09:53 - 24/12/2015
Sài Gòn cuối năm, những khúc cua chết người
“Sài Gòn những ngày cuối năm cũng là thời điểm bạn hàng khắp nơi đổ về “ăn” hàng hoá chuẩn bị bung hàng vào các dịp lễ tết sắp tới. Thế nhưng, đi lại ở Sài Gòn mà không nắm được những khúc cua chuyên “ăn người” của địa phương này thì quả là nguy hại. Báo chí cần phải cảnh báo cho bà con biết, chứ không hậu quả khó lường”, chị Trần Thị Thu Thảo, tiểu thương chợ Tân Bình, TPHCM đã gợi ý như vậy khi tình cờ trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị.
Theo chị Thảo, chị đưa ra ý kiến trên là vừa rồi, một bạn hàng của chị đã gặp tai nạn trên đường từ Bình Phước về lấy hàng. Tai nạn xảy ra ở ngay đoạn giao giữa đường Phạm Văn Đồng – quốc lộ 13 – Kha Vạn Cân (thuộc địa bàn giáp ranh giữa Bình Thạnh và Thủ Đức). Đáng nói, nguyên nhân chính lại xuất phát từ việc bố trí giao thông rối rắm, tạo ra những khúc cua và đoạn giao cắt nguy hiểm.
Quan sát thực tế tại địa điểm bạn hàng chị Thảo bị tai nạn, ắt ai cũng lo sợ cho tính mạng người chạy xe máy khi đi qua khu vực này. Đặc điểm đoạn đường này, ngoài làn xe dành cho ôtô, còn làn xe máy, đường ray xe lửa, tuyến đường nhỏ (đường số 45) cùng chạy song song và các đường nhánh liên tục trổ ra đường Phạm Văn Đồng, khiến vào các giờ cao điểm xe cộ theo các hướng chạy len vào nhau khá lộn xộn và nguy hiểm.
Ghi nhận tại nút giao đường Hiệp Bình trổ ra đường Phạm Văn Đồng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông không có đèn quẹo trái từ Phạm Văn Đồng vào đường Hiệp Bình, khiến xe cộ quẹo trái vào đường Hiệp Bình phải cắt ngang làn xe ôtô. Kế đến, do làn đường dành cho ôtô được đắp cao nên giữa làn ôtô và làn xe máy có một con dốc ngắn cao hơn đầu người, khiến lúc dừng đèn đỏ hay khi có tàu hoả chạy qua, các loại xe phải dừng chơi vơi trên con dốc. Nhiều lúc cao điểm đông xe, nhiều xe phải dừng ngay trên làn ôtô.
Cũng vì con dốc cao nên các xe ôtô từ đường Hiệp Bình trổ ra đường Phạm Văn Đồng phải quẹo phải vào làn xe máy khiến tai nạn thường xuyên xảy ra, nhất là đối với những người không rành địa hình, địa thế ở khu vực này. Anh Nguyễn Phạm Thi – một người dân ngụ tại đường Kha Vạn Cân, cho hay: xe chuyển hướng cắt mặt nhau, con dốc thì quá lớn nên ở đây tai nạn xảy ra như cơm bữa.
Cũng theo anh Thi, tại cầu vượt vòng xoay cầu Bình Lợi, các xe lưu thông từ cầu vượt qua cầu Bình Lợi và từ quốc lộ 13 lên đường dẫn lên cầu Bình Lợi cắt mặt nhau trên cầu khi xe máy từ cầu vượt phải tạt sang phải cầu để vào làn xe máy, trong khi các xe ôtô từ đường dẫn lên phải cắt sang trái. “Nếu sơ suất là xảy ra tai nạn ngay”, anh Thi cho biết.
Ngoài ra, theo quan sát trên địa bàn quận 2 cửa ngõ chính nối TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên… đang tồn tại hàng loạt các khúc cua, ngã tư sẵn sàng gài bẫy người ở địa phương khác. Đầu tiên phải kể đến nút giao thông Mỹ Thuỷ (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), hướng từ quận 7 rẽ phải về cảng Cát Lái và một điểm đen tại giao lộ Đồng Văn Cống – đường Vành đai phía đông (cùng phường Thạnh Mỹ Lợi).
Một điểm đen giao thông khác cũng trên địa bàn quận 2 là vòng xoay Mỹ Thuỷ (phường Cát Lái, quận 2), góc hướng từ cảng Cát Lái về đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Nguyên nhân hai địa điểm này thường xảy ra tai nạn là do không ít người không rành đường, do các xe không giữ khoảng cách, ôtô không nhường đường.
Cũng trên xa lộ Hà Nội, hiện đang tồn tại hai điểm đen tai nạn giao thông là khu vực ngã tư Thủ Đức, vị trí tại giao lộ quốc lộ 1 đường nhánh R4 từ quốc lộ1 rẽ phải về xa lộ Hà Nội.
Ở khu vực nội đô, đối với những người từ miền Tây lên Sài Gòn, cần phải lưu ý bốn khúc cua, ngã tư gài bẫy. Đầu tiên là đoạn chân cầu vòng xoay Cây Gõ, trên đường Hồng Bàng (quận 5); ngã tư Hồng Bàng – Hoàng Lê Kha. Đặc biệt, hai khúc cua trên đường Võ Văn Kiệt, nếu không cẩn thận thì lập tức ôm hoạ vào thân, là khúc cua thuộc địa điểm phường Cô Giang và Cầu Kho (quận 1).
Hai cây cầu liền nhau nối từ quận 5 sang quận 8 để đi các tình miền Tây và ngược lại là cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Chánh Hưng, hiện ngày càng gây hoạ cho khách phương xa.
Nguyên nhân là do bố trí giao thông rối rắm. Đơn cử, đoạn đường một chiều (khoảng 50m, phía quận 5 lên cầu Chánh Hưng) buộc các phương tiện phải chạy vòng vào đường Hưng Phú rồi tiếp tục rẽ lên cầu, gây nên cảnh xung đột giao thông. Đó là chưa kể đến một chốt đèn tín hiệu giao thông lại được đặt ngay dưới chân cầu Chánh Hưng, trong khi cầu này có độ dốc lớn, gây nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
“Để đảm bảo an toàn cho người xứ khác cũng như dân Sài Gòn khi chạy xe trên đường thì thành phố cũng cần xem lại việc thiết kế các khúc cua, các giao lộ tạo thành bẫy giết người. Chứ cứ như hiện nay, có dịp ra đường là lại lạnh xương sống vì các bất cập trong thiết kế, thi công hạ tầng giao thông”, chị Thảo kiến nghị.
Đằng Giang
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này