15:38 - 23/11/2023
‘Drama’ OpenAI – Kẻ đi sa thải trở thành bị sa thải
Sam Altman quay trở lại làm CEO OpenAI, đồng thời đại tu hội đồng quản trị, tuyển dụng các giám đốc mới. Cú “quay xe chóng mặt” đang làm rung chuyển giới công nghệ toàn cầu.
Như thông tin ghi nhận, Altman sẽ trở lại làm CEO của OpenAI. Đứng đầu hội đồng quản trị bây giờ là Bret Taylor (cựu đồng CEO Salesforce Inc. và cựu giám đốc Twitter). Các giám đốc khác bao gồm Larry Summer (bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Bill Clinton) và Adam D’Angelo (đồng sáng lập và CEO Quora). Cả Summer và Taylor đều là những nhân vật nổi tiếng tại Phố Wall.
Một số nguồn tin cho biết dàn giám đốc vẫn tiếp tục thay đổi. Ưu tiên chính của OpenAI là đề cử và chọn ra tối đa 9 giám đốc mới. Việc lựa chọn hội đồng quản trị mới là điểm mấu chốt trong suốt các cuộc đàm phán. Các bên đang tiếp tục xác định xem thành viên nào (ngoài D’Angel) sẽ ở lại với hội đồng quản trị mới.
Nguồn tin này còn chỉ ra rằng ban đầu Altman sẽ đồng ý không tham gia vào hội đồng quản trị để hoàn thành thỏa thuận. Thế nhưng đến cuối cùng anh vẫn có thể có một ghế.
Đồng thời Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất của OpenAI, cũng có thể tranh thủ một vị trí. Một số bên khẳng định Microsoft đang nhắm đến tư cách người quan sát hội đồng, kèm theo một hoặc nhiều ghế trong hội đồng.
Dù sao thì một điều chắc chắn là OpenAI đã đạt được thỏa thuận đưa Altman trở lại sau khi quyết định sa thải anh và kéo theo chuỗi rắc rối 4 ngày sau đó, bao gồm việc các nhân viên đe dọa nghỉ việc nếu Altman không quay trở lại.
Tin tức Altman quay lại vừa tung ra, nhiều người trong cuộc đã lên tiếng chúc mừng, bao gồm cựu chủ tịch Greg Brockman (anh cũng sẽ trở lại OpenAI) và giám đốc công nghệ Mira Murati.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Altman bị sa thải vì những bất đồng trong tốc độ phát triển và kiếm tiền từ AI. Sau đó, các cuộc đàm phán nhằm mang anh trở lại hôm chủ nhật (19/11) đã đi vào bế tắc, một phần vì Altman và các bên khác gây sức ép buộc các thành viên hội đồng hiện tại phải từ chức.
Mọi chuyện xảy ra sau thông tin Altman bị sa thải khiến nhiều người chóng mặt khi theo dõi. CEO Satya Nadella tuyên bố vừa giữ mối quan hệ hợp tác với OpenAI, vừa sẽ mời Altman về và làm việc trong một dự án AI mới. Trong khi đó, rất nhiều nhân viên OpenAI ký một lá thư gửi hội đồng quản trị, yêu cầu các thành viên phải từ chức, đồng thời phục chức cho Altman. Nếu không, họ sẽ nghỉ việc và đầu quân cho Microsoft. Trong số người ký bức thư có cả Murati (người được bổ nhiệm làm CEO tạm thời thay Altman) và Ilya Sutskever (đồng sáng lập OpenAI kiêm thành viên hội đồng quản trị).
Những tưởng Altman về Microsoft là chuyện đã an bài. Thế nhưng cuối cùng OpenAI và Altman đã đạt thành thỏa thuận mới. Cú quay xe này có thể xoa dịu các nhà đầu tư và giảm nguy cơ nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên nó cũng đặt ra câu hỏi về con đường phía trước của OpenAI nói riêng và các startup về AI nói chung. Hay nói cách khác, đó là bài toán cân bằng giữa việc phát triển trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm và nhu cầu huy động lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết khi xây dựng công cụ AI.
Thành lập năm 2015, OpenAI ban đầu là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích phát triển AI theo hướng có lợi cho con người, không bị chi phối bởi lợi ích tài chính. Tuy nhiên sau đó họ tự tổ chức lại, trở thành tổ chức vì lợi nhuận có hạn mức, huy động được hàng tỷ đô từ Microsoft và các nhà đầu tư khác. Altman là người thực hiện các giao dịch huy động vốn này. Tuy nhiên OpenAI vẫn được giám sát bởi một hội đồng quản trị phi lợi nhuận. Sự mâu thuẫn giữa hai bên là nguồn cơn gây ra cục diện rối rắm trong những ngày vừa qua.
Tin tức Altman bị sa thải khiến các nhà đầu tư choáng váng. Bản thân Microsoft cũng chỉ được thông báo trước vài phút. Ông lớn này đã bắt tay với nhiều bên khác để đưa Altman quay trở lại. Khi nỗ lực đi vào bế tắc, Microsoft quyết định mang Altman (và những người khác) về dưới trướng của mình.
Hơn bất kỳ nhân vật nào khác, Altman, 38 tuổi, chính là gương mặt tiêu biểu nhất cho kỷ nguyên AI, đưa ChatGPT trở thành cơn sốt toàn cầu. Trong năm nay, Altman chính là tâm điểm của ngành. Anh làm việc với nhiều bộ ngành, thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Joe Biden hoặc Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Tuy nhiên ở hậu trường, anh thường xuyên xung đột với các thành viên hội đồng quản trị, đặc biệt Sutskever, về tốc độ phát triển AI tạo sinh, cách thương mại hóa sản phẩm và các bước cần thiết để giảm thiểu tác hại tiềm tàng của AI với cộng đồng.
Bên cạnh rạn nứt về chiến lược, các thành viên hội đồng quản trị cũng không đồng ý với tham vọng kinh doanh của Altman. Theo một số nguồn tin, Altman đang tìm cách huy động hàng chục tỷ đô từ các quỹ tài sản ở Trung Đông nhằm tạo một startup về chip AI, cạnh tranh với Nvidia. Đồng thời Altman cũng đang mời gọi Chủ tịch Masayoshi Son của SoftBank đầu tư hàng tỷ đô để sản xuất phần cứng AI. Các dự án này càng làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Altman và hội đồng quản trị.
Khi hai bên đi đến căng thẳng cùng cực, phải có một bên thay đổi. Lúc đầu, đó là Altman, với việc bị sa thải. Thế nhưng cuối cùng, bên thay đổi lại là hội đồng quản trị. Câu chuyện của OpenAI gợi nhớ đến các cuộc đảo chính khác trong Thung lũng Silicon. Chẳng hạn CEO Steve Jobs bị Apple sa thải năm 1985 và trở lại sau hơn 10 năm. Hoặc người đồng sáng lập Dorsey phải rời bỏ Twitter năm 2008 và 7 năm sau trở lại làm CEO. Thế nhưng trong câu chuyện của OpenAI và Altman, thời gian Altman phục chức chẳng còn được tính bằng năm hay bằng tháng, mà chỉ là vài ngày ngắn ngủi.
Theo Quân Bảo/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này