18:51 - 13/12/2018
Hàng hóa ASEAN tràn vào Việt Nam sau ba năm thành lập AEC
So sánh với các Hiệp định thương mại tự do khác, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất.
Ngày 13/12, tại “Diễn đàn xuất khẩu 2018 – Thị trường ASEAN và Trung Quốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức, các chuyên gia cho biết sau hơn 3 năm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hoá các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan. Theo đó, hiện tại Việt Nam đang nhập siêu từ ASEAN.
So sánh với các Hiệp định thương mại tự do khác, các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất. Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC, trong năm 2018 sẽ hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế.
Vì vậy, Với thị trường 660 triệu dân và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng có ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng và đầu vào chất lượng hơn, cũng như rất nhiều cơ hội mới.
Tuy nhiên, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài. Điều này, dẫn đến một số ngành trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, nhập khẩu tăng mạnh.
Trong khi các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng.
Mặc dù xuất khẩu vẫn tăng trưởng, nhưng chủ yếu ở nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất. Do đó, khi nhóm này có sự biến động, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, chưa kéo được nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện Văn phòng Chứng nhận HALAL cho hay, cộng đồng doanh nghiệp cần tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình khảo sát thị trường đồng thời tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu.
Trong đó, hoạt động nghiên cứu thị trường cũng rất quan trọng, giúp doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, hệ thống phân phối, phương thức thanh toán… không chỉ đáp ứng thị trường ASEAN mà còn những thị trường khác.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong năm 2017 đạt 49,53 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, ASEAN là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này