17:21 - 24/11/2017
‘Núi nợ’ của Trung Quốc có thể tăng rủi ro khủng hoảng tài chính
“Núi nợ” của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng vọt trong vòng 5 năm tới, làm gia tăng rủi ro khủng hoảng tài chính đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các chuyên gia kinh tế của Bloomberg, Fielding Chen và Tom Orlik, ước tính tổng nợ của Trung Quốc sẽ đạt 327% GDP vào năm 2022, tăng gấp đôi so với mức nợ năm 2008. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc trở thành một trong những “con nợ” lớn nhất nhất thế giới.
“Sự tăng trưởng quá nóng và mức nợ cao của Trung Quốc đã khiến cho quốc gia này đang đứng bên bờ vực của cuộc khủng hoảng tài chính”, ông Chen và ông Orlik cho biết trong một báo cáo công bố ngày 21/11.
Dự báo của Bloomberg về mức nợ trong tương lai của Trung Quốc dựa trên mô hình mới, lấy giả định sự suy giảm tốc độ tăng trưởng vừa phải, tiếp tục tái cân bằng cấu trúc nền kinh tế hướng tới dịch vụ, ổn định trong tăng trưởng tín dụng và loại bỏ các khoản nợ xấu khổng lồ.
“Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 6,7% năm 2016 xuống 5,8% trong năm 2022”, các chuyên gia của Bloomberg cho biết và nhấn mạnh, tăng trưởng danh nghĩa, có liên quan nhiều hơn đến việc tính tỷ số nợ/GDP, dự kiến sẽ giảm từ 8% năm 2016 xuống còn 7,9% vào năm 2022.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm cắt giảm gánh nặng nợ đã có một số tín hiệu tích cực sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua. Theo đó, trọng tâm của nỗ lực xử lý nợ của Trung Quốc là nhằm loại bỏ hệ thống “ngân hàng ngầm” thông qua việc thắt chặt các quy định của pháp luật về quản lý tài sản tài chính.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã ủng hộ nỗ lực cắt giảm nợ nhằm đẩy lùi rủi ro của hệ thống tài chính của Trung Quốc. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên cũng đã lên tiếng cảnh báo rủi ro về nợ doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đang ở mức quá cao, có nguy cơ gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc gia.
Các hình thức vay mượn phổ biến nhất của “ngân hàng ngầm” bao gồm các thỏa thuận vay vốn ủy thác, các khoản vay tín chấp, và các khoản cho vay có đảm bảo.
Tài chính ngầm được xem là một trong những thủ phạm gây ra tăng giá bất động sản của Trung Quốc trong thời gian qua và các cơ quan quản lý Trung Quốc đã cấm cho cá nhân vay mua đất.
Sau khi kiểm soát được sự bùng nổ các loại tín dụng mới, giờ đây PBoC chuyển hướng sang vai trò của người điều tiết và quản lý.
“Một mặt, PBoC không muốn việc cắt giảm nợ quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế”, ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của ANZ cho biết và cảnh báo, nếu PBoC không tiếp tục tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tín dụng ngầm, có thể sẽ gây ra tình trạng “bong bóng” tài sản tài chính.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này