15:43 - 31/01/2023
Quá sớm để lạc quan khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Bên cạnh sự lạc quan về Trung Quốc là bức tranh hoàn toàn khác khi thương mại nước này vẫn chưa được giữ vững. Các nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về nhu cầu trong nước, lạm phát và những thách thức khác.
“Trung Quốc đã trở lại”
Trong vài tháng qua, tâm lý trên thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một sự thay đổi đáng chú ý từ cực kỳ bi quan sang ngày càng lạc quan. Mặc dù triển vọng tươi sáng hơn bắt nguồn từ một số yếu tố có liên quan với nhau, nhưng không nơi nào rõ ràng hơn ở Trung Quốc.
Sự thay đổi diện mạo của Bắc Kinh về cách tiếp cận không khoan nhượng đối với đại dịch Covid-19, cùng với việc nới lỏng đáng kể các hạn chế trong lĩnh vực bất động sản và việc trấn áp các công ty công nghệ đã kết thúc, tạo nên một hình ảnh mới của Trung Quốc ở nước ngoài. Điều này đặc biệt đúng với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lý do để lạc quan về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Financial Times, những tuyên bố của Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vừa qua đã thúc đẩy sự lạc quan mới này, rằng “cánh cửa tới Trung Quốc sẽ chỉ mở rộng hơn nữa”. Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng gặp riêng một nhóm các giám đốc điều hành những công ty hàng đầu, chia sẻ với họ về tầm quan trọng của các chính sách nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao và thúc đẩy tăng trưởng, thông điệp mà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra là “Trung Quốc đã trở lại”.
Tại các thị trường, trong một báo cáo được công bố mới đây, JPMorgan cho biết sự sụp đổ của chế độ zero Covid chính là một trong những “cơn gió ngược” lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu trong hai năm qua. Còn theo Morgan Stanley trong một ghi chú được công bố vào ngày 19/1 cho biết, các chính sách về Covid, kinh tế và cả chính sách điều tiết đang phù hợp với nhau theo xu hướng ủng hộ tăng trưởng lần đầu tiên sau 4 năm.
Dữ liệu của Bloomberg cũng ghi nhận, có một số dấu hiệu cho thấy các quỹ toàn cầu đang quay trở lại thị trường Trung Quốc, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của nước ngoài đã tăng trong tháng 12/2022, lần đầu tiên sau 11 tháng. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua 16,5 tỷ đô la Mỹ cổ phiếu đại lục trong tháng 1 này và cũng là mức kỷ lục hàng tháng.
Không chỉ tài sản của Trung Quốc được hưởng lợi. Việc nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế là một yếu tố quan trọng để thuyết phục các nhà đầu tư rằng suy thoái kinh tế toàn cầu khó xảy ra. Theo JPMorgan, tỷ lệ xảy ra suy thoái được định giá vào các loại tài sản chính đã giảm mạnh kể từ tháng 10. Trong thị trường kim loại công nghiệp, xác suất thu hẹp sản lượng đã giảm từ 87% xuống 54%.
Sự lạc quan gia tăng đang diễn ra vào thời điểm Covid-19 càn quét khắp Trung Quốc và lây nhiễm cho khoảng 80% dân số, khiến cho sự cải thiện về tâm lý càng trở nên đáng chú ý hơn. Miễn dịch cộng đồng – một kịch bản gần như không thể tưởng tượng được chỉ vài tháng trước do lo ngại về thảm họa sức khỏe cộng đồng, hiện được các nhà đầu tư coi là chất xúc tác cho sự phục hồi nhanh hơn.
Quá sớm để lạc quan?
Tuy nhiên, bên dưới sự lạc quan ngày càng tăng về Trung Quốc là bức tranh hoàn toàn khác khi thương mại nước này vẫn chưa được giữ vững. JPMorgan lưu ý rằng, mặc dù điều tồi tệ nhất của dòng vốn chảy ra ngoài có thể đã ở phía sau, nhưng mong muốn của các quỹ toàn cầu để tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc vẫn còn yếu ớt.
Một chuyên gia kinh tế độc lập nhìn nhận, sự do dự bắt nguồn từ một số yếu tố như: Thứ nhất, vẫn còn quá sớm để đánh giá. Vẫn có những câu hỏi liên quan đến sức mạnh của nhu cầu tiêu dùng do việc dỡ bỏ chính sách zero Covid như mức độ và thời gian để hồi phục. Trong khi xung lực lạm phát từ việc mở cửa trở lại có thể sẽ thúc đẩy áp lực giá trên toàn cầu, nếu nó kích thích nhu cầu đối với hàng hóa.
Thứ hai, sự lạc quan được tạo ra bởi việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có liên quan đến những phát triển tích cực ở những nơi khác trên thế giới. Các thị trường đã có sự phấn khích trước những dấu hiệu lạm phát đã lên đến đỉnh điểm, được hỗ trợ bởi giá khí đốt tự nhiên bán buôn giảm mạnh, làm sáng tỏ triển vọng của châu Âu.
Song, còn quá sớm để các ngân hàng trung ương tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Giả định có một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế toàn cầu thì điều đó không có nghĩa là được đảm bảo.
Thứ ba và quan trọng nhất là việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang diễn ra trong bối cảnh những thách thức kinh tế và cấu trúc lâu dài đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Giá tài sản của Trung Quốc có thể đã tăng mạnh trở lại, nhưng nền kinh tế nói chung lại đang ở trong tình trạng trì trệ.
“Các vấn đề khác cũng còn nhiều như nợ quá mức, tăng trưởng mờ nhạt, bất bình đẳng thu nhập gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và nhu cầu toàn cầu yếu hơn nhiều đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Thách thức gay gắt nhất là cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Đáng lo ngại không kém, việc nới lỏng các hạn chế, đặc biệt là chính sách “ba lằn ranh đỏ” nhằm hạn chế đòn bẩy trong ngành cuối cùng có thể gây ra tình trạng nợ nần gia tăng hơn nữa.
Như vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại mạnh mẽ đã gây ra sự bùng phát tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư. Với quy mô của đợt bán tháo trong năm qua, có rất nhiều cơ hội để dòng tiền nước ngoài đổ vào. Để điều này xảy ra, cần phải có một sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Tuy nhiên, ngay cả sau khi Trung Quốc nhanh chóng mở cửa trở lại, người ta vẫn chưa đánh giá đúng về sức mạnh và độ bền của xu hướng đi lên”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo Diễm Ngọc/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
700.000 lượt khách đến Cần Giờ: bao giờ mới thành ‘Pattaya’?
Chính phủ Mỹ lại đứng trước nguy cơ đóng cửa
Singapore xác định 3 nhóm doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Du lịch tiết kiệm
Nobel Kinh tế 2018 vinh danh công trình nghiên cứu về khí hậu và tăng trưởng nội sinh
Tags:Trung Quốczero covid
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này