22:32 - 02/02/2020
Lo ngại quyền riêng tư khi hệ thống giám sát công cộng kích hoạt
Sự tiện lợi của công nghệ không nên trở thành cái giá phải trả cho sự tự do của chúng ta.
Kể từ đầu thế kỷ 21, các nghiên cứu về thị giác máy tính (computer vision) đã tiến bộ với tốc độ chóng mặt. Kết quả là hiện nay chúng ta đã có thể lên máy bay, thuê xe hay mở khóa điện thoại dễ dàng chỉ cần nhìn vào camera.
Nhưng các lợi ích này cũng đi kèm với những mặt trái không mong đợi. Không ít các cơ quan, tổ chức và công ty đang tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ điện toán để tạo ra các thể chế giám sát độc đoán.
Từ cấp độ theo dõi công dân, tới giám sát nhân viên và thậm chí là đưa ra các quyết định trong công tác tuyển dụng. Qua đó bộc lộ ra mặt trái tiềm ẩn nhiều rủi ro về nhận dạng, bởi hiện có rất ít sự giám sát và quy định chặt chẽ được soạn thảo để kiểm soát các hình thức “kiểm soát sinh trắc học” này, dẫn tới những vấn đề về quyền riêng tư và tự do dân chủ của chúng ta trong tương lai gần.
Các nhà nghiên cứu đã theo đuổi các công nghệ nhận diện khuôn mặt từ những năm 1960 nhưng chỉ trong vài năm gần đây, các hệ thống này đã trở nên hoàn thiện với nhiều khả năng “đáng lo ngại”. Các mạng thần kinh số (neural network) có thể kết hợp hàng ngàn dữ liệu trên khuôn mặt để cung cấp khả năng nhận diện với độ chính xác cao lên tới hơn 98%, bên cạnh việc bùng nổ các dữ liệu dùng để đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học có sẵn cũng góp phần thức đẩy công nghệ này. Tuy nhiên, dù các thuật toán này hiện đã có thể phát hiện ra một người nào đó thông qua các cảnh quay từ camera an ninh có chất lượng thấp, nhưng chúng vẫn tỏ ra thiếu tin cậy khi phân biệt giữa những người có màu da tối như da vàng hay da đen.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt không hẳn đều là xấu. Chúng mang đến sự tiện lợi cho mọi người, bạn có thể truy cập iPhone ngay lập tức mà không cần chạm tay vào điện thoại nhờ vào hệ thống Face ID, trừ khi bị hacker chiếm quyền kiểm soát, còn không bạn sẽ bớt nhiều nỗi lo về bảo mật thiết bị. Công nghệ này cũng đã chứng minh được lợi ích khi cho phép cảnh sát nhanh chóng tìm kiếm nghi phạm thông qua camera giám sát công cộng.
Nhưng chính sức mạnh và tính linh hoạt đã khiến nhận diện khuôn mặt hữu ích cũng là điều khiến nó trở nên nguy hiểm. Một số quốc gia như Trung Quốc từ lâu đã sử dụng giám sát công cộng và nhận diện khuôn mặt để theo dõi các công dân của mình mọi nơi mọi lúc, giờ đây đến lượt cảnh sát hoàng gia London cũng nối gót theo Trung Quốc khi tuyên bố sẽ chính thức sử dụng hệ thống giám sát ClearView gây tranh cãi để theo dõi công dân Anh theo thời gian thực.
Theo Engadget, một số tổ chức thực thi luật của Mỹ cũng đang tìm cách triển khai rộng rãi hoặc dùng công nghệ này trong một số trường hợp để mở rộng khả năng giám sát của họ, bất chấp vi phạm về quyền riêng tư và tự do dân chủ của công dân Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù những thiếu sót của công nghệ về tính chính xác và tiềm năng lớn có thể bị khai thác sai mục đích, nhưng chỉ có một số ít quốc gia tìm cách ngăn chặn triển khai chúng.
Dù tốt hay xấu, nhận diện khuôn mặt sẽ không biến mất. Nên bây giờ câu hỏi là liệu mức độ quyền riêng tư và các hệ lụy từ công nghệ nhận diện sẽ lớn tới cỡ nào? Trước khi các chính phủ có thể tìm các kiểm soát nó một cách hữu hiệu hơn.
Hữu Thắng/Thanh Niên
https://thanhnien.vn/cong-nghe/lo-ngai-quyen-rieng-tu-khi-he-thong-giam-sat-cong-cong-kich-hoat-1177198.html
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này