09:30 - 19/10/2016
Giám đốc nghỉ việc thế nào cho đúng
Giám đốc, cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH Một thành viên, nhân vật quyền lực nhất công ty, không muốn tiếp tục làm việc nữa.
Tuy nhiên, giám đốc này chỉ là người làm thuê, và người chủ thật sự của công ty lại không muốn duyệt lá đơn. Tình huống pháp lý này cũng khá khó xử cho người trong cuộc.
Một giám đốc công ty đã nhờ luật sư tư vấn như sau: “Tôi đã viết đơn nghỉ việc vì lý do cá nhân, gửi cho chủ sở hữu công ty. Trong đơn, tôi cũng mong muốn thay đổi người đại diện pháp luật.
“Tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc trước 30 ngày theo đúng quy định pháp luật, nhưng hết thời hạn trên rồi mà người chủ sở hữu công ty (cá nhân) không giải quyết việc thay đổi người đại diện pháp luật cho tôi.
“Vậy trong trường hợp này tôi cần phải nên làm gì? Vậy nếu chủ sở hữu nhất quyết không giải quyết và tôi cũng nghỉ việc rồi thì mọi trách nhiệm của công ty có liên quan đến tôi nữa không?”
Trước hết, theo quy định tại khoản 2 điều 75 Luật doanh nghiệp (2014), chủ sở hữu công ty là cá nhân có các quyền sau đây (trích):
a) Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
b) Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
Và tại điều 85 Luật Doanh nghiệp (2014) quy định như sau: “Cơ cấu tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu:
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
3. Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với Chủ tịch công ty.
Như vậy, có thể thấy như sau:
Trong công ty, đối với chủ sở hữu, vị giám đốc nói trên là “người lao động”, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Bộ Luật Lao động. Trong đó có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 37 Bộ Luật Lao động.
Mặt khác, xét về mặt tổ chức và quản lý doanh nghiệp, vì là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty, nên tất yếu phải có và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định trong Điều lệ công ty.
Do cùng lúc có hai vai như vậy, nên đây là tình huống có thể nói là khá “nhạy cảm”. Nếu giám đốc làm điều gì không đúng luật, có thể gây ra những hậu quả khó lường hoặc những rắc rối về sau. Về việc tuân thủ đúng quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (xin nghỉ việc).
Theo quy định tại điều 37 Bộ Luật Lao động 2012, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tức là nghỉ việc chủ động, khi và chỉ khi:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
Ngoài ra, người lao động phải báo (có thể qua đơn xin nghỉ việc) đúng thời hạn quy định (tùy tình huống, loại hợp đồng lao động).
Nếu không thuộc các trường hợp trên, thì, cho dù là giám đốc, chỉ có thể nghỉ việc khi được chủ sở hữu công ty đồng ý hoặc hai bên cùng thỏa thuận với nhau.
Hoặc là giám đốc phải “cố gắng” làm cho đến khi hết thời hạn hợp đồng và không đồng ý gia hạn hay ký hợp đồng lao động mới.
Chính vì vậy, nêu lý do nghỉ việc là “Vì lý do cá nhân” thì chưa/không phải là lý do thực sự chính đáng và hợp lý để giám đốc có quyền nghỉ việc (dĩ nhiên là trừ trường hợp chủ sở hữu công ty đồng ý).
Cuối cùng, khi một người đã ở vị trí giám đốc, và một khi đã không còn mặn mà với công ty, thì chủ sở hữu công ty cũng không có lý do gì để phải níu kéo hay trì hoãn. Vì việc này sẽ ảnh hưởng và có thể gây ra những hậu quả, khó khăn cho cả hai phía.
Luật sư Trần Hồng Phong
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này