Theo ghi nhận, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm điện tử nhái thương hiệu, sản phẩm kém chất lượng có nguồn gốc Trung Quốc đang tràn vào thị trường Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử một cách ồ ạt và ở mức đáng báo động.
Ngày 14-3, anh C.T. (quận Tân Bình, TP.HCM) mua loa nghe nhạc nhãn hiệu JBL trên sàn thương mại điện tử L. với giá 900.000 đồng, sau khi áp các voucher giảm giá thì giá trị chiếc loa chỉ còn hơn 300.000 đồng. Ngỡ tưởng mua được món hàng hiệu giá hời, tuy nhiên khi nhận hàng thì anh T. mới phát hiện đây là sản phẩm nhái thương hiệu, kém chất lượng.
“Nhìn hình thức bề ngoài giống đến 99% sản phẩm chính hãng, kỹ lắm mới phát hiện ra là hàng nhái thương hiệu. Không những tôi, mà rất nhiều người đã mua phải những sản phẩm kém chất lượng như thế, khi bị phát hiện chủ shop có những lời lẽ thô tục, lật mặt, cãi tay đôi với khách. Qua sự việc này, tôi cũng mong các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt hơn hoạt động của sàn thương mại điện tử để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng trên không gian mạng”, anh T. cho biết.
Nguy hiểm hơn, nhiều loại thiết bị điện tử như cáp sạc điện thoại, máy tính trôi nổi, rẻ tiền có nguồn gốc từ Trung Quốc được rao bán, giảm giá rầm rộ trên sàn thương mại điện tử. Thực tế, tình trạng các linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường hay trên các sàn thương mại điện tử đã diễn ra suốt nhiều năm qua, tuy nhiên ít có một cơ quan quản lý nào “sờ gáy”. Họ vẫn buôn bán một cách dễ dàng, đã có rất nhiều sự việc thương tâm, cháy nổ liên quan đến việc sử dụng các thiết bị sạc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Anh N.C.P. (ngụ quận 12, TP.HCM) tìm mua một bộ cáp sạc cho điện thoại của một thương hiệu E., trên sàn thương mại điện tử S. với giá chỉ 7.000 đồng, sau khi đã giảm giá. Khi nhận hàng, anh P. cắm thử thì cục sạc bất ngờ phát nổ, khói đen bốc lên, hoảng quá nên anh liền ngắt tất cả thiết bị điện trong gia đình.
“Rất may mắn là khi cắm sạc chỉ có tôi ở đó, nếu có trẻ con và người già trong gia đình vô tình sử dụng thì rất nguy hiểm đến tài sản và tính mạng. Tôi cũng nghe nói nhiều vụ chập điện, cháy nổ từ sạc điện thoại giá rẻ nhưng không nghĩ mình lại xui xẻo đến vậy”, anh P. kể lại.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2023, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 25%, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt doanh thu 20,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo thống kê của Statista).
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng ấn tượng này là nỗi lo hàng giả, hàng nhái kém chất lượng gây mất niềm tin, thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Hiện nay, nhiều gian thương đã lợi dụng việc thiếu kiểm soát để tuồn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ giữa lực lượng quản lý thị trường và các sàn thương mại điện tử, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm để đảm bảo quyền lợi, an toàn tính mạng cho người tiêu dùng.
Theo Bùi Tuấn/SGGP
Ngày đăng: 20/3/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này