12:01 - 21/06/2018
FED tăng lãi suất, dòng vốn ngoại có đảo chiều?
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm thêm 0,25%, lên mức 1,75% – 2%/năm từ ngày 14/6, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối lượng lớn.
Vốn ra ít hơn vốn vào
Theo các chuyên gia tài chính, FED tăng lãi suất chỉ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong ngắn hạn nhưng sẽ không lớn. Thực tế trong tháng 5/2018, đón đầu việc FED tăng lãi suất, trên TTCK, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng, rút vốn mạnh khỏi TTCK qua nhiều phiên. Chỉ trong tháng 5/2018, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 5.332 tỷ đồng trên cả hai sàn. Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù khối ngoại bán ròng nhưng dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn đang nhiều hơn dòng ra và tiền vẫn đang nằm lại. Dòng vốn vào của nhà đầu tư ngoại vẫn vào đều trong các tháng, ngoại trừ tháng 2 rút ra nhẹ. Đặc biệt 2 tháng gần đây lượng vốn này vào khá mạnh, trong đó tháng 4 vào 615 triệu USD, tháng 5 vào 703 triệu USD. Theo đó, tổng vốn ngoại vào TTCK từ đầu năm đến nay là trên 2.400 tỷ đồng, khá cao so với hơn 2.900 tỷ đồng của cả năm 2017.
Ngoài đợt tăng lãi suất vừa qua – tăng lần thứ 7 kể từ năm 2015 – FED còn dự tính tăng thêm 2 lần nữa trong năm 2018, tức tăng tổng cộng 4 lần trong năm so với dự tính 3 lần trước đó, nên tốc độ tăng sẽ diễn ra nhanh hơn kỳ vọng của thị trường. Thực tế cho thấy, dòng vốn đã và đang bị rút ra khỏi thị trường mới nổi và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong đó có Việt Nam. Chính áp lực bán ròng từ khối ngoại đang là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK. Cụ thể, sau đợt bán ròng mạnh trong tuần trước hơn 3.200 tỷ đồng thì trong 2 phiên giao dịch đầu tuần ngày 19, 20/6, khối ngoại tiếp tục bán ròng tổng cộng gần 680 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó đáng lưu ý, với phiên bán ròng hơn 510 tỷ đồng trong ngày 19/6, VN-Index đã một lần nữa rơi khỏi mốc 1.000 điểm sau khi phục hồi mạnh từ cuối tháng 5. Chỉ tính riêng 2 phiên ngày 19 và 20/6, TTCK Việt Nam đã bốc hơi hơn 8,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, lực bán không chỉ đến từ quỹ mở ETFs mà nhiều quỹ đóng cũng đang bán khá mạnh trên TTCK Việt Nam.
Đà bán ròng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng cơ cấu rút vốn của khối ngoại. Về việc này, nhiều công ty chứng khoán nhìn nhận, mặc dù việc FED tăng lãi suất đã nằm trong dự báo nhưng tác động của đồng USD mạnh sẽ ngày càng rõ nét, đặc biệt là đối với TTCK mới nổi hoặc cận biên như Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ không có việc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ào ạt mà nó sẽ diễn ra một cách chậm rãi thông qua quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư. Đại diện Công ty Chứng khoán Vietinbank (CTS) nhận định, việc lo ngại dòng vốn ngoại rút ra khỏi TTCK Việt Nam ít có khả năng xảy ra, vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn được duy trì khá ổn định ở mức dưới 3% và tỷ trọng đầu tư vào thị trường Việt Nam của nhà đầu tư ngoại vẫn đang ở mức khá là thấp khi so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực như Indonesia và Malaysia. Hơn nữa, theo thống kê của CTS, hiện các quỹ ETF này vẫn đang tập trung nắm giữ một tỷ trọng rất lớn các mã cổ phiếu như HPG, VIC, VNM, MSN, VJC, MBB, SAB, MWG, FPT, VCB… nên khả năng dòng vốn ngoại rút ra là không cao.
Tỷ giá sẽ ổn định?
Sau 6 ngày liên tiếp tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng và một ngày giữ nguyên, trong ngày 20/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm tăng thêm 15 đồng/USD so với hôm trước, ở mức 22.617 đồng/USD. Trong buổi sáng cùng ngày, giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã chạm ngưỡng 22.900 đồng, tăng 15-20 đồng/USD. Ghi nhận giá USD trên thị trường tự do trong ngày 20/6 cho thấy, giá USD đã tăng lên 23.100 đồng/USD.
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho rằng, đợt tăng lãi suất này của FED phần nào đã được phản ảnh trên thị trường ngoại hối, khi USD-Index giảm 0,22% sau công bố của FED, trong khi đồng VND chỉ giảm nhẹ 0,02% so với USD. “Các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED có thể tiếp tục tạo áp lực lên VND, nhưng trong bối cảnh dòng vốn ngoại dồi dào, chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ tiếp tục duy trì ổn định. Dù đã trải qua 2 đợt tăng lãi suất của FED tính từ đầu năm, đồng VND chỉ trượt giá nhẹ gần 0,8% so với USD”- ông Barry Weisblatt nhận định.
Tương tự, lãnh đạo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng, việc mất giá đồng nội tệ tương tự một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia sẽ khó xảy ra ở Việt Nam hoặc chỉ ở mức độ nhẹ, chưa đáng lo ngại. Bởi lẽ, chu kỳ kinh tế của Việt Nam đang ở giai đoạn sớm của một chu kỳ hồi phục với lạm phát thấp, tỷ giá bình ổn, dòng vốn đầu tư nước ngoài được duy trì ổn định mà không bị rút ra quá nhiều. Việc rút ra của dòng vốn mang tính nhất thời và ngắn hạn. Riêng yếu tố khiến tỷ giá USD trong nước, đặc biệt trên thị trường tự do tăng mạnh thời gian qua là do cả yếu tố khách quan đồng USD thế giới lẫn yếu tố cung cầu ngoại tệ trong nước.
Lý giải tỷ giá USD tăng mạnh thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều NHTM tại TP.HCM cho rằng, sau khi FED tăng lãi suất, yếu tố tâm lý đã có tác động nhất định lên tỷ giá trong ngắn hạn cùng với xu hướng chung của toàn cầu. Riêng cung cầu USD tại ngân hàng không có dấu hiệu căng kéo. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết nguồn ngoại tệ dồi dào từ các DN xuất khẩu, du lịch và đặc biệt là kiều hối đã hỗ trợ rất nhiều cho cân đối cung cầu ngoại tệ của TP.HCM. Ông Minh cũng khẳng định hiện các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ chính đáng của DN. NHNN Việt Nam vẫn đang theo sát diễn biến tỷ giá trên thị trường; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ nếu thị trường cần. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tỷ giá USD/VND bình quân của các ngân hàng thương mại mới tăng 0,8% so với đầu năm nên không có gì đáng ngại. Tiền VND giảm giá vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN.
Theo Hạnh Nhung/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này