11:25 - 20/10/2017
Chính sách kiểm soát vốn của Trung Quốc: nguồn lực tài chính vào đâu?
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc” đang là tâm điểm của quốc tế hiện nay, không chỉ trong công luận mà còn trong giới học thuật. Trong khi một số học giả cho rằng Trung Quốc đang thách thức “trật tự tự do” của phương Tây, một số học giả khác lại không tin quốc gia này có khả năng gây ra tác động mang tính hệ thống.
Chủ nghĩa tư bản phiên bản Trung Quốc
Việc Trung Quốc sẽ trở thành thách thức đối với trật tự tân tự do của phương Tây do Hoa Kỳ đứng đầu, hay sẽ gia nhập trật tự này cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bởi vậy, ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc trong tương lai thường được đánh giá dựa trên những góc nhìn về tư tưởng và tham vọng chính trị.
Bài viết này nhằm đánh giá liệu Trung Quốc có gia tăng thách thức ý thức hệ đối với trật tự thế giới hiện tại, hay không thông qua việc phân tích diễn tiến các chính sách kiểm soát vốn và nền tảng các chính sách kiểm soát sự lưu chuyển dòng vốn tự do của Trung Quốc.
Với đặc điểm chính trị – xã hội mang màu sắc riêng, chính quyền Trung Quốc can thiệp mạnh mẽ và duy trì mức kiểm soát nhất định đối với nền kinh tế. Trong tác phẩm nghiên cứu kinh tế, Van der Pijl đã viết: “Trung Quốc hiện nay nắm quyền quyết định ưu tiên phát triển và có thể đẩy mạnh hoặc kìm hãm tốc độ kinh tế. Sự xuất hiện của khái niệm “cơ chế thị trường” không hề phủ định luận điểm này”.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nhà nước đối tác xảy ra đồng thời và chịu ảnh hưởng của giai đoạn lịch sử của chủ nghĩa tân tự do và bối cảnh sự phát triển tư bản toàn cầu. Trung Quốc đã lựa chọn hợp tác thay vì “chống lại” tiến trình này bằng cách hòa mình vào nền kinh tế tư bản toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, có thể nói rằng về tầm quan trọng của vốn công nghiệp nước ngoài, Trung Quốc có sự khác biệt về chất so với các nước phát triển trước cũng như các quốc gia đi sau. Trên thực tế, Trung Quốc đã phụ thuộc vào vốn và thị trường nước ngoài với dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Bất chấp vai trò của FDI, Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngắn hạn trong nhiều thập niên qua.
Nói cách khác, dù tư bản công nghiệp có vai trò lớn trong phát triển kinh tế Trung Quốc nhưng tư bản tài chính hầu hết bị kìm hãm bởi sự kiểm soát này. Dù Trung Quốc đã đạt được sự chuyển đổi tự do của tài khoản vãng lai từ năm 1996, nhưng tài khoản vốn vẫn bị giới hạn khá nhiều.
Sự kiểm soát của Trung Quốc có thể chia thành kiểm soát dòng vốn vào và dòng vốn ra. Thứ nhất, kiểm soát vốn giới hạn sự thâm nhập của vốn tài chính nước ngoài. Dù Trung Quốc đang thực hiện dần tự do hóa kể từ năm 1981, nhưng ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn quay lưng với sự tham gia của ngân hàng ngoại.
Mặc dù việc gia nhập WTO của Trung Quốc đòi hỏi phải mang lại nhiều cơ hội hơn cho các ngân hàng ngoại thâm nhập vào Trung Quốc, nhưng sự hạn chế thành phần nước ngoài tham gia ngành dịch vụ tài chính của Trung Quốc vẫn còn rất đáng kể.
Một định chế nước ngoài chỉ có thể sở hữu nhiều nhất 20% vốn của một ngân hàng Trung Quốc, và tổng sở hữu nước ngoài trong một ngân hàng Trung Quốc không được vượt quá 25%. Đến cuối năm 2007 đã có 193 ngân hàng ngoại gia nhập ngành dịch vụ tài chính Trung Quốc, nhưng những ngân hàng này lại chiếm thị phần rất nhỏ, và cũng chỉ chiếm 2,4% trên tổng tài sản của hệ thống.
Kìm hãm thị trường vốn
Giới chức trách Trung Quốc cũng giới hạn sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Tại thị trường cổ phiếu – thị trường trao đổi quan trọng bậc nhất, các nhà đầu tư nước ngoài mới được tham gia từ năm 2002 qua chương trình Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (QFII).
Đến cuối năm 2007, hạn mức cho chương trình này chỉ gần 10 tỷ USD, tương đương 3% so với vốn hóa của toàn thị trường cổ phiếu. Ngoài ra, một nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể nắm giữ tối đa 10% vốn của một công ty niêm yết, và sở hữu nước ngoài của một công ty niêm yết không được vượt quá 20% vốn. Trong thị trường trái phiếu, những nhà đầu tư nước ngoài còn bị giới hạn nhiều hơn. Thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc – thị trường thống trị thị trường trái phiếu, cho đến năm 2010 vẫn đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài.
Hậu quả sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và vai trò bị giới hạn của danh mục đầu tư nước ngoài đã hình thành một thị trường vốn khá nhỏ so với GDP, đặc biệt so với các nước công nghiệp khác. Thí dụ, năm 2003 thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm dưới 1% GDP, so với con số này tại Hoa Kỳ 140%, tại EU 85%. Vốn hóa thị trường cổ phiếu trung bình từ năm 1998 đến 2007 là 45,6% GDP tại Trung Quốc, so với con số này tại Nhật Bản 79,1% và tại Hoa Kỳ 140,4%.
Cũng do thị trường vốn khá nhỏ nên các khoản vay ngân hàng chiếm tới 70-90% các giao dịch trung gian tài chính. Hơn nữa, các ngân hàng nhà nước nắm phần lớn thị phần (khoảng 80%) về các khoản cho vay và tiền gửi, khiến hệ thống ngân hàng quốc doanh trở thành cuộc chơi duy nhất của bên đi vay và bên cho vay tại Trung Quốc.
Hình thức kiểm soát vốn thứ hai là các chính sách kiểm soát dòng vốn ra. Dòng vốn tài chính đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thậm chí còn bị kiểm soát nhiều hơn dòng vốn đầu tư vào trong nước. Chương trình QDII mới được ban hành, cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư một phần khoản tiết kiệm của họ vào thị trường tài chính nước ngoài. Đến cuối năm 2007, hạn mức cho phép của chương trình này là 42,17 tỷ USD, chỉ chiếm 2,1% tổng tiết kiệm của người dân Trung Quốc.
Bên cạnh chương trình QDII, giới hạn mua sắm hàng năm của người dân Trung Quốc tại thị trường ngoại hối là 20.000USD. Kiểm soát dòng vốn ra và dòng vốn vào thậm chí còn được hỗ trợ thông qua giới hạn chuyển đổi tiền tệ. Trước giai đoạn khủng hoảng 2007, đồng Nhân dân tệ (NDT) chỉ có thể chuyển sang các ngoại tệ khác nếu có mục đích đặc biệt.
Tại sao Trung Quốc vẫn giữ sự kiểm soát chặt chẽ dòng vốn trong bối cảnh việc tự do hóa tài khoản vốn đã trở thành chuẩn mực được chấp nhận trên toàn thế giới? Một nguyên nhân quan trọng của việc kiểm soát vốn cốt lõi là để giữ vững mô hình tích lũy hiện tại. Mô hình này tạo ra những lực lượng xã hội, theo lý thuyết sẽ tạo nên một khối liên kết lịch sử, hưởng lợi từ việc kiểm soát vốn, vì 2 lý do.
Thứ nhất, việc tự do hóa tài khoản vốn có thể dẫn đến những dòng vốn mang tính đầu cơ nhiều hơn, điều này có thể làm cho tỷ giá trở nên bất ổn và khó kiểm soát. Mức tỷ giá ổn định (theo nhiều ý kiến là được định giá thấp), cùng với mức lương thấp, là nhân tố chính tạo lợi nhuận to lớn cho khu vực xuất khẩu của Trung Quốc.
Thứ hai, sự áp đặt của chính sách kiểm soát vốn rất quan trọng trong việc tài trợ đầu tư của các ngân hàng quốc doanh, bởi nó đồng nghĩa với việc dân chúng có rất ít lựa chọn ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng.
Ưu đãi quốc doanh và lợi ích nhóm
Kiểm soát dòng vốn đầu tư ra ngoài nước ngăn cản một lượng tiền tiết kiệm lớn trong một bộ phận dân chúng Trung Quốc muốn tìm kiếm các khoản lời lớn hơn từ việc đầu tư ra nước ngoài. Thêm nữa, việc không có một thị trường cổ phiếu và trái phiếu đủ sâu và thanh khoản cao, đồng nghĩa với việc có quá ít lựa chọn khác thay vì gửi các khoản tiết kiệm vào ngân hàng.
Cuối cùng, thị phần quá nhỏ của các ngân hàng nước ngoài khiến người dân tin rằng giải pháp an toàn nhất là gửi tiết kiệm vào các ngân hàng nội địa. Kết quả là, các ngân hàng quốc doanh nắm trong tay một lượng tiền gửi giá rẻ và dồi dào, từ đó cung cấp cho các công ty công nghiệp nhà nước những khoản vay giá rẻ. Tài khoản vốn mở hơn có thể gây nguy hại đến các ngân hàng quốc doanh, bởi thế nó cũng đe dọa tới các khoản vay giá rẻ được sử dụng để tài trợ cho những khoản đầu tư của các công ty nhà nước.
Các công ty này nắm vai trò quan trọng trong tỷ trọng đầu tư cao của Trung Quốc. Năm 2006, những công ty này chỉ chiếm 8% số lượng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng tạo ra 36% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp. Nếu các khoản đầu tư của các công ty này bị đe dọa bởi sự gia tăng chi phí vốn, mô hình tích lũy sẽ thay đổi đáng kể.
Mặt khác, giới lãnh đạo nắm giữ quyền chỉ huy nền kinh tế không muốn từ bỏ sự kiểm soát này, vì cho rằng có thể làm suy giảm vị thế của Trung Quốc. Trên thực tế, có một sự ngầm chống lại việc xóa bỏ các công cụ được sử dụng để duy trì ảnh hưởng của nhà nước lên nền kinh tế.
Điều này nhằm kiểm soát khả năng khủng hoảng và bất ổn do tác động của dòng vốn ngắn hạn. Việc tăng cường kiểm soát vốn còn là nhân tố cốt yếu để duy trì mô hình tích lũy khác biệt của Trung Quốc – một mô hình mang lại tỷ lệ tăng trưởng cao. Từ lâu, kiểm soát vốn đã được biết tới là công cụ cho phép một quốc gia đi chệch ra khỏi những chính sách kinh tế vĩ mô tân tự do, chính sách tổ chức và khu vực tài chính.
Sự kiểm soát vốn đã mang lại sự hỗ trợ quan trọng cho các giới hưởng lợi từ mô hình tích lũy của Trung Quốc như tư bản công nghiệp Trung Quốc (đặc biệt khu vực quốc doanh) và tư bản ngân hàng Trung Quốc. Khối liên kết lịch sử này hưởng lợi và làm trụ cột đối với cơ chế kiểm soát vốn tại Trung Quốc.
“Các chính sách kiểm soát vốn là nhân tố chính duy trì mô hình tích lũy của Trung Quốc. Những chính sách này phục vụ cho lợi ích của một số nhóm hưởng lợi từ mô hình này, có thể kể đến như tư bản công nghiệp trọng xuất khẩu, tư bản công nghiệp nội địa trong đầu tư và tư bản ngân hàng trong nước. Các ngân hàng quốc doanh không muốn trả khách hàng gửi tiền một mức lãi suất ngang bằng với thị trường. Những khách hàng vay vốn có quan hệ chính trị, thí dụ các công ty xây dựng quốc doanh, không muốn từ bỏ các khoản vay giá rẻ. Các nhà xuất khẩu có quan hệ chính trị với các cơ quan nhà nước địa phương không muốn từ bỏ lợi thế cạnh tranh đến từ tỷ giá. Những lực lượng chính trị đó tạo ra một liên minh không muốn cải tiến mô hình tích lũy hiện tại” – Mallaby và Wethington, Chuyên gia nghiên cứu.
Sacha Dierckx, (Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Ghent, Bỉ)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này