chiêu mộ anh tài ở các lĩnh vực phát triển xanh ngày càng gia tăng.
Lương cao vẫn khó tìm người
Dù đã chào mời mức lương cao và số lượng vị trí tuyển dụng tăng đột biến, nhưng nhiều doanh nghiệp ở Hong Kong vẫn khó chiêu mộ được đầy đủ đội ngũ trong lĩnh vực ESG. Tình trạng thiếu hụt nhân tài ở Hong Kong ngày càng trở nên gay gắt, buộc các hãng tăng lương để tuyển người.Những nhân sự có chuyên môn về phát triển bền vững có thể nhận được các mức lương cao ngất ngưỡng.
Theo hãng tuyển dụng Hays Hong Kong, mức lương hàng tháng có thể lên tới 70.000 HKD, tức khoảng 8.900 USD cho chức vụ quản lý chương trình ESG. Lương leo thang lên 150.000 HKD, khoảng 19.000 USD, cho chức danh giám đốc phát triển bền vững.
Làn sóng rời bỏ đặc khu của người nước ngoài và cư dân thành phố ngày càng gia tăng sau thời gian chịu nhiều áp lực của chính sách zero Covid và chính sách kềm chế của đại lục. Giờ đây, xứ cảng thơm đang đau đầu vì thiếu hụt nhân tài trầm trọng.
Albert Lee, đối tác dịch vụ bền vững và biến đổi khí hậu của Hong Kong và Macau tại hãng kiểm toán EY, cho biết rất nhiều tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng tín dụng cùng các công ty lớn muốn có nguồn lực nhân sự về ESG. Những nơi này có thể trả mức lương rất cao để thu hút nhân tài, nhưng không có nhiều người sẵn sàng chuyển đến Hong Kong trong vài năm qua. Bên cạnh đó, Hong Kong còn chịu tác động của làn sóng di dân của người địa phương.“Chúng tôi có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài năng nghiêm trọng hơn so với các nước khác trong khu vực”, Lee nói.
Luanne Lim, Giám đốc điều hành chi nhánh của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong, nói rằng cuộc cạnh tranh tuyển dụng nhân sự về bền vững đang rất nóng. Theo trang JobsDB, vào năm ngoái, các tin tuyển dụng nhân sự ESG ở Hong Kong tăng hơn 600% so với năm 2020.
CEO Mark Tibbatts của hãng tuyển dụng Michael Page Hong Kong, cho biết tình trạng khan hiếm tài năng đặt ra những thách thức mới cho các nhà tuyển dụng vì những nhân sự có chuyên môn cao có rất nhiều lựa chọn.
Tham vọng trung tầm tài chính xanh
Chính phủ Trung Quốc ủng hộ Hong Kong trong nỗ lực trở thành một trung tâm phát triển bền vững và tài chính xanh. Năm ngoái, Hong Kong lần đầu tiên phát hành trái phiếu xanh trị 20 tỷ HKD (2,5 tỷ USD) cho các nhà đầu tư cá nhân. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án tái chế tài nguyên và xây dựng các tòa nhà thân thiện với môi trường.
Năm nay, Hong Kong đã phát hành trái phiếu xanh trị giá 5,75 tỷ USD. Đây là đợt phát hành trái phiếu ESG lớn nhất ở châu Á. Trong tháng này, chính quyền Hong Kong đã phát hành 800 triệu HKD trái phiếu xanh dưới dạng mã thông báo kỹ thuật số. Đây là lần đầu tiên loại hình trái phiếu này được phát hành trên thế giới.
Cuộc cạnh tranh tuyển dụng tài năng ESG ở Hong Kong trở nên khốc liệt.Khoảng 2.600 công ty niêm yết ở đây được yêu cầu phát hành báo cáo bền vững và kế hoạch hành động cho các mục tiêu ESG. Ee Sin Tan, đối tác dịch vụ bền vững và biến đổi khí hậu của hãng EY tại Hong Kong và Macau, ghi nhận các yêu cầu về bền vững đã thực sự trở thành chiến lược của các doanh nghiệp. Nếu không có đủ tài năng ESG, doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện tất cả các kế hoạch kinh doanh bền vững.
EY đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ tăng gấp ba nhân sự ở đơn vị bền vững. Hãng kiểm toán này có 3.000 nhân viên về bền vững trên toàn cầu, bao gồm 70 nhân viên ở Hong Kong.Hãng kế hoạch mở loạt đợt tuyển dụng nhân sự ESG ở Hong Kong trong năm nay. Các hãng kiểm toán khác cũng đang tìm cách bổ sung đội ngũ nhân sự về bền vững. “Hầu hết nhân sự ESG được tuyển dụng tại địa phương nhưng chúng tôi cũng đang tìm kiếm nhân viên ESG biệt phái từ nước ngoài”, theo Loretta Fong, lãnh đạo dịch vụ ESG của chi nhánh của hãng kiểm toán PwC tại Hong Kong. Các chương trình đào tạo về ESG nở rộ ở Hong Kong.Bắt đầu từ năm 2022, Đại học Khoa học và công nghệ Hong Kong bắt đầu mở chương trình đào về tài chính bền vững.
Cạnh tranh trên toàn cầu
“Chúng tôi đã mất người vào tay các ngân hàng bởi họ đã đưa ra những mức lương thật điên rồ”, theo Mark Campanale, người sáng lập tổ chức tư vấn Sáng kiến theo dõi carbon (CTI), có trụ sở tại London. CTI là hãng chuyên nghiên cứu về tác động của quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh với thị trường vốn.
Campanale cho biết ít nhất 10 % trong số 50 nhân viên của công ty ông đã chuyển sang làm việc ở ngân hàng hoặc các hãng quản lý quỹ trong 12 tháng qua. Một số họ nhận được mức lương “cao tới sáu con số”, đặc biệt có một người được trả lương 400.000 bảng Anh mỗi năm.
ShareAction – một tổ chức phi lợi nhuận ở London – cũng chứng kiến tình trạng mất người khi nhân viên chuyển sang làm việc cho các ngân hàng. Tổ chức phi lợi nhuận này chuyên vận động các công ty tài chính sử dụng sức mạnh của mình làm áp lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.CEO Catherine Howarth cho rằng tình hình sắp tới có thể sẽ tệ hơn. “Tình hình nhân viên nhảy việc hiện như nước nhỏ giọt đều đặn, nhưng tôi e rằng sắp tới sẽ là dòng lũ”, bà nói.
Đó cũng không phải câu chuyện riêng của nước Anh và châu Âu. Tại Mỹ, năm 2021, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock đã tuyển dụng một chuyên gia khoa học khí hậu từ Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và giám đốc chiến lược từ Viện Rocky Mountain, một tổ chức phi lợi nhuận về năng lượng sạch. Cả CTI lẫn ShareAction từ lâu đã tuyển dụng các lãnh đạo cấp cao trong ngành tài chính muốn đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường. CTI đã chiêu mộ hai cựu giám đốc nghiên cứu từ các ngân hàng toàn cầu, nhưng Campanale lo ngại họ có thể là những người cuối cùng từ ngành tài chính chuyển sang làm việc cho các tổ chức bảo vệ môi trường.
Xu hướng các nhà vận động khí hậu gia nhập lĩnh vực tài chính đang mạnh hơn.Điều dễ nhận thấy là khi biến đổi khí hậu trở thành mối quan tâm cấp bách hơn, thị trường việc làm dành cho những người hiểu biết về khí thải carbon trở nên sôi động. Theo dữ liệu từ mạng LinkedIn, giám đốc phát triển bền vững là chức danh việc làm tăng trưởng nhanh thứ hai ở Anh. Người đảm nhiệm vị trí này có nhiệm vụ thu thập và phân tích dữ liệu về tác động môi trường của một dự án hoặc doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các chiến lược bền vững hiệu quả. Và trên toàn cầu, nhu cầu đối với các tài năng và kỹ năng trong nền kinh tế xanh đã vượt xa nguồn cung.
Nhu cầu nhân tài trong lĩnh vực khí hậu của ngành tài chính đang tăng nhanh do các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường.Bên cạnh đó, ngành còn đáp ứng hàng loạt các quy định quản lý mới chống lại vấn đề tẩy rửa xanh (green washing, đội lốt các tiêu chuẩn xanh để vay lãi suất thấp) và rủi ro khí hậu.
Xuân Hỷ (theo TGHN/Nikkei Asia&FT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này