
09:53 - 05/12/2017
Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng đột biến
Theo báo cáo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố, tín dụng tiêu dùng tiếp tục có tốc độ tăng trưởng đột biến, cũng như tăng trưởng tín dụng nói chung được đẩy nhanh trong tháng 11 vừa qua.

Riêng 10 tháng đầu năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm 12,2% trong tổng số hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ của TP.HCM, tức tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng.
Theo Báo cáo, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.
Số liệu từ ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố tăng mạnh trong những năm gần đây. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm 12,2% trong tổng số hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ của TP.HCM, tức tương đương khoảng 250.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Minh, trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là trong giai đoạn từ 2012 – 2016, bình quân dư nợ tín dụng tiêu dùng của TP.HCM tăng từ 20 – 22% mỗi năm.Đặc biệt, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính cũng rất quan tâm và đẩy mạnh hoạt động cho vay lĩnh vực này khi ngân hàng mua lại công ty tài chính trong và ngoài nước.
Trên thực tế nhiều lần Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo, thận trọng rủi ro tín dụng bất động sản khi dư nợ tín dụng tiêu dùng chủ yếu vào nhà, đất. Chính điều này khiến nhiều người lo ngại đển rủi ro nợ xấu gia tăng trong tín dụng tiêu dùng, nhất là khi dư nợ tăng cao.
Vì thế, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trong phiên trả lời chất vấn vừa qua cho biết, công tác thanh tra tài chính tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng sẽ được NHNN tăng cường trong thời gian tới để đảm bảo hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng minh bạch, đúng pháp luật.
Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước về tiêu dùng, trong chương trình đề án của Chính phủ về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, NHNN đã có nhóm giải pháp riêng để cơ cấu lại các công ty tài chính trong đó có hoạt động tài chính tiêu dùng.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, về tín dụng cho nền kinh tế, tín dụng được đẩy nhanh hơn trong tháng 11/2017. Ước tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm, (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn. Tín dụng trung và dài hạn ước tăng 12,7% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,9%), chiếm 53,8% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước tăng 18,6% (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,2%), ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng lên 48,7% (cuối năm 2016 là 44,9%).
Tín dụng ngoại tệ tăng chậm lại trong tháng 11 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 5,8%). Tín dụng bằng VND ước tăng 15,6% (cùng kỳ 2016 tăng 16,6%). Tín dụng bằng VND chiếm khoảng 91,8%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,2% tổng tín dụng.
Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 8,1%. Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 15,5% (năm 2016 từ 17,1%). Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7,0%), vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%)…
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này