22:39 - 13/07/2022
Thị trường dư cung, áp lực giảm giá cà phê
Với nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái trong thời gian gần đây, cả 2 loại cà phê arabica và robusta đều kết thúc tuần cuối tháng 6 trong xu hướng giảm giá.
Tính đến ngày 5/7, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9-2022 trên sàn ICE US đóng cửa ở mức 221,1 cent/pound, tương ứng giảm 13,9% so với mức đỉnh 256,9 cent/pound hồi tháng 2. Giá robusta giảm sớm hơn khi thiết lập mức đỉnh từ tuần cuối tháng 12/2021 và bắt đầu giảm khi tình hình dịch bệnh hạ nhiệt và hoạt động xuất khẩu robusta được khơi thông. Giá robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa ngày 5/7 ở mức 1.961USD/tấn, tương ứng giảm 15% kể từ đỉnh.
Sản lượng Arabica hồi phục mạnh mẽ
Theo báo cáo mới phát hành trong tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dù sản lượng arabica của Brazil mùa vụ 2022-2023 vẫn thấp hơn nhiều so với con số 49,7 triệu bao (bao 60kg) trong mùa vụ 2020-2021, nhưng ước tăng 14% so với mùa vụ trước, khi dự kiến thu hoạch 41,5 triệu bao. Cây cà phê tại nhiều vùng trồng của nước này tiếp tục phục hồi năng suất kể từ đợt sương giá hồi tháng 6 và 7 năm ngoái, kèm theo nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình kéo dài tới tháng 9/2021.
Dù hiện tượng sương giá nhẹ vẫn quan sát thấy trong tháng 5 tại các khu vực như Sao Paulo, Minas Gerais và Parana, nhưng báo cáo khảo sát cho thấy thiệt hại không đáng kể đến năng suất. Bên cạnh đó, sản lượng Robusta của Brazil chứng kiến mùa vụ tăng thứ 6 liên tiếp bất chập thời tiết khắc nghiệt trong 2 năm vừa qua, khi dự kiến thu hoạch kỷ lục 22,8 triệu bao trong mùa vụ 2022-2023, tương tứng tăng 5% so với vụ trước và tăng hơn gấp đôi so với mùa vụ 2016-2017.
Điều này cho thấy nguy cơ cạnh tranh rất lớn đối với Việt Nam từ phía Brazil, khi sản lượng robusta nước ta chỉ xoay quanh 28-30 triệu bao những năm gần đây. Cụ thể mùa vụ 2022-2023, USDA dự báo sản lượng robusta của Việt Nam chỉ đạt 29,8 triệu bao, giảm khoảng 2,2% so với vụ trước.
Nếu Brazil khôi phục lại mùa vụ kỷ lục của arabica như 2020-2021 (có thể đạt được nhờ thời tiết ổn định), đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích robusta, áp lực giảm giá dẫn tới việc thu hẹp diện tích robusta của Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Viễn cảnh này có sự tương đồng với sự thu hẹp quy mô hơn 50% trong thời gian 10 năm của ngành đường Việt Nam, do sự cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan. Sản lượng đường của Việt Nam trong niên vụ 2021-2022 chỉ đạt khoảng 750.000 tấn so với con số đỉnh 1,73 triệu tấn của niên vụ 2013-2014.
Với động lực tăng nguồn cung chủ yếu đến từ Brazil, sản lượng cà phê thế giới vụ 2022-2023 dự báo đạt khoảng 175 triệu bao, tương ứng tăng 4,7% so với mức 167 triệu bao của mùa vụ trước. Trong đó, lượng arabica khoảng 95 triệu bao (tăng 6,6%) và robusta khoảng 80 triệu bao (tăng 2,6%). Về nhu cầu tiêu thụ, USDA dự báo mùa vụ 2022-2023 đạt 167 triệu bao, tăng nhẹ 1,1%. Nhu cầu tiêu thụ có sự ổn định ở hầu hết quốc gia. Như vậy, cán cân cung – cầu dự kiến thặng dư khoảng 8 triệu bao. Tồn kho cuối kỳ dự kiến ở mức 34,7 triệu bao, tăng mạnh 6,3%.
Thị trường cà phê trong nước
USDA cho biết, diện tích cà phê của Việt Nam không thay đổi so với mùa vụ trước. Mùa mưa năm nay đến sớm hơn so với mọi năm hỗ trợ tốt cho việc ra hoa và trái cà phê. Thời tiết ẩm hơn mức trung bình giúp giảm bớt chi phí tưới cây. Tuy nhiên, giá phân bón tăng 70% trong 6 tháng vừa qua làm tăng chi phí đầu vào.
Trong khi đó, giá cà phê trong nước có xu hướng đi ngang đã lâu, dẫn tới việc nông dân lựa chọn cắt giảm lượng phân cho cây. Điều này dự kiến làm giảm năng suất thu hoạch robusta so với vụ trước. Do đó, sản lượng của Việt Nam được dự báo ở mức 30,9 triệu bao (trong đó có 29,8 triệu bao robusta), giảm khoảng 700.000 bao so với vụ trước.
Theo báo cáo của Vietnambiz, trong tháng 5 lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 889.000 tấn, tăng khoảng 24,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh lượng xuất khẩu tăng, mặt bằng giá xuất khẩu cũng cao hơn, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 2 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Đức, với lượng lũy kế 115.805 tấn, chiếm 13% tỷ trọng. Tiếp theo lần lượt là Bỉ 85.679 tấn (tỷ trọng 10%) và Italia 65.951 tấn (7%), Nhật Bản 52.574 tấn (6%), Mỹ 50.582 tấn (6%)… Nhìn chung, khu vực châu Âu là thị trường quan trọng với cà phê xuất khẩu của Việt Nam, khi chiếm tỷ trọng tới 43% trong tổng lượng xuất khẩu.
Xu hướng giá cá phê sắp tới
Nhu cầu tiêu thụ của châu Âu không chỉ quan trọng đối với thị trường xuất khẩu robusta của Việt Nam, còn đóng vai trò quan trọng trên thị trường cà phê toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của khu vực này chiếm hơn 25% thế giới, và nhu cầu nhập khẩu chiếm 34% tổng thị trường nhập khẩu. Đứng thứ 2 là nhu cầu nhập khẩu của Mỹ với tỷ trọng 20%. Nếu tính tổng cộng cả EU và Mỹ, nhu cầu nhập khẩu của 2 khu vực này chiếm tới 54% thế giới.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định Mỹ và EU đang có nguy cơ lớn xảy ra suy thoái kinh tế do thái độ dứt khoát thắt chặt tiền tệ của NHTW 2 khu vực này là Fed và ECB nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này dự kiến tạo sức ép lên giá cà phê trong thời gian tới, bên cạnh áp lực từ thặng dư cán cân cung – cầu trong mùa vụ 2022-2023.
Theo Phạm Tuấn/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này