15:26 - 15/03/2023
Bóng đen bao trùm ngành công nghệ
Nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc nhận vốn đầu tư mạo hiểm từ Mỹ thường khởi đầu với việc có tài khoản tại Ngân hàng Thung lũng Silicon.
Tác động toàn cầu của vụ sụp đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ đang bắt đầu xuất hiện, gây khó khăn không nhỏ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang phụ thuộc vào ngân hàng này để vận hành hằng ngày.
“Khoảng 90% tiền mặt của chúng tôi ở SVB” – anh Sam Franklin, 28 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự công nghệ Otta (Anh), than với hãng tin Reuters trong khi đang tìm cách trả lương cho nhân viên vào cuối tháng này.
Cũng theo anh Franklin, bài học rút ra từ vụ việc là nếu có nhiều tiền mặt, các công ty khởi nghiệp nên gửi vào nhiều ngân hàng khác nhau. Còn tại Hong Kong (Trung Quốc), nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty thiết bị đeo Soundbrenner cho biết không thể đăng nhập tài khoản của mình tại SVB.
Trong khi đó, ông Quincy Lee, nhà sáng lập Công ty khởi nghiệp sạc xe điện Electra Era (Mỹ), đã tìm cách rút hàng triệu USD từ SVB ngay khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo rõ nét vào chiều 9/3 (giờ địa phương). Dù chậm trễ nhưng đến ngày 13/3 ông đã nhận được tiền.
Tại châu Á, theo một số chuyên gia, tác động của vụ SVB sụp đổ đối với các công ty khởi nghiệp có thể không nhiều.
Ông Jamus Lim, chuyên gia của Trường Kinh doanh ESSEC châu Á – Thái Bình Dương (Singapore), giải thích với tờ South China Morning Post: “Các công ty khởi nghiệp châu Á không tiếp xúc nhiều với SVB và có xu hướng được tài trợ nhiều hơn bởi hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm địa phương, cũng như các ngân hàng địa phương”.
Tương tự, ông Ajay Jain, nhà đồng sáng lập Công ty tư vấn đầu tư Silverneedle Ventures (Ấn Độ), cho rằng các công ty khởi nghiệp nước này có giao dịch với SVB có thể bị tác động ngắn hạn nhưng nhìn chung sẽ không có trục trặc lớn.
Dù vậy, điều có thể gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp ở châu Á thời gian tới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không ngừng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, làm dấy lên nỗi lo cuộc khủng hoảng tài chính có thể lan rộng.
Riêng ở Trung Quốc, theo CNBC, nhiều công ty khởi nghiệp đang ít nhiều bị trúng đòn từ vụ SVB do có tài khoản tại ngân hàng này. Một nguồn tin cho biết SVB cho phép sử dụng số điện thoại di động ở Trung Quốc để xác thực việc mở tài khoản.
Với sự hậu thuẫn của một nhà đầu tư mạo hiểm uy tín, một công ty khởi nghiệp có thể mở tài khoản tại SVB trong vòng 1 tuần thay vì trải qua các quy trình nghiêm ngặt có thể mất 3 – 6 tháng ở các ngân hàng thông thường.
Nguồn tin trên là nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc. Người này cho rằng các nhà đầu tư mạo hiểm thích làm việc với SVB vì ngân hàng này cho phép họ theo dõi các công ty khởi nghiệp sử dụng vốn như thế nào. “Việc không có SVB sẽ gây hại cho ngành công nghệ vì không có ngân hàng nào khác cung cấp 2 tính năng đó” – nguồn tin nhận định, có ý nói đến tốc độ mở tài khoản nhanh chóng và chuyện giám sát tiền đầu tư.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu doanh nghiệp Trung Quốc mở tài khoản tại SVB. Nguồn tin cho biết nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc nhận vốn đầu tư mạo hiểm từ Mỹ thường khởi đầu với việc có tài khoản tại SVB.
Có thể bạn quan tâm
Người dân Úc không muốn mua nhà gần trạm 5G
Smartphone 5G bán chạy hơn 4G
Trung Quốc cảnh báo giá trị Bitcoin có thể ‘về 0’
Bkav thử nghiệm sản xuất máy thở
Vuihoc lọt top bảng xếp hạng ‘ngôi sao đang lên’ của Edtech thế giới
Tags:ngành công nghệsvb
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này