10:10 - 06/08/2017
Hai năm AEC: Ngổn ngang thách thức
Gần 2 năm sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành hình (31/12/2015), nhưng mục tiêu tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung của 10 quốc gia thành viên vẫn đang gặp nhiều thách thức.
Trong hơn một thập kỷ qua, ASEAN đã thiết lập hàng loạt khu vực mậu dịch tự do (FTAs) với các nước đối thoại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, New Zealand và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng ASEAN hội nhập rất tốt với các đối tác ngoài khu vực nhưng vẫn gặp nhiều vấn đề khi hội nhập trong nội khối.
“Máy bay 1 động cơ”
Ông Bùi Huy Sơn – cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và từng là quan chức đàm phán cấp cao của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác Úc, New Zealand, Ấn Độ – cho biết thách thức lớn nhất của ASEAN trong quá trình hội nhập chính là 10 nước có trình độ phát triển khác nhau trong khi bối cảnh kinh tế thế giới biến đổi quá nhanh.
Một khi dựa rất lớn vào thị trường xuất khẩu, nếu môi trường xung quanh mà biến động lớn sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ASEAN” – ông Sơn phân tích.
Với Việt Nam, ông Sơn khẳng định ASEAN là một thị trường không thể thay thế, trong đó kinh tế là một trong ba trụ cột quan trọng bên cạnh chính trị – an ninh và văn hóa – xã hội, tạo niềm tin và cơ sở cho Việt Nam hội nhập sâu hơn.
“Ở giai đoạn đầu hội nhập, thông qua ASEAN, Việt Nam đã tiếp cận thành công các thị trường vô cùng quan trọng bao gồm Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Sắp tới, khi các thành viên ASEAN kết nối sâu, các nước láng giềng Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan… không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam.
Ngoài ra, các tập đoàn, nhà đầu tư Thái Lan và Singapore cũng sang Việt Nam để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế” – ông Sơn phân tích thêm.
Chưa hiểu về AEC
Trước đó, tại tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” ở Hà Nội ngày 19/7, nhiều diễn giả cũng đặt câu hỏi làm sao để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ AEC khi một khảo sát gần đây cho thấy trong 10 doanh nghiệp được hỏi thì chưa đầy 2 doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự trở thành “tay chơi” có đủ năng lực trong thị trường ASEAN.
Ông Dũng nhấn mạnh để có thể tận dụng được các cơ hội mà AEC mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu thông tin, tư vấn cũng như tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác.
Trả lời báo chí tại tọa đàm về vai trò của ASEAN đối với Việt Nam, GS Hidetoshi Nishimura – chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á – cho biết ASEAN đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.
GS người Nhật cũng khẳng định ASEAN là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.
Dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo.
Ông Hidetoshi Nishimura cho rằng để tận dụng cơ hội từ AEC, các doanh nghiệp ở Việt Nam cần nghiên cứu để mở rộng hoạt động tại thị trường ASEAN, như tiến hành đổi mới doanh nghiệp, đẩy mạnh tìm hiểu, nắm bắt thông tin về AEC.
Việc nắm rõ tình hình của AEC nói riêng và khối ASEAN nói chung sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập hiệu quả với khu vực, hướng ra thị trường toàn cầu.
“Thành công rõ ràng duy nhất mà ASEAN có thể khẳng định chính là việc giảm các thuế quan trong các nước thành viên, khi khoảng 99% thuế quan được giảm đến mức 0%.
Tuy nhiên, vấn đề là sự di chuyển tự do hàng hóa giữa các nước trong khu vực vẫn bị cản trở bởi các hàng rào phi thuế quan.
Đơn cử như các nhà lắp ráp ôtô ở Thái Lan đã phàn nàn trong một thời gian dài về việc Malaysia hạn chế số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan vào nước này”.
Trích bài viết “Assesing the ASEAN Economic Community” (Nhận định về Cộng đồng kinh tế ASEAN) trên EastAsia Forum của Somkiat Tangkitvanich và Saowaruj Rattanakhamfu – Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan.
Theo Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này