08:39 - 12/09/2023
Tài chính xanh: ‘chìa khóa’ mở ra dòng vốn nghìn tỷ USD cho châu Á
Đã từ lâu, khó khăn về nguồn vốn là rào cản chính khiến nhiều quốc gia Châu Á- Thái Bình Dương gặp khó trong hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải và kinh tế xanh.
Một trong số những câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi chuyển dịch thành công nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Cụ thể nhất là giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch (nguồn cung năng lượng chính ở nhiều nước châu Á) để chuyển sang các mô hình xanh hơn.
Làm được điều đó cần một số tiền khổng lồ. Nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey cho rằng, để đạt được mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới sẽ cần nguồn vốn khổng lồ lên tới 9,2 nghìn tỷ USD. Dù vậy, đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường tài chính xanh tại châu Á-Thái Bình Dương và các nơi khác.
Giá trị trái phiếu liên quan đến tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được phát hành tại các thị trường mới nổi đã tăng từ 66 tỷ USD vào năm 2020 lên gần 200 tỷ USD vào năm 2021. Riêng trái phiếu xanh đã đạt 110 tỷ USD vào năm 2022 và đang trên đà tăng thêm trong năm nay.
Những khoản đầu tư khổng lồ mang đến nhiều kỳ vọng và cơ hội cho các nước đang trên đà phát triển. Như với Việt Nam, chỉ riêng sáng kiến Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP) hứa hẹn sẽ mang tới số tiền hơn 15 tỷ USD – gần 4% GDP quốc gia – trong 3-5 năm để giúp Việt Nam hiện thực các mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050.
Rào cản lớn nhất chưa được gỡ bỏ
Huy động nguồn vốn khổng lồ từ tư nhân và các chính phủ rõ ràng là một giải pháp khả thi, thế nhưng nó lại vướng một rào cản lớn nhất – thiếu một hệ thống phân loại đủ tiêu chuẩn.
Cho tới nay, tài chính xanh vẫn còn thiếu các định nghĩa rõ ràng, chính xác và được quốc tế thống nhất về việc sử dụng như thế nào thì được coi là xanh hoặc thế nào là không.
Theo ông Woochong Um, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một hệ thống phân loại xanh chung cho Châu Á – Thái Bình Dương là phần còn thiếu quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu tài chính về khí hậu của khu vực.
“Cơ chế này sẽ giúp giải phóng toàn bộ tiềm năng của tín dụng và đầu tư bền vững, đồng thời mang lại sự minh bạch, đồng nhất và độ tin cậy cao hơn cho các công cụ tài chính khí hậu. Nó cũng sẽ ngăn cản việc thực hành tẩy xanh, hứa hẹn quá nhiều về lợi ích xanh”, ông Um nhận định.
So với các khu vực mới nổi khác, các chính phủ châu Á đã đạt được tiến bộ đáng kể về phân loại xanh. Kể từ năm 2015, một số quốc gia đã công bố hệ thống phân loại quốc gia, như Trung Quốc, Mông Cổ, Kazakhstan, Indonesia, Malaysia hay Hàn Quốc. Tới nay con số vẫn đang tăng lên.
Tuy nhiên, sự khác biệt về tiêu chí của mỗi nước gây ra sự nhầm lẫn và đặt ra gánh nặng tuân thủ nặng nề cho chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt, khi nó cộng với các khung pháp lý riêng biệt hay chế độ hành chính của địa phương, điều đó sẽ ngăn cản các nhà đầu tư và làm suy yếu các nỗ lực huy động tài chính xanh.
Đây là một bài học quan trọng rút ra từ châu Âu. Trải qua nhiều thập kỷ, Đan Mạch, Thụy Điển, Vương quốc Anh và nhiều nước khác trong khu vực đã chứng minh tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải các-bon có thể song hành.
Điều đó một phần đến từ hệ thống phân loại thống nhất của Liên minh Châu Âu về tài chính bền vững, được thông qua vào năm 2020 và bao gồm 27 quốc gia. Cơ chế nhất quán xuyên biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định các cơ hội tài chính xanh ở các quốc gia khác nhau, nâng cao hiệu quả thị trường và giảm chi phí.
Bên cạnh đó, nó cũng cho phép các nhà đầu tư và tổ chức phát hành “so sánh tốt hơn về đóng góp của khoản đầu tư vào hàng hóa công cộng về môi trường.
Trong vấn đề này, ASEAN lại là một trong các thực thể đi đầu ở Châu Á – Thái Bình Dương, với việc phân loại tài chính bền vững cho 10 quốc gia thành viên ASEAN đã được phê duyệt vào năm 2021.
Ở quy mô rộng hơn, các tiêu chuẩn toàn cầu đang được phát triển. Năm 2016, Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu đã đưa ra các tiêu chuẩn báo cáo bền vững đầu tiên. Việc hai tiêu chuẩn đầu tiên của Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) mới được ban hành là một bước quan trọng khác nhằm thiết lập cơ sở toàn cầu cho báo cáo phát triển bền vững.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã liên kết hệ thống phân loại xanh của mình với hệ thống phân loại xanh của EU và một số quốc gia đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn công bố thông tin bền vững của ISSB.
Các tổ chức đa phương có thể đóng vai trò là người triệu tập và đối thoại để làm việc về phân loại quốc tế và giúp thu hẹp khoảng cách tài chính xanh toàn cầu. Điều này có thể giảm rủi ro cho người cho vay và người đi vay trong các giao dịch tài chính xanh, giúp dòng vốn xanh được luân chuyển và các dự án xanh được triển khai.
Năm 2023 có thể coi là một cột mốc cho thấy biến đổi khí hậu đang tàn phá cuộc sống của người dân và nền kinh tế toàn cầu ra sao. Do đó, theo các chuyên gia, các chính phủ cần tăng tốc hợp tác để đưa ra một khung tiêu chuẩn quốc tế để giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh, khi mà “thời gian không còn đứng về phía chúng ta”.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này