12:10 - 11/03/2016
ĐBSCL: Thách thức hôm qua và hôm nay
Hai ý kiến chỉ đạo quý báu
Từ năm 1983 đến năm 1990, tôi được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, (thường được gọi tắt bằng mã số 60-02 và 60-B).
Chương trình đã nhận được sự chỉ đạo quý báu trực tiếp từ hai Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Võ Văn Kiệt.
Phó chủ tịch Võ Nguyên Giáp luôn nhắc nhở: ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó. Cần phải theo dõi, nghiên cứu khách quan và khoa học. Chương trình phải có ý kiến về cơ sở khoa học của mọi quyết định khai thác ĐBSCL.
Từ Phó chủ tịch Võ Văn Kiệt: Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp phải nói cho được trên mỗi vùng đất của đồng bằng, chúng ta có thể khai thác như thế nào, với những điều kiện gì. Và nhớ phải gắn chặt với các tỉnh. Nghiệm thu có giá trị nhất là “nghiệm thu” tại cơ sở, trên hiện trường.
Với tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, tôi hiểu rằng mọi tác động lên nó là tại chỗ và còn đến từ xa bởi vì đồng bằng ở rìa châu thổ sông Mekong, giáp với biển. Từ xa là từ thượng nguồn và là từ biển.
Tôi hiểu nhiệm vụ phục vụ sản xuất và đời sống phải là mục tiêu của chương trình và công tác tổng hợp các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội là quan trọng hàng đầu. Mọi quyết định khai thác đồng bằng luôn có hai mặt, chương trình phải chỉ ra các điều kiện gì để mặt thuận hơn hẳn mặt nghịch, trước mắt và lâu dài, để lãnh đạo có cơ sở cân nhắc, quyết định.
Tên của báo cáo tổng hợp của Chương trình, Đồng bằng sông Cửu Long – Tài nguyên, Môi trường, Phát triển, có dấu ấn sâu xa của hai Phó chủ tịch.
Thật là hạnh phúc cho Chương trình đã nhận được hai ý kiến chỉ đạo từ hai đầu của lộ trình từ điều tra nghiên cứu khoa học đến phục vụ sản xuất và đời sống, mà theo tôi đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cơ chế liên kết vùng là bức thiết
Thách thức của hôm qua (khi triển khai Chương trình 60-02) về ĐBSCL là chúng ta chưa hiểu biết nhiều về đồng bằng, trong khi phải giải quyết cho được vấn đề phèn, mặn để khai thác đúng quy luật ba tiểu vùng đất rộng người thưa lúc đó là Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau, phục vụ ba chương trình mục tiêu quốc gia lúc bấy giờ là Chương trình lương thực, thực phẩm, Chương trình hàng tiêu dùng, và Chương trình hàng xuất khẩu.
Tổng sản lượng lúa năm 1986 của đồng bằng là khoảng 7 triệu tấn. Nay, khoảng 24 triệu và xuất khẩu gạo hiện nay chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước mặt hàng này. Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, kể cả thủy sản biển còn khiêm tốn trong thập niên 1980. Nay tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản ĐBSCL chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước mặt hàng này.
Có phải chúng ta đã hiểu hết về đồng bằng, hiểu rõ những phản ứng của vùng đất này khi chúng ta khai thác nó? Tôi cho là chưa và sự thận trọng, tiếp tục theo dõi, điều tra nghiên cứu vẫn là cần thiết.
Hôm nay, ĐBSCL phải đương đầu với hai thách thức toàn cầu, một thách thức khu vực và một thách thức từ chính đồng bằng.
Toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế.
Khu vực đó là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống.
Thách thức tại chỗ, do thiếu một cơ chế phát triển vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp (đã được nói nhiều nhưng làm chưa được bao nhiêu) của cả vùng. Cộng gộp số học 13 “nền kinh tế” của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL không phải là nền kinh tế của cả đồng bằng, mà ngược lại còn có nguy cơ cản trở nhau, làm suy yếu nhau.
Tại chỗ còn là năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, là cơ giới hóa vàhạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng nông nghiệp của đồng bằng.
Trong khi đó, bốn thách thức trên đây không tác động riêng lẻ lên ĐBSCL, mà cùng nhau tác động, nhân lên hậu quả tai hại của các thách thức, khiến cho sự phát triển của đồng bằng không thể bền vững.
Hơn bao giờ, cơ chế liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là bức thiết. Hơn bao giờ phải giải quyết vùng trũng về giáo dục, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng cơ sở ở đồng bằng.
Hơn bao giờ, cần theo dõi các dự kiến khai thác nguồn nước ở thượng nguồn, đánh giá tác động của những dự án này khi nó còn mới manh nha, lên châu thổ sông, chỉ ra các tác hại để Chính phủ có cơ sở đàm phán vì lợi ích của đồng bằng và vì lợi ích của cả lưu vực sông Mekong.
Hơn bao giờ trong một chương trình khoa học cấp quốc gia để ĐBSCL phát triển bền vững, cần một sự tiếp cận và giải quyết các thách thức có phối hợp chặt chẽ giữa khoa học tự nhiên và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn.
Đồng bằng sông Cửu Long đang chờ đợi và vẫy gọi chúng ta.
Theo Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này